ClockThứ Hai, 14/04/2014 19:21

Cuộc hội ngộ của hai nền Nhã nhạc

Sân khấu Duyệt Thị Đường trong đêm đầu tiên của Festival Huế (tối 13/4) đầy lắng đọng và cuốn hút bởi những tiết mục biểu diễn của đoàn Nhã nhạc Nantogakuso trên 1.000 năm tuổi đến từ xứ sở mặt trời mọc. Sự nghiêm cẩn thể hiện qua nét mặt, từng động tác của các nghệ sĩ múa và nhạc công, qua trang phục truyền thống trang trọng và đẹp mắt mang đậm nét văn hoá của người dân xứ sở Phù Tang dường như khiến người xem phải tập trung hết sức để có thể thưởng thức trọn cái hay, cái đẹp trong từng tiết mục.
Múa Bairo cầu hoà bình cho con người
 
Chương trình mở đầu với tiết mục hoà tấu nhạc cụ truyền thống Nhật Bản Ichikotsucho Netori và Karyobin Kyu - một trong tám khúc nhạc trong ca khúc “Rinyu hakkyoku” của Lâm Ấp, vị sư pháp danh Phật Triết xuất thân từ Huế đã đến tỉnh Nara của Nhật Bản từ hơn 700 năm về trước và truyền lại nơi đây. Trải qua 1.300 năm, “Rinyu hakkyoku” có một vị trí quan trọng trong nền nhã nhạc Nhật Bản và vẫn được kế thừa, biểu diễn rộng rãi đến ngày nay.
Chưa hết bất ngờ với hai tiết mục hoà tấu nhạc cụ truyền thống trầm bổng và réo rắt, người xem tiếp tục đi đến một sự ngạc nhiên đầy thú vị với tiết mục múa Bairo cầu hoà bình cho muôn người bởi sự khác lạ trong thể hiện từng động tác múa. Với tiết mục múa Konju, người xem được thưởng thức những động tác múa lạ mắt của một nghệ sĩ múa trong trang phục được thiết kế và thêu với màu sắc hết sức đặc biệt, đầu đội mặt nạ với chiếc mũi lớn và mái tóc dài kỳ lạ.
Tiết mục cuối cùng cũng là tiết mục được nhiều người trông đợi là ca khúc “Rinyu hakkyoku” - một sự giao thoa trọn vẹn và hoàn hảo giữa Nhã nhạc Nantogakuso, và Nhã nhạc Cung đình Huế. Ông Trương Tuấn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế cho biết: Nhã nhạc rất tôn nghiêm nên hai loại hình Nhã nhạc của hai đất nước rất gần gũi và hoà đồng trong chất âm nhạc và cung cách biểu diễn. “Mặc dù mỗi loại hình có khác nhau, họ thể hiện theo cung cách trầm lắng hơn, còn mình có những bài bản trầm lắng và có những bài bản rất sôi động nhưng tựu chung đều có sự gần gũi trong cách biểu diễn và những bài bản. Trước đây Nhã nhạc Việt Nam đã du nhập qua Nhật và chính họ cũng kế thừa nhã nhạc của mình, tiếp tục nghiên cứu rất kỹ và họ cũng rất trân trọng Nhã nhạc Việt Nam”.
Bài, ảnh: Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mãn nhãn với lễ hội đường phố

Chiều 28/4, Lễ hội đường phố, một trong những chương trình chính tại Festival Huế chính thức khai mạc. Theo đó, lễ hội sẽ diễn ra trong tất cả các buổi chiều cho đến trước ngày bế mạc.

Mãn nhãn với lễ hội đường phố
Đa sắc diều Huế

Hơn 100 con diều đủ loại của hai CLB Diều Huế và CLB Diều Anh Vũ đã tụ hội tại lễ hội diều Huế nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2018 diễn ra vào chiều 27/4 tại Nhà văn hóa TP. Huế (65 Trần Hưng Đạo, TP. Huế).

Đa sắc diều Huế
Return to top