ClockThứ Bảy, 03/12/2022 12:53

Biến chứng cúm thường xảy ra với trẻ dưới 5 tuổi, người có sức khỏe kém

TTH.VN - Theo WHO, hàng năm, thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh cúm. Tại Trung tâm Nhi - Bệnh viện Trung ương Huế, tỷ lệ trẻ nhập viện do nhiễm khuẩn hô hấp cấp trong đó có do vi rút cúm tăng cao trong mùa mưa. ThS. BS Trần Thị Hạnh Chân, Phó Trưởng khoa Khoa Nhi - Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Bệnh nhiệt đới (NTHĐBNĐ) thông tin:

ThS. BS Trần Thị Hạnh Chân

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh cúm, tuy nhiên, trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh do có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và sức đề kháng yếu. Trẻ em 5-9 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh nặng và tỷ lệ tử vong cao ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi và nhóm người có nguy cơ cao.

Thưa bác sĩ, cúm có nhiều loại, vậy chủng cúm nào phổ biến và dễ lây?

Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, do nhiều loại vi rút gây ra, có khả năng lây lan nhanh. Triệu chứng điển hình của bệnh gồm sổ mũi, đau họng, ho, đau nhức cơ, nhức đầu, sốt.
Bệnh cúm thường gây ra bởi 3 chủng vi rút cúm A, B và C. Trong đó, chủng A và B là 2 chủng phổ biến nhất ở người. Vi rút cúm A có khả năng gây nhiễm các loài động vật có vú (như lợn và ngựa), các loài chim và gia cầm. Vi rút cúm B và C chỉ gây bệnh ở người. Cúm có khả năng lây nhiễm khủng khiếp, được xếp vào một trong những bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất thế giới khi bùng phát thành đại dịch. Sở dĩ vi rút cúm A có khả năng gây nên những đợt cúm nguy hiểm là do khả năng biến đổi của kháng nguyên H và N. Nguy hiểm nhất gần đây phải kể đến các dịch cúm của chủng vi rút H5N1.

Việc miền Bắc xảy ra một số trẻ tử vong và trẻ mắc cúm B nhiều tại Bắc Kạn khiến nhiều người lo lắng. Các biến chứng bệnh cúm có thường xảy ra hay không?

Bệnh cúm thường không ảnh hưởng quá nghiêm trọng và có thể biến mất sau nhiều nhất 2 tuần mà không để lại tác động lâu dài.

Thế nhưng ở đối tượng là trẻ em dưới 5 tuổi, người có sức khỏe kém, cúm có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi do cúm hoặc bội nhiễm vi khuẩn, viêm não, viêm màng não, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang, viêm cơ hay hủy cơ vân, tổn thương đa cơ quan như thận hay suy hô hấp và làm trầm trọng thêm tình trạng các bệnh mãn tính như suy tim sung huyết, hen suyễn hoặc đái tháo đường. Trong đó, viêm phổi là một trong những vấn đề nặng nề nhất. 

Phụ nữ mang thai nếu nhiễm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ thì rất nguy hiểm. Đây là giai đoạn thai nhi bắt đầu hình thành và phát triển nhiều bộ phận của cơ thể, do đó, nếu người mẹ mắc cúm trong giai đoạn này sẽ có nguy cơ dị tật thai nhi, sẩy thai hoặc thai lưu.

Kiểm tra sức khỏe một bệnh nhi nhập viện do cúm. Ảnh: Thượng Hiển

Khi nào nên thực hiện các xét nghiệm cúm B? Cần đưa trẻ nhập viện điều trị trong tình huống nào?

Bệnh cúm có thể được chẩn đoán thông qua các triệu chứng lâm sàng đặc trưng, tuy nhiên, rất khó để phân biệt dấu hiệu bị cúm với các bệnh do các tác nhân gây bệnh đường hô hấp khác.

Để chẩn đoán, xác định người bệnh nhiễm vi rút cúm cần dựa vào các các xét nghiệm vi rút học như nuôi cấy vi rút, phát hiện acid nucleic (PCR, RT-PCR) hay huyết thanh chẩn đoán. Xét nghiệm huyết thanh cho kết quả nhanh, nhưng độ nhạy và độ đặc hiệu không cao và có thể làm ở bất kỳ cơ sở y tế nào có nhập kít test.

Trẻ bị cúm mùa có yếu tố nguy cơ nặng như suy giảm miễn dịch, bệnh nền, hoặc trẻ có các triệu chứng kéo dài (thường quá 1 tuần), cần được nhập viện và theo dõi.

Một số bậc phụ huynh quá lo lắng nên đã lạm dụng thuốc kháng sinh, kháng vi rút. Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên khi điều trị trẻ tại nhà, chế độ chăm sóc trẻ cần thực hiện ra sao?

Người nhiễm cúm cần được nghỉ ngơi cho đến khi hạ sốt, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu và chú ý uống nhiều nước. Sử dụng nước muối loãng có tính sát khuẩn tốt, người bệnh có thể sử dụng để vệ sinh họng, hỗ trợ giảm nhanh các triệu chứng đau họng, rát cổ và viêm nhiễm cổ họng.

Cần vệ sinh mũi sạch sẽ để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, giúp người bệnh dễ chịu hơn. Lưu ý, sau khi thực hiện vệ sinh mũi xong, cần vệ sinh tay sạch sẽ để tránh tình trạng lây lan bệnh.

Nhằm giảm các triệu chứng sốt, đau đầu, đau mỏi người do bệnh gây ra, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc không kê đơn như Acetaminophen hoặc Ibuprofen nhưng phải cân nhắc với một số đối tượng như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang bầu và người mắc bệnh nền hoặc có tiền sử dị ứng thuốc. Không dùng thuốc nhóm salicylate như aspirin để hạ sốt trong bệnh cúm vì có nguy cơ gây hội chứng Reye nguy hiểm với bệnh nhân.

Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc điều trị đặc hiệu, chẳng hạn như Oseltamivir (Tamiflu) hoặc Zanamivir (Relenza) có công dụng làm giảm triệu chứng của cúm và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

Hiện nhiều người đã tiêm vắc xin để phòng bệnh cúm. Ảnh: Thượng Hiển

Vậy làm thế nào để phòng tránh cúm B cũng như cúm mùa hiệu quả thưa bác sĩ?

Để chủ động phòng cúm, người dân nên thực hiện các biện pháp:

-Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch với xà phòng đồng thời vệ sinh mũi, họng bằng nước muối thường xuyên.

-Luôn giữ ấm cơ thể, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng, kết hợp với luyện tập thể thao nâng cao thể trạng.

-Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ nếu không thật sự cần thiết.

-Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

-Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.

Xin cảm ơn bác sĩ!

LINH TUỆ (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên

Chiều 8/4, tại Hà Nội, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (TTĐPGTQG) tổ chức họp báo thông tin “Điều phối đa tạng của bệnh nhân chết não từ bệnh viện tuyến tỉnh”. Đây là trường hợp mà 3 tạng hiến (tim, gan, thận) được ghép cho 3 bệnh nhân tại Huế ngày 2/4.

Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên
Phẫu thuật dị tật hàm mặt miễn phí cho 80 trẻ

Ngày 8/4, Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp cùng đoàn phẫu thuật thiện nguyện Interplast (Tổ chức Interplast, Cộng hòa Liên bang Đức) phẫu thuật miễn phí cho các em nhỏ bị dị tật khe hở môi vòm miệng trong cả nước.

Phẫu thuật dị tật hàm mặt miễn phí cho 80 trẻ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top