ClockThứ Hai, 04/07/2022 14:21

Bảo vệ động vật hoang dã dựa vào cộng đồng

TTH - Từ đầu năm đến nay, hàng chục cá thể động vật hoang dã (ĐVHD) được người dân phát hiện, trình báo cơ quan chức năng giải cứu, thả về môi trường tự nhiên.

Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung bàn giao 138 mẫu động, thực vật rừngRa mắt Quỹ Bảo tồn loài nhân Ngày Môi trường thế giới 5/6Nguy cơ dịch bệnh từ săn, bắt động vật hoang dã

Tiến hành thả khỉ về rừng

Chỉ riêng từ cuối tháng 5 đến nay, qua nhiều kênh thông tin khác nhau, các đơn vị kiểm lâm liên tiếp nhận được tin trình báo của người dân có nguyện vọng chuyển giao nhiều động vật rừng để thả về môi trường tự nhiên.

Hạt Kiểm lâm TP. Huế tiếp nhận một cá thể rùa núi Vàng (Indotestudo elongata), nặng 1kg do ông Mai Văn Tân, trú tại phường Trường An (TP. Huế) trình báo; một cá thể khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis), nặng 3kg do các sư thầy ở chùa Linh Mụ trình báo và một cá thể khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides), nặng 7kg do ông Trần Hữu Vũ, trú tại phường Kim Long (TP. Huế) giao nộp. Tại A Lưới, đơn vị kiểm lâm cũng tiếp nhận từ bà Nguyễn Thị Lành trú tại thôn Pi Ây 2, xã Quảng Nhâm một cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung (Cuora bourreti), trọng lượng 1kg.

Các cá thể động vật rừng tiếp nhận đợt này đều thuộc danh mục động vật nguy cấp, quý hiếm. Sau khi tiếp nhận, các đơn vị tiến hành lập thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định và phối hợp với các đơn vị liên quan thả các cá thể ĐVHD nói trên về môi trường tự nhiên.

Qua các vụ việc người dân trình báo và có nguyện vọng được thả ĐVHD về môi trường tự nhiên, cho thấy bảo tồn ĐVHD dựa vào cộng đồng được xác định là một trong những biện pháp hiệu quả. Với cách tiếp cận này, cộng đồng tại các địa phương được trao quyền và trở thành những người bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, chủ động và linh hoạt trong các hoạt động bảo tồn ĐVHD nói riêng, đa dạng sinh học (ĐDSH) nói chung.

Theo đánh giá của các chuyên gia bảo tồn thiên nhiên, tỉnh Thừa Thiên Huế sở hữu một tài nguyên sinh vật đa dạng, thuộc loại cao của Việt Nam và khu vực ở cả ba mức: đa dạng hệ sinh thái, đa dạng loài và đa dạng nguồn gen. Trong đó, thể hiện đặc trưng nhất tại bốn khu rừng đặc dụng: Vườn Quốc gia Bạch Mã, Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Khu Bảo tồn Sao La và vùng rừng đặc dụng phía tây nam của tỉnh.

Tuy nhiên trong nhiều thập kỷ qua, tình trạng buôn bán và tiêu thụ ĐVHD bất hợp pháp ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng vẫn chưa được giải quyết. Trong đó, một nguyên nhân quan trọng là thói quen tiêu thụ thịt ĐVHD bắt nguồn từ xa xưa, cũng như xu hướng mới sử dụng trong bối cảnh thay đổi do đại dịch COVID-19. Cộng đồng dân cư xung quanh các khu bảo tồn thiên nhiên vẫn còn phải sống phụ thuộc một phần vào khai thác rừng và các sản phẩm từ động vật, thực vật hoang dã. Do đó, thay đổi nhận thức và thói quen khai thác, sử dụng các sản phẩm từ rừng của cộng đồng là một trong những chiến lược quan trọng để nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo tồn ĐDSH.

Trong khuôn khổ hợp phần Bảo tồn ĐDSH do WWF phối hợp với Ban Quản lý các DA lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT thực hiện, các nhóm bảo tồn cộng đồng (BTCĐ) là cầu nối để truyền tải các thông điệp về bảo tồn ĐDSH, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã tại địa phương. Thành viên của nhóm bao gồm đại diện chính quyền, người dân địa phương cũng như các tổ chức xã hội như đoàn thanh niên, hội phụ nữ... Các nhóm sẽ tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp, hoặc lồng ghép các hoạt động ở thôn, bản nhằm tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân, góp phần giảm thiểu hành vi săn bắt và tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn khẳng định, Thừa Thiên Huế có những bước tiến quan trọng trong hoạt động quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ ĐVHD, có nhiều chương trình, chiến dịch môi trường do UBND tỉnh phát động như phong trào Ngày Chủ nhật Xanh, nói không với rác thải nhựa, phong trào gìn giữ Huế xanh - sạch - sáng... Các ban, ngành cũng có nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim trời nhằm hạn chế mức thấp nhất nạn săn bắt chim trời và các loài ĐVHD. Từ đó tiến tới chấm dứt tình trạng săn bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật rừng, các loài chim trời cũng như tiếp tục xây dựng thương hiệu TP. Xanh được Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (WWF) vinh danh năm 2016.

Bài, ảnh: TRIỀU QUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành động vì động vật hoang dã

Động vật hoang dã (ĐVHD) được ví như một tài nguyên quý thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội. Là địa bàn rộng, dân cư đông nên TP. Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp, hành động vì ĐVHD góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn thiên nhiên, hạn chế việc tiêu thụ, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các sản phẩm ĐVHD.

Hành động vì động vật hoang dã
Đưa sách đến với cộng đồng

Những năm qua, bên cạnh công tác phục vụ tại chỗ cũng như tổ chức các sự kiện về văn hóa đọc, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế còn triển khai việc đưa sách, báo về phục vụ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các đồn biên phòng, trại giam… với mong muốn đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ sách, báo của người dân.

Đưa sách đến với cộng đồng
Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã

Ngày 7/4, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) phối hợp với Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tổ chức buổi tọa đàm: Sinh viên với hành động vì động vật hoang dã.

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã
Return to top