ClockThứ Sáu, 17/06/2022 14:47

Đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người được Nhà nước giao đất

TTH - Đất lâm nghiệp của gia đình được UBND huyện giao bị lấn chiếm đang xảy ra tranh chấp, các ban ngành, chính quyền địa phương chậm giải quyết để vụ việc kéo dài; sau đó UBND huyện ra quyết định thu hồi đất không có cơ sở, không đúng trình tự pháp luật về thu hồi đất... Đó là nội dung đơn thư của bà Trần Thị Gái, ở thôn Thủy Yên Hạ, xã Lộc Thủy (Phú Lộc) gửi đến Báo Thừa Thiên Huế.

Diện tích cây keo tràm đang phát triển là nơi xảy ra tranh chấp kéo dài qua nhiều năm

Nguồn gốc đất

Qua tìm hiểu được biết, trước đây HTX Thủy Xuân (xã Lộc Thủy) quản lý, sử dụng 15ha đất tại khu vực đồi Đá Mùng, thôn Thủy Cam theo Dự án PAM 2780. Từ năm 1986, trên diện tích này, HTX Thủy Xuân sử dụng trồng bạch đàn. Ngày 28/10/1999, sau khi khai thác bạch đàn, HTX Thủy Xuân đã giao khoán cho ông Huỳnh Minh Phương, ở thôn Thủy Cam bảo vệ chăm sóc rừng bạch đàn tái sinh với diện tích 15ha, hình thức phân chia sau thu hoạch là 70% - 30%.

Quá trình bảo vệ chăm sóc rừng bạch đàn, năm 2001, ông Phương đã tự ý phát rừng bạch đàn với diện tích 2ha trong số 15ha do HTX Thủy Xuân quản lý để trồng cây keo tràm.

Ngày 15/8/2003, UBND huyện Phú Lộc đã ban hành Quyết định số 1356/QĐ-UB về việc thu hồi đất lâm nghiệp của HTX Thủy Xuân, xã Lộc Thủy với 12ha ở khu vực đồi Đá Mùng. Cùng ngày, UBND huyện ban hành Quyết định số1357/QĐ-UB về việc giao đất sử dụng vào mục đích lâm nghiệp cho hộ bà Trần Thị Gái, thường trú tại thôn Thủy Yên Hạ, với diện tích 2,2ha, thuộc lô a2-1, khoảnh 5, tiểu khu 1157. Đồng thời, UBND huyện Phú Lộc ra các quyết định giao đất cho 4 hộ khác với mục đích sử dụng đất lâm nghiệp như hộ bà Gái, gồm hộ bà Hà Thị Lành, Võ Thị Kim Ngân, ông Nguyễn Văn Nhiên và Nguyễn Cửu Lầm, mỗi hộ hơn 2ha.

Ngày 12/7/2004, Hội đồng giải tỏa mặt bằng huyện Phú Lộc có tờ trình về việc xin phê duyệt phương án đền bù giải tỏa mặt bằng khu vực đồi Đá Mùng này để lấy đất san lấp công trình. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc phê duyệt kết quả thẩm định tổng mức giá đền bù thiệt hại tài sản cho các hộ, do ông Nguyễn Anh (chồng bà Gái) đại diện cho 5 hộ được giao đất đứng tên kê khai (gồm Hà Thị Lành, Võ Thị Kim Ngân, Nguyễn Văn Nhiên, Nguyễn Cửu Lầm và Trần Thị Gái). Tất cả không có tên ông Huỳnh Minh Phương.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn (con ruột bà Gái, đại diện theo ủy quyền của bà Gái), sau khi việc lấy đất san lấp công trình hoàn tất và trả lại mặt bằng vào cuối năm 2004, nhiều cá nhân ở trong xã đã đến lấn chiếm đất của 5 hộ này. Trong đó, đất của gia đình bà Trần Thị Gái bị ông Huỳnh Minh Phương lấn chiếm sử dụng. Gia đình bà đã liên tiếp kiến nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng huyện, tuy nhiên vụ việc không được giải quyết thấu đáo, dứt diểm nên kéo dài qua nhiều năm.

Thiếu cương quyết

Đến năm 2008, khi ngành chức năng tiến hành đo đạc bản đồ địa chính lâm nghiệp xã Lộc Thủy, các thửa đất lâm nghiệp của bà Trần Thị Gái, Hà Thị Lành, Võ Thị Kim Ngân, Nguyễn Văn Nhiên và Nguyễn Cửu Lầm được gộp lại chung một lô với số thửa 826, tờ bản đồ số 1, diện tích 59.607m2 do ông Nguyễn Cửu Lầm kê khai đứng tên.

Hai năm sau đó, ông Phương kiến nghị đến chính quyền địa phương về việc đất lâm nghiệp ông đang sử dụng lại gộp vào cho ông Lầm đứng tên là không đúng quy định. UBND xã Lộc Thủy tiến hành mời ông Phương và ông Lầm đến làm việc, qua đó, ngày 1/9/2010, ông Nguyễn Cửu Lầm đã viết giấy thỏa thuận với nội dung: “Trong số diện tích đất lâm nghiệp của số thửa 826 có diện tích rừng của hộ ông Huỳnh Minh Phương đang trồng cây keo tràm”. Và, giấy thỏa thuận này được chính quyền địa phương lúc bấy giờ ký, đóng dấu xác nhận.

Đến năm 2016, bà Gái tiếp tục có đơn kiến nghị về việc đất lâm nghiệp của bà đang bị lấn chiếm; đồng thời, đề nghị xem xét lại việc chính quyền địa phương ký, đóng dấu xác nhận trong giấy thỏa thuận giữa ông Nguyễn Cửu Lầm với ông Huỳnh Minh Phương liệu có đúng thẩm quyền, trong khi ông Phương đang lấn chiếm sử dụng đất của gia đình bà.

Theo Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy - Nguyễn Văn Hoàng, ngày 06/5/2016, UBND xã Lộc Thủy đã có biên bản giải quyết về việc tranh chấp đất giữa bà Gái và ông Phương. Trong đó, UBND xã đã kết luận: “Yêu cầu hai bên trong thời gian giải quyết không được làm thay đổi hiện trạng. Nghiêm cấm việc trồng rừng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời giữ nguyên hiện trạng... Nếu hộ ông Phương tiếp tục trồng rừng, UBND xã Lộc Thủy sẽ tiến hành cưỡng chế...”.

Tiếp đó, ngày 24/11/2016, Hội đồng hòa giải tranh chấp xã Lộc Thủy tiếp tục có cuộc làm việc với các bên liên quan, qua đó đã ra biên bản nêu rõ: Việc ông Nguyễn Cửu Lầm đại diện cho 5 hộ đứng tên đo đạt diện tích đất rừng là không có cơ sở. Văn bản thỏa thuận ngày 01/9/2010 giữa ông Nguyễn Cửu Lầm và ông Huỳnh Minh Phương theo đó không có cơ sở pháp lý. Trong thời gian giải quyết tranh chấp, đề nghị các bên liên quan không được tác động đến diện tích đất lấn chiếm, giữ nguyên hiện trạng.

Tuy nhiên, sau đó ông Phương vẫn tiến hành trồng và khai thác rừng trên đất lấn chiếm. Việc tranh chấp kéo dài buộc UBND xã Lộc Thủy chuyển hồ sơ lên các ban, ngành chức năng huyện thụ lý, giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Sơn bày tỏ: “Tháng 6/2017 và tháng 10/2018, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện và Thanh tra huyện lần lượt thụ lý mời các bên liên quan đến làm việc, song vẫn chưa giải quyết được vụ việc. Bẵng một thời gian sau đó, đến cuối năm 2020, UBND huyện Phú Lộc đột nhiên ra quyết định thu hồi diện tích 2,2ha đất đã giao cho gia đình tôi, nhưng không gửi quyết định về cho gia đình, vì vậy gia đình tôi hoàn toàn không biết gì về quyết định thu hồi đất này, gây thiệt hại rất lớn về quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi...”.

Cần sớm giải quyết theo đúng quy định

Phó Chánh Thanh tra huyện Phú Lộc - Trần Viết Trung cho biết, quyết định thu hồi đất của UBND huyện không giao đến tận tay gia đình bà Gái, hoặc không được niêm yết tại địa phương là thuộc về trách nhiệm của chính quyền xã Lộc Thủy.

Theo ông Trần Viết Trung, năm 2018, ông Huỳnh Minh Phương cũng có kiến nghị xem xét lại việc giao đất cho bà Gái, với lý do thời điểm đó ông đã sử dụng lâu dài trên thửa đất này.

Tuy nhiên, điều dễ thấy, trước khi giao đất cho bà Gái và 4 hộ nói trên, UBND huyện Phú Lộc đã ra quyết định thu hồi 12ha đất thuộc khu vực đồi Đá Mùng để giao cho các hộ, có trích sao bản đồ giải thửa và biên bản giao nhận đất thể hiện rõ các chủ sử dụng đất rừng tiếp giáp với đất của bà Gái. Vì vậy, điều ông Phương kiến nghị hoàn toàn không có cơ sở.

Cũng theo Thanh tra huyện Phú Lộc, từ khi được giao đất năm 2003 đến 2016, bà Gái không sử dụng trên mảnh đất này và cũng không có ý kiến gì với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng. Qua đó, Thanh tra huyện kiến nghị UBND huyện Phú Lộc thu hồi diện tích đất lâm nghiệp 2,2ha đã giao cho bà Gái, với lý do người sử dụng không sử dụng đất trong thời hạn 24 tháng liên tục quy định tại điều 64 luật đất đai năm 2013, để giao lại UBND xã Lộc Thủy quản lý.

Qua vụ việc có thể thấy, việc bà Gái không thể sử dụng trên đất lâm nghiệp mà mình đã được giao, hoàn toàn do ông Phương lấn chiếm sử dụng và kéo dài cho đến nay. Theo khoản 1, Điều 67 Luật Đất đai năm 2013, quy định: “Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm”. Đồng thời, tại khoản 5, Điều 166 Luật Đất đai hiện hành, quy định về quyền của người sử dụng đất được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.

Với những vấn đề trên, nhận thấy cơ quan chức năng và chính quyền các cấp ở Phú Lộc cần có trách nhiệm kiểm tra, sớm giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người được Nhà nước giao đất. Mặc khác, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Cần suy nghĩ thấu đáo cho con

Nhận điện thoại của em gái, là giáo viên của một trường tiểu học; giọng em có vẻ gấp gáp, hốt hoảng, nhờ tôi tư vấn (vì trước đây tôi từng có thời gian công tác trong ngành tòa án).

Cần suy nghĩ thấu đáo cho con
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân
Tết muộn

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng chài ven biển quanh năm đượm mùi tôm cá. Tết của những làng chài ven biển cũng không khác gì ở những nơi khác, có chăng chỉ là tuổi thơ của tôi gắn liền với những chuyến đi biển xa biền biệt của ba. Vì thời gian tết về thì ở chỗ chúng tôi cũng là lúc bắt đầu mùa cá. Khi ấy những người đàn ông sẽ dong thuyền ra khơi và có khi đi cả tháng trời mới về. Tết của chúng tôi khi ấy vừa là hòa vào không khí chung của ngày lễ cổ truyền, vừa là sự chờ đợi và cầu bình an cho những người chủ gia đình đang lênh đênh trên sóng.

Tết muộn

TIN MỚI

Return to top