ClockThứ Ba, 10/08/2021 08:53

Của để dành

TTH - Nhà tôi ở là nơi tiếp giáp giữa hai làng. Khi xưa nghe kể, vì một câu thách đố trong lúc không bình tĩnh nên làng tôi bị mất rất nhiều đất. Phần đất phía làng dưới bây giờ vốn dĩ của làng tôi. Đó là chuyện của người xưa. Nay, người ta bê tông hóa một đoạn cái bờ cõi cũng lấn qua một ít. Cái đường thẳng, xây xong bỗng cong cong lạ kỳ. Chuyện của hai làng bây giờ còn lại chuyện của hai nhà.

Hai nhà thì dễ giải quyết hơn hẳn. Nhưng chuyện lấn sang một nhát cuốc thôi đôi khi cũng khó bề yên ổn. Không ít những xích mích, những hằn học vì những chuyện không đáng có đó lại mang theo cả đời đời. Vậy mà lần này mạ tôi lại khá yên, mặc dù vẫn nhận cái bờ không đúng, mạ vẫn nghĩ một cách tích cực “đỡ chuột và đỡ cỏ”.

Có thể, với một người đã sống hơn bảy mươi năm trên cuộc đời này, gặp quá nhiều thứ xảy ra mới có thể bình thản đến vậy. Bởi nhiều người đến chơi nhà, nhìn cái đường bờ mất cả thẩm mỹ đó lại còn tức “anh ách” giùm nhà tôi. Vậy nên tôi hỏi mạ. Mạ không nói gì mà chỉ kể lại chuyện ngày xưa.

Mạ nhớ cái thời chưa có xe đạp, đi lên thị xã mất cả tiếng đồng hồ. Một lần đi chợ là một lần khó, nên bao nhiêu thứ có thể mua được sẽ mua. Muối mắm, chiếu chăn, toàn những đồ nặng nhọc và cồng kềnh. Tất cả cho vào quang gánh để gánh về. Vậy mà lần đó, quang gánh gãy ngay giữa đường. Nếu không có cái quang, thì chuyện mang được những hàng hóa về hầu như không thể. May mà chỗ đó có nhà dân, họ thấy vậy liền mang một cái quang khác đưa cho mạ mượn dù không hề quen biết. Nhờ có cái quang gánh mới, mạ đưa được mớ hàng hóa về và mang trả vào sáng hôm sau.

Nghe mạ kể thế, tôi cũng tiếp thêm vào câu chuyện. Trong một lần đi chơi từ thành phố Huế về biển Thuận An, trời mùa đông nên tôi đi vào ban trưa. Hôm đó không quá lạnh và cũng không có mưa. Chẳng hiểu sao cái điện thoại lại rơi ra lúc nào mà tôi chẳng hay. Đến khi thò tay vào túi không thấy nữa, vội vàng quay xe lại tìm kiếm. Đường ban trưa nên hơi vắng vẻ, một cảm giác an toàn nào đó nẩy lên trong người.

Tôi thấy một người phụ nữ luống tuổi, gầy gò, đạp chiếc xe mini cũ kỹ và đưa một cánh tay lên trời. Lại gần, tôi thấy cánh tay vẫy vẫy với chiếc điện thoại trên đó. Tôi vừa dừng xe lại thì người phụ nữ đưa ngay lấy cho tôi. Trong tích tắc, tôi vừa biết mình chưa bị mất điện thoại thì cũng là lúc người phụ nữ lên xe và đạp tiếp. “Chạy chi mà dữ rứa biết, kêu miết mà không nghe”. Tôi nghe lấy những từ ngữ đó khi chị đã đi được một quãng còn mình thì chưa kịp cả cảm ơn. Rồi mạ nói: Con thấy đó, bí đao, bắp hạt và cả mớ rau muống, hàng xóm mình cho đó. Cả mấy cây bí đỏ được mùa năm ni họ cũng mang tới cho cho mạ trồng.

Lúc đó, tôi biết rằng, chuyện cái đường thẳng trở thành cong cong kia không phải mạ không biết. Đôi khi bỏ qua, đôi khi kiềm lại một lời nói khó nghe cũng là một thứ của để dành. Dường như cái sự cho đi và nhận lại cứ luân hồi trong cuộc đời này. Những món quà tuyệt vời sẽ dành đến cùng những điều tử tế kèm theo. Đó như là một thứ của để dành cho những lúc khó khăn…

Yên Thường

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top