ClockThứ Tư, 16/03/2022 12:33

Bình ổn giá xăng dầu sẽ ổn định sản xuất

TTH.VN - Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương diễn ra vào sáng 16/3.

Phê chuẩn Ban Thư ký, Quốc hội khóa XVTiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệĐoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyếnHoạt động của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, gần dân, sát thực tiễn

Đây là lần đầu tiên UBTVQH khóa XV tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn, được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến đến 62 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, tham dự có Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu cùng các đại biểu quốc hội và đại diện các sở, ngành liên quan.

Nhiều chất vấn liên quan đến việc tăng giá xăng dầu trong thời gian qua. Ảnh: LT

Giá xăng dầu làm “nóng” nghị trường

Trước diễn biến giá xăng dầu tăng kỷ lục thời gian qua, nhiều đại biểu nêu câu hỏi chất vấn tập trung về nguyên nhân tăng giá, diễn biến nguồn cung xăng dầu trong nước, có hay không việc găm hàng chờ tăng giá xăng dầu và giải pháp đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong thời gian đến….

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, Việt Nam hiện có 2 Nhà máy lọc dầu: Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn. Hai nhà máy này cung cấp khoảng 70-75% nhu cầu xăng, dầu trong nước. Ngoài ra, còn có một số Nhà máy chế biến condensate (sản xuất xăng và dung môi). Cả nước có 36 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có chức năng nhập khẩu xăng dầu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức 55-80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật nên phải ngừng sản xuất, ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước. Trên thị trường thế giới, các vấn đề chính trị, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến nguồn cung xăng dầu.

Trước những khó khăn đó, Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối tăng lượng nhập khẩu và huy động các nguồn xăng dầu từ nguồn dự trữ và từ các nhà sản xuất. Vì vậy, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước 2 tháng đầu năm 2022 để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân cơ bản được bảo đảm và có dự trữ gối đầu sang tháng 3. Bộ Công Thương cũng giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước để đảm bảo đủ xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa trong quý II/2022. “Nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới sẽ cơ bản được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước của doanh nghiệp và người dân”, Bộ Trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn việc bán hàng vẫn được duy trì. Tuy nhiên, Bộ Trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thông tin, tại một số địa phương phía Nam có hiện tượng cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung. “Ngay sau khi nhận thông tin báo cáo từ các địa phương, Bộ Công Thương đã liên hệ với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn cung cho các địa bàn và kịp thời cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long”, Bộ trưởng nói. 

Với chu kỳ 10 ngày điều hành/lần (trước đây là 15 ngày/lần), Tư lệnh ngành Công thương cho rằng, trường hợp giá xăng dầu có diễn biến bất thường ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội và người dân, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng quyết định thời điểm điều hành giá cho phù hợp.

“Bộ Công Thương - Bộ Tài Chính đã liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại) nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.

Toàn cảnh Phiên họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội sáng 16/3. Ảnh: quochoi.vn

Thông hàng ùn tắc

Ngoài những vấn đề liên quan đến xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhận được nhiều chất vấn về giải pháp bảo đảm lưu thông xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản trong tình hình dịch COVID-19.

“Nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu dẫn đến hiện tượng ùn tắc hàng hóa lần này là do các quy định phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, nhất là khi phía bạn cũng xuất hiện các ca mắc COVID-19 tại khu vực cửa khẩu. Ùn tắc xảy ra ở cả 2 phía, gây thiệt hại không chỉ cho ta mà còn cho cả xuất khẩu của Trung Quốc”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời về lý do ùn ứ các mặt hàng nông sản.

Trước tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu trên toàn tuyến biên giới phía Bắc xảy ra vào thời điểm tháng 12/2021, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đã thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng phối hợp với Bộ Y tế ban hành các quy định bảo đảm phòng chống dịch trong lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hoá; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trong công tác thông tin, điều tiết, đảm bảo hệ thống giao thông vận tải thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; chủ động trao đổi với các cơ quan và địa phương phía Trung Quốc về việc tạo điều kiện nâng cao hiệu suất thông quan, mở thêm các cửa khẩu, thông quan cho xuất khẩu nông sản, đồng thời đẩy mạnh khuyến nghị xuất khẩu chính ngạch…

“Nhờ nỗ lực và thiện chí của tất cả các bên, 2 tỉnh Quảng Tây, Vân Nam đều đã khôi phục dần hoạt động thông quan tại các cụm cửa khẩu quan trọng đối với xuất khẩu nông sản của ta. Hàng hóa nhập khẩu cũng được giải tỏa đáng kể, đáp ứng nhu cầu vật tư, nguyên liệu cho sản xuất trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin. Dù vậy, Bộ trưởng cũng dự báo, khi việc xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì sắp tới sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Bộ Công thương cùng các Bộ, ngành liên quan, các địa phương biên giới phía Bắc sẽ tiếp tục giao thiệp, trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc để bàn bạc các giải pháp nhằm tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt ổn định lâu dài.

Cũng trong phiên chất vấn sáng 16/3, nhiều chất vấn liên quan đến giải pháp kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng QLTT; cơ chế quản lý hoạt động thương mại điện tử… cũng được Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời.

Chiều 16/3 sẽ diễn ra nhóm vấn đề chất vấn thứ hai thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Bài, ảnh: Lê Thọ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top