ClockThứ Bảy, 27/06/2020 14:16

Cho vay nặng lãi... lỗ nặng

TTH - Mới đây, Tòa án Nhân dân TP. Huế xét xử các vụ án hình sự “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Các bị cáo không chỉ bị phạt tù mà còn phải nộp lại toàn bộ số tiền đã cho vay để sung công quỹ.

Phá chuyên án cho vay nặng lãi hàng tỷ đồngBắt giam đối tượng từ Hà Nội vào Phú Lộc cho vay nặng lãi

Đầu tháng 9/2019, Hoàng Minh Sơn rủ Lê Đức Thắng (đều ở tỉnh Hà Nam) đến TP. Huế thuê nhà để cho vay tiền với lãi suất cao. Sơn, Thắng tự thiết kế nội dung, đặt in tờ rơi, tờ quảng cáo với nội dung “cho vay tiền” cùng các số điện thoại mà Sơn, Thắng đang sử dụng, dán trên các bức tường, cột điện dọc các tuyến đường trên địa bàn TP. Huế.

Sơn mua 1 phần mềm quản lý trên mạng Internet, tải về điện thoại di động của Sơn, Thắng và đặt tên tài khoản là “sonhue92” để theo dõi, quản lý hoạt động cho vay. Khi có người gọi điện thoại đến đề nghị vay tiền, thì Sơn, Thắng hẹn gặp người đó để xác minh nơi ở, xem chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, hộ khẩu của họ để kiểm tra có đúng thông tin người cần vay đưa ra hay không, sau đó thỏa thuận việc cho vay.

Hình thức là vay trả góp cả gốc lẫn lãi hàng ngày, với thời hạn vay từ 10 ngày đến 50 ngày. Lãi suất cho vay từ 0,5%/ngày đến 2,5%/ngày (tương ứng với mức 182,5%/năm đến 912,5%/năm). Phí vay tiền (chi phí thẩm định hồ sơ và phí đi thu tiền góp hàng ngày) đối với khoản vay từ 5% đến 10% tổng số tiền gốc và bị trừ ngay vào số tiền vay. Người vay phải nộp tiền góp (cả gốc lẫn lãi) trước 2 ngày và cũng bị trừ vào số tiền vay.

Với cách thức nêu trên, trong thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 11/2019, Sơn và Thắng thực hiện hành vi cho vay nặng lãi gồm 88 lượt cho vay đối với 51 người vay. Trong đó 26 người vay đã rõ địa chỉ (là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án), vay tổng cộng số tiền gốc 1.390.000.000 đồng. Trong 26 người vay này, có 21 người chưa trả đủ tiền gốc, mặc dù đã được khấu trừ khoản phí và số tiền lãi mà các bị cáo thu vượt quá quy định của pháp luật. Tổng số tiền các bị cáo thu lại được 1.090.564.285đ, trong đó thu lợi bất chính (số tiền lãi vượt mức lãi suất 20%/năm và phí cho vay) là 269.316.623đ.

Như vậy, tổng cả tiền gốc, tiền lãi, phí mà những người vay đã trả (1.090.564.285 đồng) vẫn còn thiếu gần 250 triệu đồng so với tiền vốn mà các bị cáo bỏ ra cho vay. Trong vụ án này, tòa nhận định, việc vay mượn là do người vay tự nguyện. Các bị cáo không có hành vi dụ dỗ, ép buộc, cũng chưa có hành vi nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm của người vay, mặc dù có một số người chưa trả nợ cho các bị cáo khi đến hạn.

Thế nhưng, do hành vi cho vay lãi nặng vi phạm pháp luật hình sự, là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; mang tính chất bóc lột, làm cho người vay tiền lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Thực tế ở nhiều nơi đã xảy ra tình trạng người vay lãi nặng không trả nổi, bị đe dọa, xâm hại sức khỏe, tính mạng, phải bỏ nhà trốn đi biệt xứ.

Để đảm bảo công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng..., hội đồng xét xử cho rằng, cần phải xử lý nghiêm để răn đe và phòng ngừa chung.

Tòa tuyên phạt Sơn 1 năm tù, phạt Thắng 9 tháng tù; buộc Sơn phải nộp lại số tiền cho vay 1.390.000.000 đồng để sung công quỹ (được trừ các khoản tiền chưa thu của những người chưa rõ lai lịch; khoản chưa thu của những người vay trả lãi theo ngày, còn phải nộp lại 1.066.302.095 đồng). Đồng thời, tòa cũng tuyên truy thu số tiền 143.697.905 đồng do 21 người vay chưa trả đủ cho Sơn, để sung công quỹ.

Tại 2 vụ án  khác, cũng với tội danh “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, bị cáo Mai Văn P. bị TAND TP. Huế phạt 9 tháng tù; bị cáo Nguyễn Xuân T. bị phạt 9 tháng cải tạo không giam giữ, hình phạt bổ sung: phạt 30 triệu đồng. Các bị cáo phải nộp lại khoản tiền gốc bỏ ra cho vay, tiền lãi bất hợp pháp để sung công quỹ; trả lại tiền thu lợi bất chính cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Qua các vụ án cho thấy, cho vay lãi nặng chỉ có lỗ nặng, bởi pháp luật xử lý rất nghiêm khắc.

QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

HƯỚNG DÒNG VỐN VÀO LĨNH VỰC ƯU TIÊN:
Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng

Vấn đề này đã được ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chia sẻ cùng Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi trao đổi về hoạt động tín dụng năm 2024, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đang tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng
Chọn lĩnh vực cho vay tạo ra sức lan tỏa

Có vẻ như là một nghịch lý trong thời điểm hiện nay trong mối quan hệ tín dụng: ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp (DN) cần vốn; không cân đối được nguồn vốn giữa nguồn vốn huy động và nguồn vốn cho vay. Ví dụ như Agribank, một vị lãnh đạo ngân hàng này cho biết, ngân hàng huy động 100 đồng thì chỉ cho vay ra được 80 đồng.

Chọn lĩnh vực cho vay tạo ra sức lan tỏa
Hai vợ chồng cho vay lãi suất “cắt cổ” lãnh án

Sáng 15/3, Tòa án Nhân dân tỉnh đưa ra xét xử sở thẩm vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” đối với 2 vợ chông Lê Văn Cầm và Nguyễn Thị Diệu Hiền (cùng SN 1987, cùng trú 3/113 Đào Duy Anh, phường Thuận Lộc, TP. Huế).

Hai vợ chồng cho vay lãi suất “cắt cổ” lãnh án
Return to top