ClockThứ Năm, 03/02/2022 20:04

Đại dịch COVID-19 như phép thử cho hoạt động khởi nghiệp

TTH - Khởi nghiệp đang là vấn đề thời sự được xã hội quan tâm. Gần đây dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng Thừa Thiên Huế đạt nhiều dấu ấn quan trọng, tạo thành “làn sóng mới” cho những người đam mê, khát vọng, có khả năng thích ứng và đổi mới sáng tạo. Trao đổi vấn đề này với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết:

Trao giải thưởng Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạoKhắc phục khó khăn để sản xuất kinh doanhKhuyến khích đổi mới sáng tạo

TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi rất mạnh mẽ và ảnh hưởng lớn đến hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của các quốc gia, trong đó có Việt Nam và ở Thừa Thiên Huế. Dù ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng đáng nói hệ sinh thái KNĐMST ở địa phương đến nay đạt những kết quả như mong đợi. Các thiết chế phục vụ hoạt động này đã hình thành và phát triển tại Trung tâm KNĐMST tỉnh, Đại học Huế tạo ra môi trường làm việc thuận lợi cho ý tưởng, dự án (DA) khởi nghiệp. Các trung tâm này đã hỗ trợ không gian làm việc, trưng bày sản phẩm cho hàng chục ý tưởng, DA khởi nghiệp; tổ chức các chương trình tư vấn, tư duy khởi nghiệp, mô hình kinh doanh, bán hàng, truyền thống, quản trị nhân sự, tài chính, marketing... Bên cạnh đó, mỗi năm Sở KH&CN - đơn vị thường trực tổ chức các cuộc thi KNĐMST tỉnh nhằm tìm kiếm, chọn lọc ý tưởng, DA khởi nghiệp tiềm năng để góp phần xây dựng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp hiệu quả. Thực tế gần đây, có nhiều ý tưởng/DA khởi nghiệp thành công, đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước, như DA “Gia vị bún bò và các sản phẩm khai thác giá trị tài sản trí tuệ thương hiệu bún bò Huế”; DA “Nâng cao giá trị kinh tế và thương mại hóa các sản phẩm từ cây Atiso đỏ”; DA “Ứng dụng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống cho ngành sản xuất giày dép thời trang”... góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.

Hoạt động KNĐMST ở Thừa Thiên Huế đã thúc đẩy sự đam mê, khát vọng giúp cho nhiều ý tưởng, DA tham gia đã thành công bước đầu. Kết quả này theo ông nhờ đâu?

Bên cạnh sự quan tâm của các sở, ban, ngành chức năng, đoàn thể địa phương, phải nói rằng, lãnh đạo tỉnh tâm huyết thường xuyên theo dõi, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực hoạt động KNĐMST, kết nối các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các ý tưởng, DA khởi nghiệp, như chi mức hỗ trợ cho hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn đến năm 2025; hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn giai đoạn 2021-2030, thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Thừa Thiên Huế... Mới đây, đã triển khai Đề án Cố đô Khởi nghiệp, giai đoạn 2021-2025; đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư tập đoàn trong và ngoài tỉnh, tài trợ thúc đẩy các hoạt động KNĐMST. Đơn cử, cuối năm 2021, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland đã có Hợp đồng tài trợ kim cương cho giải thưởng cuộc thi KNĐMST tỉnh năm 2021...

Cùng với chính sách thiết thực của tỉnh và sự nỗ lực của nhiều ý tưởng, DA khởi nghiệp nhưng hiện nay chưa nhiều trường hợp bứt phá, tạo dấu ấn mới. Theo ông vì sao?

Khởi nghiệp được xem là quy trình bao hàm các hoạt động khám phá, nhận dạng và khai thác các cơ hội kinh doanh để tạo ra những hàng hóa hay dịch vụ mới có giá trị gia tăng cho người tiêu dùng. Ðó là những người có đam mê và năng lực nhận dạng các cơ hội kinh doanh, kiên trì theo đuổi việc khai thác các cơ hội với tinh thần dám chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, đa số các ý tưởng, dự án khởi nghiệp ở địa phương giới hạn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Lãnh đạo tỉnh trao giải Cuộc thi KNĐMST Thừa Thiên Huế năm 2021

Ngay những ý tưởng, DA khởi nghiệp đạt giải ở khu vực, quốc gia nhưng phần lớn sản phẩm mang tính chất đặc sản địa phương; ít sản phẩm sáng tạo có giá trị gia tăng cao hay sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Theo thống kê, số lượng ý tưởng, DA hay doanh nghiệp khởi nghiệp quan tâm đến đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa hạn chế, thậm chí rất ít. Tính đột phá đổi mới sáng tạo của các ý tưởng, doanh nghiệp khởi nghiệp chưa cao, trong đó chưa phát huy được các giá trị tài sản trí tuệ dựa trên các sáng chế, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học vốn đầy tiềm năng ở địa phương để khởi nghiệp hiệu quả hơn.

Vậy theo ông, làm thế nào để sớm khắc phục những khó khăn, rào cản trên?

Sở KH&CN là cơ quan được giao tham mưu về cơ chế chính sách trong hoạt động KNĐMST nên chúng tôi cho rằng, hiện nay cũng như thời gian đến cần cải thiện một số thể chế liên quan đến những cơ chế đặc thù dành cho ứng dụng những mô hình kinh tế mới, những công nghệ mới trong các lĩnh vực tiềm năng ở vùng đất Cố đô Huế, kể cả những lĩnh vực đầy thách thức như công nghệ về tài chính, thương mại điện tử, chuyển đổi số....

Thứ nữa, cần có những chính sách để khuyến khích kết nối với các DA, doanh nghiệp có tiềm lực để thúc đẩy các ý tưởng khởi nghiệp. Bên cạnh đó, phải có chính sách để hỗ trợ các cơ sở giáo dục đào tạo, tạo nguồn trí tuệ, có tư duy mới và có kỹ năng để cung cấp cho hệ sinh thái những nguồn lực có lợi thế ở địa phương về KNĐMST.

Chúng ta đã có những nỗ lực, có nhiều dấu ấn mới thì mạnh dạn bước ra sân chơi toàn cầu để phát triển thị trường, gọi vốn, kết nối được mạng lưới khởi nghiệp quốc gia, nâng tầm hình ảnh hệ sinh thái KNĐMST ở Thừa Thiên Huế với bạn bè thế giới...

Có một thực tế là ở địa phương nào xây dựng, kêu gọi được “quỹ mạo hiểm” thì ở đó có những ý tưởng, DA khởi nghiệp tốt, bền vững. Ông nhận định gì về vấn đề này?

Sự xuất hiện ngày càng nhiều các quỹ đầu tư mạo hiểm đã tạo ra không khí sôi động cho thị trường cung cấp nguồn vốn cho các ý tưởng, DA khởi nghiệp tại ở Việt Nam. Ở Thừa Thiên Huế dù đã được Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện, các ý tưởng, DA khởi nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận, huy động nguồn vốn (nguồn vốn đầu tư và nguồn vốn vay).

Bản chất hoạt động kinh doanh của các DA, doanh nghiệp khởi nghiệp thường gặp rủi ro rất cao nên việc có được một cấu trúc vốn được tài trợ nhiều bằng nguồn vốn khác, trong đó tiếp cận được quỹ mạo hiểm là rất tốt. Chúng ta có thể thấy điều này trong đợt dịch COVID-19 gần đây, những DA, doanh nghiệp khởi nghiệp nào nếu phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Để giúp ý tưởng doanh nghiệp khởi nghiệp tháo gỡ được những khó khăn trong huy động nguồn vốn phát triển, tỉnh cần có các chính sách, hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm và bản thân người làm công tác quản trị trong doanh nghiệp khởi nghiệp phải chuẩn bị kỹ càng ngay từ khâu đầu tiên để huy động vốn thành công

Ông kỳ vọng gì về hoạt động KNĐMST ở Thừa Thiên Huế trong thời gian đến?

Dịch COVID-19 như một phép thử mới cho doanh nghiệp, nhất là với ý tưởng, DA KNĐMST. Không ít DA khởi nghiệp gặp khó nhưng vẫn có nhiều DA, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, kết nối đưa sản ra thị trường xa mang lại hiệu quả như đã đề cập ở trên. Chúng tôi tin rằng, với sự thích ứng trong tình hình mới, với hệ sinh thái KNĐMST phong phú thì hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ có những bước đột phá, hình thành phát triển nhiều DA, doanh nghiệp phát triển, tạo ra sản phẩm mới trên nền tảng tài sản trí tuệ, đổi mới công nghệ và mô hình kinh doanh mới, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn bền vững theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Xin cảm ơn ông!

MINH VĂN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo hành lang pháp lý để đổi mới hoạt động HĐND các cấp

Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã tạo hành lang pháp lý cho HĐND các cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, từ đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ.

Tạo hành lang pháp lý để đổi mới hoạt động HĐND các cấp
Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 có nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng là chia sẻ của ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh với Báo Thừa Thiên Huế.

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng

TIN MỚI

Return to top