ClockChủ Nhật, 07/11/2021 06:13

Ai còn yêu mến làng mình

TTH - Hoàng Dục là người con của làng Kế Môn (Điền Môn, Phong Điền), đã học Việt - Hán tại Đại học Văn khoa Huế và Đại học Sư phạm Huế. Là thạc sĩ văn chương, từng dạy học ở Đắk Lắk và Đà Nẵng. Hiện đang sống cùng gia đình ở Đà Nẵng. Cùng với nghề dạy học, ông còn là tác giả của nhiều truyện ngắn, và các cuốn sách chuyên đề văn học.

Của để dành

Cuốn sách “Kế Môn, quê hương trong tôi”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa cho ra mắt bạn đọc

“Kế Môn, quê hương trong tôi" là cuốn sách mới của Hoàng Dục, nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa cho ra mắt bạn đọc. Cách tiếp cận đa chiều, nhưng văn hóa vẫn là cái nhìn chủ đạo và xuyên suốt nội dung cuốn sách.

Trước hết là những đặc trưng nổi bật về văn hóa của làng Kế Môn. Cho đến nay, trong giới nghiên cứu có một số thuyết về tên làng, năm lập làng, nhưng khá tập trung và thống nhất là thuyết cho rằng: “Kế Môn là làng có nhiều cây cỏ kế gần cửa Thuận An”, được thành lập vào những năm đầu của thế kỷ XV, cùng thời điểm với các làng cổ ở Thừa Thiên Huế.

Sự hiện diện của Văn thánh điện thờ Đức Khổng Tử vạn thế sư biểu, điện thờ duy nhất của dải đất Ngũ Điền cho thấy, làng Kế Môn từ xa xưa đã luôn coi trọng sự học. Tiêu  biểu cho tinh hoa và hiền tài của làng lúc bấy giờ là hai vị đại khoa: Đệ tam giáp đồng tiến sĩ Nguyễn Thanh Oai, khoa Quý Mão (1843) và Đình Nguyên Hoàng Giáp Trần Dĩnh Sĩ, khoa Ất Mùi (1895). Nhưng “Niềm tự hào lớn nhất của đất học Kế Môn là nơi đã sinh ra nhà tân học Nguyễn Lộ Trạch”.

Từ những mảnh ghép ký ức đậm chất hoài niệm về chùa làng, nhà thờ họ, chợ, dòng Ô Lâu, hạt mưa, cái nắng… hiện lên một làng quê hồn hậu, hữu tình, ẩn chứa trong lòng trầm tích văn hóa dân gian đặc sắc. Đó là những tình sử bàng bạc màu huyền thoại, câu hò đối đáp nam, nữ dí dỏm mà tình tứ trên dòng sông Ô Lâu… đã đi vào ca dao. Ăn sâu vào tâm thức của con dân Kế Môn là điệu múa Náp (múa gươm), người dân quen gọi bằng phương ngữ là lộn gươm, một điệu múa độc đáo mang đậm màu sắc nghi lễ dân gian. Những món ăn dân dã mà khó quên như: rau tập tàng luộc chấm ruốc kho nước, môn sen (môn tím) nấu cá tràu (cá lóc) có nêm ruốc… là vị ẩm thực đằm sâu nỗi nhớ không chỉ với người Kế Môn xa quê, mà còn với những ai may mắn một lần đến đây thưởng thức.

Nhắc đến Kế Môn là nhắc đến làng nghề kim hoàn truyền thống nổi tiếng trong Nam, ngoài Bắc. Ngài Cao Đình Độ và Cao Đình Hương đã được vua Khải Định ban sắc phong ghi ân có công khai sáng nghề kim hoàn nước ta, là thần Dực Bảo Trung Hưng (thần bảo vệ dân chúng an cư và trung hưng nghề nghiệp). Trải qua thăng trầm thế sự, nhưng những người làm nghề đã kiên trì vượt qua khó khăn, truyền ngọn lửa đam mê cho các thế hệ tiếp nối, không phụ lòng các vị tổ nghề, khẳng định ý thức dân tộc về nghề truyền thống của người Việt, để lưu giữ và phát triển nghề của quê hương mình không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.

Kế Môn còn là vườn thơ với hương sắc riêng bình dị, hòa quyện giữa thơ truyền khẩu và thơ thành văn. Có thể xem Nguyễn Lộ Trạch là hạt giống thơ đầu tiên, các thế hệ kế tục và phát triển xuất hiện với những dáng vẻ khác nhau như: Hoàng Ngọc Châu, Hoàng Công Hảo, Nguyễn Thanh Nhơn, Nguyễn Thanh Yến, Hoàng Xuân Thảo… cùng chung nguồn nước và khí trời của vườn thơ Kế Môn lắng đọng mà lan tỏa.

Gấp lại cuốn sách "Kế Môn, quê hương trong tôi" của Hoàng Dục, mở ra trong suy nghĩ của người đọc là làm sao cho dân làng mình ngày một ấm no, hạnh phúc, làng mình ngày càng phát triển đi lên, nhưng không làm mất đi nét duyên quê đằm thắm, có từ ngày tiền nhân mở đất lập làng. Có nhiều việc cần làm, và cách làm khác nhau, nhưng nên chăng bắt đầu từ ý thức và trách nhiệm của người lớn trong việc giáo dục truyền thống làng mình cho lớp trẻ thông qua gia đình, dòng họ, nhà trường và xã hội, gắn với những việc làm cụ thể, phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển.

Điều quan trọng nhất trong giáo dục là việc định hướng chọn nghề, lập nghiệp cho con em khi còn trên ghế nhà trường, để sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi vào đại học không phải là con đường duy nhất cho tương lai, mà các trường đào tạo nghề khác, nhất là những ngành nghề gắn với nghề truyền thống của làng mình mới là lựa chọn phù hợp. Đó là cách thể hiện sự yêu mến làng quê sâu đậm và bền vững.

Với Kế Môn như những điều cuốn sách đã gửi gắm, và hiện hữu, địa phương cần chủ động lập hồ sơ những nơi lưu giữ “hồn quê” như: Đình làng, chùa làng, nhà thờ họ - những họ lớn có công lập làng, tổ nghề, chợ kháng chiến…, đề nghị tỉnh công nhận di tích, và rà soát lại các địa danh, nhân vật lịch sử của làng để bổ sung vào quỹ ngân hàng đặt và đổi tên đường phố và công trình công cộng của tỉnh.

Có thể hình thành một tour du lịch văn hóa - sinh thái, tạm gọi “Về với Điền Môn”, kết nối với vùng quê Ngũ Điền, phá Tam Giang, điểm nhấn là làng Kế Môn. Du khách không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan xinh đẹp, mà còn được đắm chìm trong những câu chuyện tình huyền sử, giọng hò đối đáp vang ngân… cùng con thuyền bồng bềnh trên dòng Ô Lâu, được tận mắt xem điệu múa Náp độc đáo, và nếm “vị ruốc” khó quên của làng khi thưởng thức món ăn dân dã…, nối dài đến thăm làng cổ Phước Tích, và kết thúc là khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng Thanh Tân. Đó sẽ là hành trình thú vị.

Bài, ảnh: LÊ VIẾT XUÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Theo đường xuất bản theo đường văn

Với gần 300 trang sách, tập bút ký “Theo đường xuất bản theo đường văn” (NXB Thuận Hóa, 2023) được tác giả Nguyễn Duy Tờ “nhớ, biết và viết” trong suốt thời gian một năm, kể từ tháng 10/2022 - tháng 10/2023. Cuốn sách ghi lại những kỷ niệm, tình cảm đặc biệt của ông dành cho những con người tài hoa mà nhờ “theo con đường xuất bản nhiều năm”, ông đã có cơ duyên gặp gỡ.

Theo đường xuất bản theo đường văn
Độc đáo “Lục bát món Huế”

Tháng 1 năm 2024, anh Lê Tân - người thực hành văn hóa ẩm thực Huế cho xuất bản một cuốn sách hết sức độc đáo “Lục bát món Huế” do Nxb Hội Nhà văn ấn hành. Sách dày 285 trang, in màu rất đẹp, bìa do họa sĩ Đặng Mậu Tựu trình bày. Đúng như tên gọi, “Lục bát món Huế” gồm 480 cặp (960 câu) lục bát, giới thiệu và dạy các món ăn và gia vị đặc trưng Huế. Mỗi món ăn được giới thiệu, ngoài bài thơ lục bát, còn có hình ảnh minh họa, và ghi rõ tên nghệ nhân trao truyền công thức chế biến. Điều đó cho thấy tác giả hết sức nghiêm túc khi ấn hành cuốn sách ẩm thực độc đáo này.

Độc đáo “Lục bát món Huế”
Loanh quanh xứ nhớ

“Loanh quanh xứ nhớ” là tập bút ký & tùy bút mới nhất của nhà văn Nguyễn Thị Duyên Sanh vừa được NXB Thuận Hóa ấn hành vào đầu tháng 8 vừa qua. Đây cũng là cuốn sách thứ 4 của chị.

Loanh quanh xứ nhớ
Return to top