ClockThứ Tư, 21/09/2022 08:19

Bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ sản phẩm chủ lực

TTH - Thời kỳ hội nhập và cạnh tranh thị trường khốc liệt, việc xác lập, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) cho các sản phẩm, nhất là sản phẩm chủ lực của địa phương rất được xem trọng. Vì đây là công cụ pháp lý đắc lực nhằm bảo vệ, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa khi doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân tạo dựng, sáng lập... tham gia vào thị trường lớn.

Khai thác và phát triển bền vững bản quyền sản phẩm du lịch23 đơn vị tham gia "Triển lãm sản phẩm du lịch"Chủ động nâng tầm sản phẩm

Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đăng ký nhãn hiệu tập thể đã khai thác được nhiều thị trường tiềm năng, tăng giá trị sản xuất

Mở ra nhiều cơ hội

Chia sẻ về một trong những thành quả bước đầu của việc sử dụng và khai thác TSTT đối với đặc sản địa phương, TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) dẫn chứng, khi thanh trà Huế chưa được xây dựng thương hiệu bằng hình thức đăng ký nhãn hiệu tập thể, giá bán mỗi trái thanh trà chỉ tầm dưới 10 nghìn đồng, thậm chí còn chịu cạnh tranh và "mạo danh" với sản phẩm của các vùng, miền khác. Nhưng từ khi có thương hiệu "Thanh trà Huế", đặc sản thanh trà ở các vùng như Thủy Biều, Hương Vân, Thủy Bằng, Phong Thu, Dương Hòa... có giá bán cao hơn gấp 3-4 lần, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, khẳng định được chất lượng, danh tiếng sản phẩm ở nhiều thị trường và vào các hệ thống siêu thị lớn.

Những hộ trồng thanh trà được trao quyền sử dụng nhãn hiệu "Thanh trà Huế" không chỉ được tập huấn, trang bị kiến thức về quyền và nghĩa vụ khi sử dụng nhãn hiệu, mà còn được bảo hộ về sản phẩm, hỗ trợ đầu ra, giá bán ổn định và tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch trải nghiệm nhà vườn thanh trà Huế, tham gia trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để tăng chất lượng, giá trị sản phẩm.

Không riêng thanh trà, nhiều sản phẩm đặc sản trên địa bàn tỉnh như: tôm chua, nón lá, mè xửng, zèng A Lưới, đúc đồng, sen Huế, mứt gừng... từ khi được hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đã giúp các DN, cơ sở sản xuất thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm, cải tiến mẫu mã nhãn hiệu hàng hóa, giúp tiếp cận thị trường trong nước và xuất khẩu.

UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách về KHCN, trong đó có những nội dung về phát triển TSTT và đã ưu tiên đến nhóm các đặc sản địa phương, nhằm hình thành các thương hiệu đặc sản của tỉnh. Nhiều đơn vị, DN đã dịch chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung; chuyển đổi từ sản phẩm thô sang sản phẩm có bao bì, tem nhãn...

Thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 380 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ quyền SHTT, nổi bật như Bún bò Huế, Thanh trà Huế, Nón lá Huế, Tinh dầu tràm Huế...

Chương trình phát triển TSTT tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025 tiếp tục tạo chuyển biến nhận thức cho các cấp, ngành, đơn vị, cá nhân về tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển TSTT để phục vụ triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, Sở KHCN cũng tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ việc xác lập, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân, qua đó nhằm bảo hộ quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp.

Tổ liên kết sản xuất các sản phẩm bánh tráng Lựu Bảo (Hương Hồ) sử dụng bao bì, nhãn mác để từng bước tiến đến đăng ký, xác lập nhãn hiệu tập thể

Thúc đẩy các chủ thể tham gia

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở KHCN, đến nay, toàn tỉnh có 69 tổ chức, cơ sở, DN, HTX được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra hiện có 6 nhãn hiệu chứng nhận, gồm: Giải thưởng Cố đô KHCN, Bún bò Huế, Thủ công mỹ nghệ Huế Crafted in Hue, Huế Festival Nghề truyền thống, Đặc sản Huế Hue Speciality Goods, Nông sản an toàn Nam Đông. Có 2 chỉ dẫn địa lý: Nón lá và Tinh dầu tràm.

Mặc dù số đơn đăng ký và chứng nhận văn bằng bảo hộ năm sau cao hơn năm trước, song theo đánh giá của Sở KHCN, đa phần DN trên địa bàn ít quan tâm đến vấn đề bảo vệ và phát triển TSTT, mà chỉ quan tâm đến phát triển sản phẩm và làm thế nào để tiêu thụ nhiều, thu lợi nhuận cao... mà quên mất SHTT, bảo vệ ý tưởng, bảo hộ thương hiệu vốn là quyền pháp lý rất quan trọng của DN, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp.

Để đẩy mạnh phát triển TSTT, nhất là đối với các đặc sản, ngành nghề nông thôn, Sở KHCN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định Danh mục các sản phẩm chủ lực tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc nhóm đặc sản địa phương, làng nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ giai đoạn 2022-2025 và các giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tạo lập bảo hộ các thương hiệu, nhãn hiệu và xây dựng phát triển chỉ dẫn địa lý các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Điển hình như các nhãn hiệu tập thể: Áo dài Huế cho sản phẩm áo dài tỉnh Thừa Thiên Huế, hương trầm Huế cho sản phẩm hương trầm Thủy Xuân, sản phẩm bánh Lựu Bảo của phường Hương Hồ (TP. Huế), cá vẩu Cầu Hai, đệm bàng Phò Trạch cho sản phẩm đệm bàng của xã Phong Bình, điêu khắc, mộc Mỹ Xuyên của xã Phong Hòa, chuối già lùn A Lưới; các nhãn hiệu chứng nhận, gồm: điểm đến du lịch "Chợ quê Cầu Ngói Thanh Toàn" xã Thủy Thanh, "Rượu vang vả Bạch Mã" cho sản phẩm rượu vang vả Phú Lộc, "Hương xưa Làng cổ Phước Tích" Phong Hòa (Phong Điền), các điểm đến du lịch huyện A Lưới và các sản phẩm trên địa bàn A Lưới...

Ngành KHCN đang tập trung xây dựng bộ chuẩn nhận diện thương hiệu và phát triển TSTT cho tổ chức, DN, HTX, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh khởi nghiệp hoặc DN sản xuất sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên cho các sản phẩm đạt giải tại cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
“Dấu carbon” trên sản phẩm

Khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ chọn được hướng đi, một lối sống, sinh hoạt phù hợp hơn...

“Dấu carbon” trên sản phẩm
Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Tiếp tục phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản... trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

TIN MỚI

Return to top