ClockThứ Sáu, 31/01/2020 06:45

Bảo vệ, phát triển rừng bền vững

TTH - Phát triển rừng bền vững, thân thiện với môi trường, hướng đến lợi ích kinh tế, duy trì, ổn định độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 57,5% là mục tiêu của ngành lâm nghiệp tỉnh năm 2020.

Trao hơn 5.000 cây vả giống tại Phú Lộc nhằm phát triển nguồn nguyên liệuTrồng rừng gỗ lớn: Giá trị tăng cao, đầu ra đảm bảo

Sản xuất giống keo lao thân thiện với môi trường

An toàn cho rừng

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới, ông Lê Nhân Đức cho rằng, trước khi nghĩ đến chiến lược phát triển rừng bền vững, điều tiên quyết đối với ngành lâm nghiệp là phải ngăn chặn nạn khai thác, vận chuyển gỗ rừng trái phép.

Từ những ngày trước, trong và sau tết, lực lượng kiểm lâm huyện A Lưới, kể cả lãnh đạo đều phải phân công túc trực tại các trạm, chốt chặn tại các “điểm nóng” thường xảy ra phá rừng. Hầu hết tất cả các “cửa rừng” đều bố trí lực lượng từ 3-5 người để giám sát người ra vào, ngăn chặn kịp thời các dấu hiệu vi phạm.

Trong khi mọi người cùng gia đình đón tết thì lực lượng kiểm lâm huyện A Lưới nói riêng, toàn tỉnh nói chung phải thay phiên nhau, phối hợp tổ chức tuần tra rừng. Tại những khu rừng có trữ lượng gỗ lớn, gỗ quý hiếm, các khe suối, tuyến đường, lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra để phát hiện, ngăn chặn hành vi khai thác, vận chuyển gỗ rừng trái phép.

Thông tin từ các đơn vị kiểm lâm, lâm nghiệp, tính đến thời điểm này chưa phát hiện nạn phá rừng, vận chuyển gỗ rừng trái phép. Tuy nhiên, tinh thần của các lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh luôn đề cao cảnh giác, không lơ là, bám địa bàn, cơ sở theo sự phân công để bảo vệ an toàn cho những cánh rừng.

Ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông khẳng định, lấy công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) trong dịp tết làm cơ sở, tiền đề xuyên suốt mục tiêu BVR cả năm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn nhấn mạnh, trong nhiều phương án QLBVR, ngành lâm nghiệp hướng đến việc thực hiện tốt phương án QLBVR, phát triển rừng bền vững. Ngay từ đầu năm, các đơn vị lâm nghiệp, kiểm lâm đã triển khai các phương án chống chặt phá rừng, vận chuyển rừng trái phép; phòng cháy chữa cháy rừng.

16 ngàn ha rừng gỗ lớn

Trồng rừng gỗ lớn (RGL) trong những năm gần đây đã thật sự mang lại hiệu quả cao. Điều này đã ngày càng thu hút người dân, các đơn vị chủ rừng hưởng ứng, chuyển đổi sang trồng RGL có chứng chỉ FSC. Tham gia trồng RGL, người dân được hỗ trợ bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, kể cả khi chưa đến kỳ thu hoạch bị thiên tai gây gãy đổ.

Giám đốc HTX Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc (Phú Lộc), ông Hồ Đa Thê nhẩm tính, trồng RGL hiệu quả gấp đôi đến gấp ba lần so với trồng rừng gỗ nhỏ. Trồng rừng gỗ nhỏ chỉ 4-5 năm có thể thu hoạch cho thu nhập chỉ 80-100 triệu đồng/ha. Trong khi đó, RGL phải mất 8 năm trồng nhưng cho thu nhập 250-300 triệu đồng/ha. Quá trình kéo dài thời gian thu hoạch, RGL còn góp phần nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Chủ tịch Hội Chủ rừng Phát triển bền vững tỉnh, ông Võ Văn Dự khẳng định, trước yêu cầu mới không có con đường nào khác ngoài phát triển rừng bền vững bằng cách nâng cao độ che phủ, phát triển rừng trồng gỗ lớn. Hội sẽ hỗ trợ các đơn vị chủ rừng, người dân đăng ký tham gia trồng RGL có chứng chỉ FSC, nâng diện tích RGL toàn tỉnh lên 16 ngàn ha năm 2020. Theo đó, phấn đấu năng suất RGL đạt 25-30m3/ha/năm, giá trị gia tăng tối thiểu đạt 250 triệu đồng/ha/chu kỳ vào năm 2020.

Trong chiến lược phát triển rừng bền vững, ngoài nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng, ngành lâm nghiệp tỉnh đang hướng đến rừng trồng thân thiện với môi trường (TTVMT) bằng cách sản xuất giống từ bầu hữu cơ tự hoại. Tính toán của ngành lâm nghiệp cho thấy, hàng năm, toàn tỉnh trồng mới ước đạt khoảng 7.000 - 7.500 ha rừng. Bình quân mỗi ha cần khoảng 3.000 cây giống, như vậy sẽ có khoảng 20 triệu túi polyetylen (PE) phải thải ra môi trường. Do đó việc gieo ươm cây giống lâm nghiệp TTVMT chất lượng cao sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường.

Việc gieo ươm cây giống TTVMT bằng túi bầu hữu cơ tự hoại còn giúp cải thiện điều kiện đất đai, có khả năng cải tạo đất, chống xói mòn; đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, hạn chế, tiến tới chấm dứt sử dụng đất đóng bầu khai thác từ vùng đồi núi gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và sạt lở đất.

Ông Huỳnh Tăng Quang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vũ Minh thông tin, đơn vị đưa vào đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất giống cây lâm nghiệp TTVMT tại xã Lộc Tiến (Phú Lộc), tạo túi bầu tự hoại với nguyên liệu 100% chất hữu cơ phụ phẩm nông nghiệp, như mùn cưa, dăm gỗ loại thải, vỏ trấu, xơ dừa, vỏ đậu... Đến nay, công ty gieo ươm hơn 2 triệu cây giống keo lai với các dòng BV10, BV16, BV32, BV33.

Các đơn vị chủ rừng, các công ty, hợp tác xã đã có kế hoạch sản xuất, kinh doanh hơn 20 triệu cây giống, trong đó khoảng 1 triệu giống TTVMT để trồng mới năm 2020. Phấn đấu tỷ lệ giống được quản lý, kiểm soát chất lượng đạt 85% trở lên, đồng thời tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất giống lâm nghiệp TTVMT.

Năm 2020, toàn tỉnh trồng mới 5.950 ha rừng; trong đó rừng trồng sản xuất 5.700 ha, còn lại rừng phòng hộ khoảng 250 ha. Toàn tỉnh khai thác gỗ rừng trồng khoảng 6.000 ha với sản lượng dự kiến 6.000m3; khai thác nhựa thông 850 tấn; chăm sóc 18 ngàn ha rừng, khoán QLBVR 176 ngàn ha…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Tiếp tục phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản... trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống

Thành lập các câu lạc bộ (CLB), tổ liên kết (TLK) để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thị trường, giúp đỡ vốn... đó là cách Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hương Toàn (TX. Hương Trà) giúp hội viên phát triển kinh tế từ nghề truyền thống của địa phương.

Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống
Return to top