ClockThứ Sáu, 05/03/2021 06:20

Bến Ván thay đổi

TTH - Năm 2004, khu định cư Bến Ván, thuộc xã Lộc Bổn (Phú Lộc) được thành lập. Đến năm 2007, tổ chức đảng ở đây ra đời. Từ đó đến nay, dưới sự chỉ đạo của chi bộ, đời sống người dân phát triển vượt bậc.

Người dân Bến Ván thu hoạch rừng trồng gỗ lớn

Vai trò của chi bộ

Khu định cư Bến Ván ngày đầu thành lập có 224 hộ, gồm 1.015 nhân khẩu. Đây là số hộ di cư thuộc dự án lòng hồ Tả Trạch. Mỗi hộ được cấp đất ở 500m2 và 2.000m2  đất vườn, đồng thời mỗi khẩu được cấp 1.200m2 đất nông nghiệp để đảm bảo điều kiện sản xuất.

Ông Hồ Đức Lăng, Bí thư Chi bộ thôn Hòa Lộc thuộc Khu định cư Bến Ván nhớ lại, ngày đầu thành lập khu định cư Bến Ván chỉ có 2 đảng viên sinh hoạt ghép tại Chi bộ thôn Hòa Vang của xã. Đời sống của bà con lúc bấy giờ hết sức khó khăn do chưa có chi bộ Đảng lãnh đạo phát triển sản xuất.

Được sự quan tâm của Đảng ủy xã Lộc Bổn, năm 2007, sau khi phát triển thêm 2 đảng viên tại chỗ, Chi bộ Bến Ván được thành lập với số lượng 4 đảng viên, do ông Hồ Đức Lăng làm Bí thư chi bộ.

Diện tích đất nông nghiệp cấp cho bà con hiệu quả kinh tế thấp nên nhiều gia đình không mặn mà với nghề trồng trọt. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu về tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực trồng rừng, chăn nuôi gia súc theo hướng gia trại, trang trại, cấp ủy chi bộ đã họp thống nhất và đề ra nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo phát triển nghề trồng rừng kết hợp chăn nuôi để phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đó, phong trào sản xuất ở Bến Ván được định hình.

Đến năm 2012, chi bộ phát triển lên 7 đảng viên. Cấp ủy chi bộ tiến hành khảo sát trong địa bàn, tập trung vận động đảng viên, Nhân dân đẩy mạnh đầu tư trồng rừng, kết hợp chăn nuôi để “lấy ngắn nuôi dài”. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, các chi hội phụ nữ, nông dân lập danh sách đề xuất việc tạo điều kiện về vốn vay để các hộ mạnh dạn đầu tư; đồng thời, khuyến khích các hộ không có đất rừng phát triển dịch vụ vận tải và thu mua gỗ sản xuất cho bà con. Nhờ triển khai nhiều giải pháp và sự đầu tư của bà con, đến nay trong khu định cư đã có rất nhiều hộ sở hữu trong tay hàng chục hecta rừng, không ít hộ sắm xe tải lớn chuyên chở gỗ thu hoạch, đầu tư xe múc cung ứng dịch vụ làm đất cho các chủ rừng...

Sau khi tìm hiểu về mô hình chuyển đổi phương pháp trồng rừng cho hiệu quả kinh tế cao, Phó Bí thư Chi bộ thôn Hòa Lộc, ông Hồ Đa Thê đã tiên phong vận động các hộ dân có đất rừng đăng ký tham gia trồng rừng chứng chỉ FSC. Sau gần 7 năm, tất cả rừng trồng gỗ lớn của các thành viên đã cho khai thác đạt sản lượng gỗ bình quân từ 200-220m3/ha, đưa giá trị rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ FSC lên đến 250-300 triệu đồng/ha, đặc biệt có lô lên đến 380 triệu đồng/ha. So với rừng trồng gỗ nhỏ 5 năm khai thác lợi nhuận chỉ được khoảng 80-90 triệu đồng/ha. Với hiệu quả đó, đến nay trong khu định cư đã mở rộng với tổng diện tích 560 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC.

An cư lạc nghiệp

Ông Hồ Đức Lăng, Bí thư Chi bộ thôn Hòa Lộc cho biết, khu định cư Bến Ván đến nay đã tăng lên gần 270 hộ. So với ngày đầu, khu định cư có 156 hộ nghèo, thì đến nay giảm chỉ còn 6 hộ nghèo, nhiều hộ đã trở nên khá giả, giàu có, thậm chí có cả xe con. Qua thống kê sơ bộ, số hộ giàu tăng lên trên 20%, số hộ khá chiếm hơn 70% ở khu định cư này...

Để minh chứng điều này, Bí thư Lăng đưa chúng tôi đi thăm một vòng quanh khu tái định cư. Khu tái định cư bây giờ có nhiều căn nhà khang trang trị giá tiền tỷ mọc lên, nhiều hộ có cả xe con 7 chỗ đời mới.

Gia đình bà Nguyễn Thị Ba là điển hình. Từ một hộ nghèo định cư được hỗ trợ đào tạo nghề, sau thời gian làm nghề chăm sóc, khai thác rừng thuê, vợ chồng bà Ba tích lũy mua chiếc xe tải chở gỗ thuê cho các chủ rừng, mua được một số diện tích rừng... Nhờ đó, đến nay mỗi năm gia đình bà Ba thu nhập trên cả tỷ đồng, trở thành hộ kinh doanh giỏi được Trung ương Hội Nông dân khen thưởng.

Hộ ông Nguyễn Chí Lưu cũng thuộc diện hộ giàu có trong khu tái định cư này. Ông Lưu có trong tay 10ha rừng trồng, cũng là điểm thu mua gỗ dăm, gỗ rừng trồng lớn trong vùng. Mới đây, ông Lưu đã tậu chiếc xe con trị giá hơn 1,2 tỷ đồng.

Theo ông Hồ Đức Lăng, nhiều hộ trước đây là hộ nghèo, nhờ sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền... nay đã trở thành hộ giàu có của xã. Các hộ khác không có điều kiện đầu tư kinh doanh thì trở thành lao động cho các chủ rừng, cơ sở sản xuất, thu mua dăm gỗ, dịch vụ vận tải trong khu định cư, nên có thu nhập rất ổn định.

Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bổn, bà Bạch Thị Bích nhận xét, tổ chức đảng ở khu định cư Bến Ván đã năng động, kịp thời triển khai các nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy cấp trên, đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nguyện vọng của bà con, nên huy động được nguồn lực trong dân đầu tư phát triển nghề rừng và dịch vụ nghề rừng, cho thu nhập vượt trội như hiện nay. Qua đó, đã góp phần khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giai đoạn nào đối với đời sống Nhân dân.

Từ năm 2018, khu định cư Bến Ván được phân chia thành 2 thôn. Theo đó, Chi bộ Bến Ván được phân chia thành 2 Chi bộ thôn Hòa Lộc gồm 8 đảng viên và Chi bộ thôn Dương Lộc gồm 6 đảng viên.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số
Thay đổi mạnh mẽ nhận thức, hành động từ học Bác

Với Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Quảng Điền, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được cụ thể hóa vào công việc thường nhật, phù hợp với nhiệm vụ chính trị và chuyên môn được giao.

Thay đổi mạnh mẽ nhận thức, hành động từ học Bác
Return to top