ClockThứ Hai, 08/11/2021 05:50

Bám chợ tuổi xế chiều

TTH - Ở tuổi gần đất xa trời, họ vẫn miệt mài gồng gánh ra chợ bán buôn. Có người vì mưu sinh, nhưng cũng có người lấy đó làm niềm vui lúc tuổi già xế bóng. Với họ, một ngày chân còn đủ sức bước đi thì còn miệt mài ra chợ. Bởi cái âm thanh lao xao rộn rã đầy sự sống đã gắn bó với họ cả cuộc đời, đâu dễ rời xa.

Mưu sinh bằng nghề sửa khóaMưu sinh mùa nắng nóngMưu sinh giữa giá rét

Mệ Lan vẫn là trụ cột gia đình dù đã tuổi “thất thập cổ lai hy”

Bám chợ từ thời còn trẻ

Lúc mệ Trần Thị Giò (87 tuổi, ngụ TP. Huế) về đến chợ Bến Ngự, mặt trời đã lên cao. Cái nắng nhàn nhạt sáng đầu thu phủ lên mớ hàng hóa ít ỏi của mệ ở góc đường Phan Đình Phùng, ngay bên hông chợ. Một mẹt ớt đỏ chót; một mẹt sả thơm thơm; thêm mớ gừng còn dinh dính bùn đất... Tất cả hàng hóa của mệ cho một ngày mưu sinh.

Một ngày của mệ Giò, bắt đầu từ sáng đã có mặt ở chợ, kéo dài đến tận tối mới kết thúc. Bất kể ngày mưa ngày nắng, mệ đều kiên nhẫn ra chợ. “Mệ bán ở chợ từ hồi còn con gái. Hồi xưa ngồi trong chợ. Sau này mới ra đây ngồi”, mệ Giò nói. Có người phụ nữ bước đến “gian hàng” của mệ, hỏi mua mấy miếng gừng. Dạo này mệ Giò bắt đầu lãng tai. Chị phải lặp lại hai ba lần mệ mới nghe rõ. Nhưng chị vẫn giữ nguyên nụ cười, gương mặt dịu dàng, không một chút khó chịu. Chị nói, mỗi lần đi chợ, chị đều ghé đến chỗ mệ ngồi, khi thì mua ít sả, lúc mua ít gừng. Đó là cách chị góp giúp bà cụ mưu sinh.

Ngồi bên cạnh mệ Giò là mệ Chanh, năm nay cũng đã 80 tuổi. Hàng hóa của mệ Chanh đa dạng hơn một chút, gồm rau, bầu, bí, mướp, cà, chanh, tỏi… Khác với mệ Giò có chiếc dù cũ kỹ che mưa che nắng trên đầu, mệ Chanh ngồi chơ hơ giữa nắng. Nắng liếm lên đám hành lá, bó rau muống, khiến chúng bắt đầu héo rũ. Đến cuối ngày, nếu mớ rau muống không người mua hết, thế nào cũng lỗ vốn. Mệ Chanh than thở.

“Xích qua bên này cho đỡ nắng”, mệ Giò nói với mệ Chanh. “Ở chợ Bến Ngự ni, tui là người già nhất, nên được ưu tiên. Bán ở ngoài này, chỉ có tui là được che dù”, mệ Giò cười tươi rói, âm thanh trầm đục điển hình của người già. “Lấy sả cho người ta đi tề”. Mệ Chanh chỉ vào người khách đang đứng chờ, nói với mệ Giò. Mệ Giò vội vã lục tìm túi ni lông, bỏ mấy cọng sả cho khách. Đôi tay chi chít vết đồi mồi đã bắt đầu run run vì lớn tuổi. “May có bà ngồi bên cạnh, cũng giúp tui nhiều thứ lắm”, mệ Giò nói khi nhìn về phía bà bạn.

Cũng như mệ Giò, mệ Chanh “bám” chợ từ hồi con trẻ. Hồi đó còn khỏe, hàng hóa bán buôn cũng đa dạng hơn nhiều. Giờ già cả, sức khỏe yếu, hàng hóa thu hẹp lại chỉ còn mấy mớ rau củ đựng trong mấy cái mủng tre. Một ngày tần tảo mưu sinh, hôm ế ẩm thì kiếm vài ba chục ngàn đồng. Những hôm đắt khách, có khi lời được trăm ngàn đồng đã mừng. Tiền kiếm được ít ỏi, nên chi tiêu cũng dè xẻn. “Phải tằn tiện để dành, lỡ khi ốm đau không ra được chợ, thì lấy tiền vốn ra ăn”. Mệ Chanh bộc bạch.

Còn sức thì còn ra chợ

Mệ Bùi Thị Nghiệp (80 tuổi), là một trong những tiểu thương già nhất ở chợ An Cựu. Bạn hàng cùng tuổi với mệ, có người đã bỏ chợ vì đau ốm, có người đã không còn trên dương thế. Năm 1975, mệ mới bắt đầu cuộc mưu sinh tại chợ An Cựu này, và gắn bó cho đến nay. Hàng hóa của mệ Nghiệp, là than, củi, lá, chổi quét… “Mấy đứa con của mệ, cứ bắt mệ nghỉ chợ. Nhưng mệ có chịu mô. Mình còn sức thì còn ra chợ. Ở nhà ngồi không, buồn lắm”. Mệ Nghiệp nói.

Con cái mệ Nghiệp đều có cuộc sống ổn định. Cháu nội cháu ngoại cũng khôn lớn, có đứa đã dựng vợ gả chồng. Với mệ bây giờ, gánh nặng mưu sinh đã không còn đè nặng trên vai. Nhưng 6 giờ sáng mệ vẫn chăm chỉ ra chợ, đến tối mịt mới về nhà. Mệ nói, ra chợ có người qua, người lại, vậy mà vui. Có hôm người không khỏe, phải nghỉ buổi chợ, mệ đã thấy nhớ. Tựa như cái âm thanh lao xao rộn rã nơi chợ búa, đã ăn sâu vào máu thịt, vắng là thấy buồn.

Không may mắn như mệ Nghiệp, mệ Chanh một thân một mình, không con cái. Vậy nên, việc “bám chợ” với mệ như là một lẽ tất yếu. Một ngày không khỏe, không ra được chợ là thấy lo ngay ngáy, bởi mệ chẳng có ai để dựa vào lúc xế bóng. Với mệ, chỉ mong ngày nào cũng khỏe, để còn ra chợ mưu sinh.

Có ba đứa con cả trai lẫn gái, 10 đứa cháu nội cháu ngoại, thêm 7 đứa cháu cố, nhưng mệ Giò bảo, đôi khi mệ còn phải làm chỗ dựa cho đám con cháu trong nhà. Tiền kiếm được từ việc bán buôn ngoài chợ, ngoài trang trải cuộc sống, mệ chắt chiu dành dụm khi thì mua bánh, mua kẹo, lúc mua tấm áo tấm quần cho mấy đứa cháu. Dù ở tuổi gần đất xa trời, mệ vẫn muốn tự lực cánh sinh, không muốn làm gánh nặng cho con cháu trong nhà. “Mình còn sức thì còn kiếm tiền. Khi nào không đủ sức ra chợ nữa thì đành chịu. Con cháu đều nghèo hết. Đứa mô cũng lo làm lụng nuôi con cái. Mình mô đành lòng dựa vào”. Mệ Giò thỏ thẻ.

Không chỉ tự nuôi mình, mệ Đặng Thị Lan (gần 70 tuổi) còn là trụ cột gia đình, để người chồng đang đau ốm bệnh tật dựa vào. Mệ Lan bán rau ở chợ Bến Ngự gần ba chục năm nay. Hồi còn trẻ, mệ đi làm công nhân, sau đó đi làm phụ thợ hồ. Năm 40 tuổi, không còn đủ sức làm việc nặng, mệ bắt đầu ra chợ Bến Ngự mưu sinh.

Một bịch hến, một bịch rau muống, đó là tất cả hàng hóa của mệ Lan. Mấy ngày trước nắng nóng, đám đậu cove bán không kịp nên bị teo tóp hết, vậy là lỗ vốn, nên mệ chưa dám lấy thêm rau, củ để bán. Mớ hàng lỏng lẻo ấy, tuy lời lãi chẳng mấy, nhưng cũng đủ giúp mệ cùng chồng gói ghém sống qua ngày. Cho nên ngày hai buổi, mệ vẫn túc tắc ra chợ. “Đến khi mô không còn sức ra chợ nữa, thì mới ở nhà”, mệ nói.

“Mệ có 4 đứa con. Nhưng giờ mệ với ông vẫn tự lo cho cuộc sống. Con cái nghèo hết, giúp được gì thì mình cám ơn, chứ không đòi hỏi, cũng không trách. Bởi ngay cả mình, hồi xưa cũng lo làm lụng nuôi con cái, nên đâu có nuôi được cha mẹ”. Mệ Lan cười cười, nhưng nụ cười vẫn phảng phất nét buồn.

Buổi trưa, nắng gay gắt. Mệ Lan dắt ra chiếc xe đạp điện, chuẩn bị về nhà. “Mệ về nấu cơm cho ông. Chiều lại ra chợ bán tiếp”. Giọng của mệ, như chìm trong tiếng lao xao của chợ, tiếng rộn ràng của xe cộ buổi trưa.

Bài, ảnh: Ngọc Linh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi chợ Đông Ba có cả tên đường

Chợ Đông Ba đã có một bước tiến chưa từng có trong lịch sử hơn 120 năm của mình với việc lần đầu tiên có tên đường.

Khi chợ Đông Ba có cả tên đường
Ngăn ngừa cháy chợ

Chợ truyền thống luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, chập điện nên công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) luôn được các ban ngành, địa phương chú trọng, đặc biệt là địa bàn TP. Huế với số lượng chợ nhiều, tiểu thương đông.

Ngăn ngừa cháy chợ
“Chạy đua” với tết

Cận tết, đêm ở chợ đầu mối Phú Hậu, chợ Đông Ba nghe rõ bước chân vội vã của những người làm nghề “cửu vạn”. Những cánh tay quệt lau mồ hôi, những bữa ăn vội, cái chợp mắt chỉ vài phút làm cho nhịp sống ngày gần Tết Giáp Thìn thêm hối hả. Nhiều chị em phụ nữ gồng mình bốc vác hàng nặng nhưng không quên hối nhau: “Chạy đua nhanh lên cho kịp tết”.

“Chạy đua” với tết
Chợ hoa tết:
Hoa nhiều, nhưng khách chưa đông

Đó là nhận định của một số hộ kinh doanh hoa và cây cảnh phục vụ thị trường tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn TP. Huế.

Hoa nhiều, nhưng khách chưa đông
Đằng sau gánh nặng mưu sinh

Không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ bà dưới nắng mưa, gió lạnh, bất kể ngày hay đêm vẫn miệt mài vất vả mưu sinh trên đường phố Huế. Đã bao giờ bạn thử ngồi xuống một gánh hàng rong, mua một thứ gì đó của các mệ và lắng nghe những nỗi niềm của người bán hàng khắc khổ? Chắc chắn bạn sẽ có được một trải nghiệm rất thú vị và nhận ra rằng bạn may mắn biết chừng nào.

Đằng sau gánh nặng mưu sinh

TIN MỚI

Return to top