ClockThứ Năm, 29/10/2020 06:30

Bình yên cho những chuyến tàu

TTH - Bất kể nắng mưa, đêm hay ngày, những công nhân sửa chữa đường sắt, tuần đường… luôn có mặt trên những cung đường sắt ở Thừa Thiên Huế để kiểm tra, khắc phục sự cố.

Sửa chữa ốc vít đảm bảo an toàn chạy tàu

Công nhân Đội đường sắt số 4 khẩn trương khắc phục hệ thống ray và tà vẹt cạnh chắn Nam Giao Huế xuống cấp khi bão số 5 vừa tan

 

Làm việc không kể đêm ngày

Những ngày mưa lũ mới đây, chúng tôi theo chân các công nhân ở Đội đường sắt Huế 4, Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên kiểm tra, bảo dưỡng các cung đường sắt ngập nước và xuống cấp qua địa bàn TX. Hương Trà. Mưa, gió nhưng nhận lệnh, họ khẩn trương chia từng nhóm vào cung đường vừa bị nước lũ tràn qua tại khu vực ga Văn Xá, La Chữ. Người nào việc nấy, vừa vận chuyển đá, vừa vá đường, nhóm lại kiểm tra bu lông ốc vít các tà vẹt... Các thao tác kỹ lưỡng nhanh, gọn, an toàn từ điểm này đến điểm kia...Nhóm trưởng (xin không nêu tên) chia sẻ, đây là công việc đặc thù trước khi nhận lệnh đã định lượng công việc để điều quân xử lý và bất chấp mưa gió để không gián đoạn thời gian tàu chạy. Vừa khắc phục xong, các công nhân di chuyển nhanh về khắc phục thay thế hệ thống tà vẹt nằm phía nam cạnh chắn Nam Giao - vị trí nhân viên tuần tra phát hiện có dấu hiệu đường ray không an toàn khi mưa, bão số 5 vừa tan.

Anh Hồ Văn Phương, đội trưởng giới thiệu, đơn vị có 178 người được chia thành nhiều tổ với nhiệm vụ tuần đường, gác chắn đường ngang, duy tu bảo dưỡng sửa chữa hạ tầng đường sắt... theo phân công gần 50km (từ Phong Điền đến TX. Hương Thủy). Trong cung đường này có nhiều cầu, cống lớn nhỏ, như Phò Trạch, Đồng Lâm, Hiền Sĩ, Sông Bồ, Dã Viên... Nghe thì đơn giản nhưng chứng kiến công việc của đội mới thấy hết được sự vất vả.

Công nhân Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên phối hợp khắc phục sự cố đêm 8/10 tại xã Phong Thu, Phong Điền

Do ảnh hưởng mưa lũ và cơn bão số 5 làm xói lở nền và trơ cung đường sắt gần 10m tại vị trí 656 ở địa bàn xã Phong Thu (Phong Điền) vào tối 8/10, làm gián đoạn các chuyến tàu bắc nam. Nhiều giờ liền giữa đêm tối mưa và lạnh, hơn 50 công nhân Đội Đường sắt số 4, phối hợp với các đơn vị chức năng dốc sức vận chuyển đá, rọ thép xử lý nền mái taluy; đồng thời lấp vá lại đường sắt cho tàu qua lại an toàn sau đó...

Vất vả là thế, nhưng khi được hỏi thì hầu như ai cũng không muốn bỏ nghề. Thậm chí có những công nhân trẻ, như em Nguyễn Văn Phong (Quảng Phú, Quảng Điền); Dương Văn Phú (Hương Xuân, Hương Trà)... đã cảm nhận được những khó khăn, cực nhọc của nghề nhưng cảm thấy hạnh phúc khi hàng ngày được chứng kiến những đoàn tàu thông suốt, an toàn chạy qua những cung đường do họ duy tu, bảo dưỡng.

Anh Võ Văn Doan, với hơn 20 năm trong nghề, hiện là Cung trưởng Văn Xá (Đội Đường sắt số 4) chia sẻ, chuyện anh em trong đơn vị thức trắng đêm thực hiện nhiều đợt duy tu, sửa chữa ở các cung đường sắt bị mưa lũ lấp kín là bình thường. Có trường hợp bị trầy tay, trật chân khi tham gia duy tu, sửa chữa trong điều kiện mưa lũ, đêm tối nhưng ngày mai được điều động đi sửa chữa các cung đường khác họ vẫn vui vẻ. Biết là vất vả, cực khổ, độc hại nhưng 3 ngày ở nhà không nghe tiếng tàu là thấy… nhớ.

An toàn cho những chuyến tàu

Cung đường sắt đi qua Thừa Thiên Huế hình thành từ thời Pháp, dài hơn 101km nhiều đoạn đã xuống cấp, nhiều nơi phải leo các triền dốc và qua nhiều cầu cống, nên thường xảy ra tình trạng ray bong, rỗ mặt lăn, nứt dầm, lún mố..., có thể gây ra nhiều sự cố bất ngờ, nhất là trong mùa mưa bão. Cung đường này đi qua thành phố, nhiều thị trấn, trường học; có nhiều đường ngang, đường dân sinh tự phát, lưu lượng người qua lại rất đông, tình hình vi phạm hai bên hành lang đường sắt chưa được khắc phục, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến an toàn chạy tàu (ATCT).

Để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu bắc-nam qua lại, Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên (đơn vị quản lý duy tu, bảo dưỡng đường không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà còn cung đường qua địa bàn Quảng Trị), những năm qua đã tăng cường kiểm tra công tác tuần đường, thực hiện tốt các quy định về nghiệm thu, phúc tra, sửa chữa các đoạn đường xấu, tăng cường chống xóc lắc ở những đoạn đường bong ray, dộp mặt lăn. Công tác sửa chữa khẩn cấp các mố, trụ cầu và đảo ray ở những đoạn bị hư hỏng cũng được thực hiện một cách kịp thời, nhanh chóng, nhất là trong mùa mưa lũ.

Công ty đã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng trong việc kiểm tra, xử lý các tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Trong đó, công ty thường phối hợp với lực lượng chức năng hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị kiểm tra định kỳ các tuyến đường ngang; tuyên truyền, vận động các hộ dân sống 2 bên đường sắt ký cam kết tham gia công tác bảo vệ an toàn giao thông đường sắt...

Kỹ sư Nguyễn Thiết Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên chia sẻ, đơn vị hiện có hơn 340 cán bộ công nhân làm việc ở 4 đội tuần tra, gác chắn, duy tu, bảo dưỡng đường sắt... Mấy năm nay được sự quan tâm của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị có nguồn lực hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ, đặc biệt công tác duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo chất lượng cầu đường, giảm số điểm xóc lắc, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường sắt bắc nam qua lại trên địa bàn.

Theo đánh giá của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, chất lượng đường, cầu, hầm… do Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên quản lý đạt loại tốt trong khu vực và cả nước, trạng thái cầu đường luôn ổn định, đảm bảo ATCT.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bình yên ngồi xuống

Tôi ân cần dẫn bạn đến những quán cà phê vườn thoáng đãng giữa lòng Cố đô. Thương hiệu của Huế là thành phố xanh, là thành phố sống chậm nên thiếu gì nơi chốn để bạn trải nghiệm một nếp sống thong dong.

Bình yên ngồi xuống
KỶ NIỆM 45 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC (17/2/1979 - 17/2/2024)
Không thể quên những người đã vì biên cương bình yên

Cách đây 45 năm, quân và dân cả nước bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nhắc lại cuộc chiến là cách tri ân những thế hệ cha anh đã đổ xương máu để biên cương bình yên và cũng là thêm một lần nhắc nhớ về một Việt Nam có chủ quyền và luôn hướng tới một tương lai hòa bình, hữu nghị và hợp tác để cùng nhau phát triển.

Không thể quên những người đã vì biên cương bình yên
Chuyện bắt trộm tại chợ Đông Ba

Là một khu chợ sầm uất, đông người qua lại, Đội Trật tự bảo vệ ngày (TTBVN) của chợ Đông Ba cũng đối mặt với nhiều tình huống người dân, tiểu thương bị mất cắp khi tham gia mua sắm ở chợ. Tuy vậy, các đối tượng trộm cắp, lừa đảo tại chợ đều bị Đội TTBVN tóm gọn.

Chuyện bắt trộm tại chợ Đông Ba
Những bình yên bên hiên nhà

Ngày mùa đông thảnh thơi ngồi bên bếp lửa hồng, thong dong ngắm nhìn mưa bay và gió lạnh chầm chậm dừng chân bên thềm nhà. Chỉ có sự an yên tràn trong chái bếp nhỏ. Bữa cơm thanh lành giữa chiều bình dị đầy tiếng chim lích chích trong khu vườn xanh bóng lá. Những bức tranh yên ấm ấy, luôn trở đi trở lại trong tập thơ, tản văn “Tiếng mưa” (NXB Dân Trí, 2023) của Lê Bích Nguyệt như nỗi khát khao về một nhịp sống đầy tự tại bên cây cỏ, hoa lá, để năm tháng cứ thế bình lặng đi qua hết dâu bể cuộc đời.

Những bình yên bên hiên nhà
Bình yên trên nẻo biên cương

Lãnh đạo hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống ma túy & tội phạm (PCMT&TP); xây dựng lực lượng chuyên trách PCMT&TP vững mạnh toàn diện trong tình hình mới, là nhiệm vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh thực hiện, triển khai trong 5 năm qua, góp phần giữ gìn vững chắc an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH) ở khu vực biên giới.

Bình yên trên nẻo biên cương
Return to top