ClockThứ Tư, 17/08/2022 14:16

Có một “góc thành Huế” chưa phải ai cũng biết

Khi Huế đông người

Kinh thành Huế ngày càng đẹp hơn. Ảnh: MC

Trong tùy bút “Ngóng chuyến tàu qua sông Hương” đăng trên báo “Văn nghệ” số tết vừa qua, tôi đã “khoe” Huế có 2 tuyến đường đi bộ ven sông Hương, tạo nên một không gian thưởng ngoạn, thư giãn “không nơi nào có được”. Cứ tưởng mình “bám trụ” Huế đã gần nửa thế kỷ, không biết bao lần dạo sông Hương hay đi qua trước Hoàng thành, sách nghiên cứu Huế thì đầy tủ, có gì mà không biết. Vậy mà đến nay mới biết có một cánh rừng với rất nhiều cây cổ thụ ở ngay trước kinh thành Huế.

Chúng tôi “bất ngờ” đến với cánh rừng này do sau khi qua cầu Dã Viên, không theo tuyến đường đi bộ dọc bờ bắc sông Hương xuôi về cầu Phú Xuân, thường vẫn có rất đông bà con mỗi sáng, mà rẽ theo tuyến đi bộ có lẽ sắp hoàn thiện dọc theo Hộ Thành hào ngay trước Kinh thành Huế, từ góc thành đầu cầu Dã Viên kéo đến cửa Ngăn. Hình như chưa nhiều người biết có tuyến đi bộ này, không gần sông Hương, nhưng cũng thỏa sức thư giãn và ngắm cảnh.

Vào ngày hè này thì cảnh đẹp thu hút bạn trước hết là bạt ngàn hoa sen tím hồng nở trên mặt nước Hộ Thành hào. Trên bờ, dọc lối đi, đủ loài “hoa dại” đua chen khoe sắc. Và đặc biệt, cả một rừng cây với nhiều cổ thụ có tuổi thọ tính bằng thế kỷ, ở ngay trung tâm thành phố mà lại như cách biệt với vòng quay hối hả nơi đô hội, hẳn là rất thích hợp với những ai yêu cảnh sống gần gũi thiên nhiên như một “cặp đôi” – chàng ngoại quốc bên một cô gái Huế - đang lim dim mắt nghỉ ngơi trên chiếc ghế màu nâu có lưng tựa mới cứng vừa được đặt bên Hộ Thành hào.

Giữa khu rừng còn có một đình làng mang tên Phú Thạnh. Thoạt tiên, ta hơi ngỡ ngàng: Sao lại có đình làng cổ giữa trung tâm thành phố, ngay trước Hoàng thành? Nhưng rồi chợt hiểu: Hơn hai thế kỷ trước, nơi đây vẫn là làng xóm, như mọi vùng quê khác ở Thừa Thiên Huế. Thì Kinh thành Huế bắt đầu được quy hoạch chuẩn bị thi công vào tháng 3/1803, ngay sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, xưng đế hiệu Gia Long. Có điều lạ là trong công trình rất công phu “Kinh thành Huế” (NXB Thuận Hóa, 1999) của nhà nghiên cứu Phan Thuận An, không có tên đình làng Phú Thạnh. Trong chương “Quá trình quy hoạch và xây dựng”, Phan Thuận An dẫn từ sách “Thực lục” có đoạn ghi ngày 1/5/1803, “Vua cho rằng thiên hạ đã định, muốn  mở rộng Đô thành  để làm nơi bốn phương châu hội… Dân cư tám xã Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, An Vân, An Hòa, An Mỹ, An Bảo, Thế Lại, có ruộng đất bị mở vào thì theo giá văn tự trả tiền lại …”. Tuy vậy, một bài viết trên Báo Tài nguyên & Môi trường, ngày 21/11/2016, về đình làng Phú Thạnh có đoạn như sau:  "Ngôi đình đã có tuổi đời hàng trăm năm và là một trong bốn ngôi đình lớn còn lại xung quanh Kinh thành Huế. Đây là nơi thờ tự vị Thần hoàng làng - là một vị tướng hải quân dưới thời Lê. Hàng năm, người dân các tổ dân phố từ tổ 1 đến tổ 6, thuộc phường Phú Thuận (TP. Huế) tổ chức lễ tế tại đình vào mùa xuân (16/1, âm lịch) và mùa thu (18/8, âm lịch)...”.

Rất nhiều cây cổ thụ ở ngay trước Kinh thành Huế, tạo mảng xanh cho thành phố “không nơi nào có được”. Ảnh: D. Trương 

Có thể sẽ có bạn bảo đình làng và rừng cổ thụ thì có gì lạ. Như đã nêu, điều đặc biệt là tất cả ở ngay trong Kinh thành mà có lẽ nhiều người Huế chưa biết. Nhưng hơn thế, ở nơi yên tĩnh và cổ kính này, tựa lưng vào gốc cây cổ thụ, nhìn sang dãy tường thành xếp bằng những viên gạch nhỏ có tuổi thọ hơn hai thế kỷ – kỳ công được tạo dựng bởi đôi tay kiên nhẫn và tài năng của quân dân nhiều tỉnh thành (theo sách đã dẫn của Phan Thuận An, chỉ riêng đợt khởi công, đã huy động tới 23.116 quân, dân từ Quảng Bình đến Quy Nhơn), chúng ta mới có “cơ hội” suy ngẫm về những điều sâu xa không chỉ với một đời người mà mang chiều kích có giá trị trường tồn qua thời gian.

Trước đây có lần tôi đã viết đại ý, cần có cách quảng bá để thiên hạ thấy Huế không chỉ có đặc sản mè xửng với tôm chua…; nay có lẽ cần bổ sung: Huế không chỉ có Đại Nội với vàng son cung điện nhà vua và hoàng hậu mà còn có những nơi thật yên tĩnh ngay trước Hoàng cung, để con người có dịp giải thoát khỏi những mê đắm thường nhật, phiêu du tới một thế giới mà tất cả đều có quyền suy tưởng và hưởng thụ như nhau… Chợt nghĩ: Có phải nhờ thế mà Tổng Giám đốc UNESCO đã tôn vinh Huế là “một đô thị tuyệt tác”…

Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuối trong đời sống của người Huế

Chuối là loại cây nhiệt đới có mặt ở hơn một trăm quốc gia trên thế giới. Là một trong những nơi phát xuất đầu tiên của cây chuối, các dân tộc sinh sống ở Đông Nam Á đã sớm biết sử dụng cây chuối một cách đầy sáng tạo trong muôn mặt của đời sống. Không những thế, đặc tính của cây chuối cũng trở thành “phương tiện” để chuyển tải nhiều triết lý sâu sắc về thế giới quan và nhân sinh quan.

Chuối trong đời sống của người Huế
Huế thương hoài

Có những người, tưởng như đã rất quen, đã thuộc nhau tới từng ánh mắt, nụ cười, bỗng chốc lại thấy có nét gì đó là lạ. Chính cái trạng thái lạ mà quen ấy khiến mối quan hệ càng thêm hấp dẫn, bền lâu. Với một vùng đất cũng vậy, như là Huế chẳng hạn.

Huế thương hoài
​Trao hai kỷ lục cho “Bản đồ Việt Nam bằng tăm giang”

Buổi lễ diễn ra tối 2/12, tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của các quan khách và người dân tham gia làm tác phẩm. Bản đồ Việt Nam bằng nghệ thuật BOARC được xác lập kỷ lục với nhiều người tham gia thực hiện nhất qua ba miền Bắc, Trung, Nam.

​Trao hai kỷ lục cho “Bản đồ Việt Nam bằng tăm giang”
Du lịch tại chỗ

Nhiều người đã đi du lịch nhiều nơi, trải nghiệm nhiều dịch vụ trên khắp cả nước và thế giới, nhưng đi xích lô tham quan TP. Huế, mặc cổ phục tham quan di sản, đi nghe ca Huế trên sông Hương... lại là trải nghiệm lần đầu.

Du lịch tại chỗ
Người Huế

Hôm nào đó, ở một nơi xa lắc người Huế buồn tình ngồi mơ giấc mơ không lớn lắm, chỉ là mâm cơm nhẹ từng có mấy món thương nhớ từ nhỏ đến lớn vẫn ăn dầm ăn dề (nghe như nằm gai nếm mật) nhưng hóa ra chỉ là những thứ chua - cay mà đậm đà hương vị khó phôi phai của xứ mình.

Người Huế
Return to top