ClockThứ Ba, 03/05/2016 07:31
“Huế dịu dàng – Về miền Hương Ngự”:

Đậm hồn quê

TTH.VN - Không còn vẻ “lặng yên” thâm nghiêm thường thấy, đêm qua (2/5), đình làng cổ Kim Long như bừng tỉnh sau giấc ngủ dài, rộn rã vào hội với chương trình “Huế dịu dàng – Về miền Hương Ngự”.


Biểu diễn những làn điệu đặc sắc của ca Huế

Chọn đình làng cổ Kim Long gần 400 năm tuổi là nơi diễn ra chương trình, bởi trong dòng chảy lịch sử 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân – Thừa Thiên Huế, vùng đất Kim Long có một dấu ấn riêng biệt. Đây từng là nơi dừng chân lập nghiệp về phương Nam của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, sau đó là thủ phủ của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan và trở thành một nơi đô hội sầm uất, phồn vinh một thời với tên gọi là Kẻ Huế.

Với thiết kế sân khấu mộc, khán giả gặp lại không gian quen thuộc của làng quê Việt với mái nhà tranh, bụi chuối, rặng tre, lu nước, hoa giấy Thanh Tiên… Bên mái nhà ấy có người mẹ già đang chăm chút con gà mái tơ, thoáng nhìn đã thấy thân thương lạ!


Sân khấu được thiết kế mộc mạc, gần gũi

Tôn vinh giá trị nghệ thuật truyền thống Huế, “Về miền Hương Ngự” tập trung vào 3 giá trị cốt lõi làm nên văn hóa đặc thù của Huế: văn hóa tâm linh, văn hóa cung đình, văn hóa dân gian, với phong tục tập quán và các làng nghề truyền thống.

Mở đầu chương trình, tiết mục hát hầu văn “Cảnh đẹp Huế đô” do nghệ sĩ Mai Chung biểu diễn như mời gọi du khách gần xa về Huế thăm cảnh đẹp. Nhã nhạc cung đình Huế cũng vang lên với trình tấu trích đoạn Thập thủ liên hoàn (mười bản ngự): Bình Bán, Tây Mai, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ, Tẩu Mã. Tinh hoa nghệ thuật múa cung đình được tiếp nối bởi thế hệ rất trẻ với sự xuất hiện của 24 em học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ trình diễn điệu múa Lục cúng hoa đăng, một trong những điệu múa cung đình nổi tiếng.


Thao diễn nghề làm bánh Kim Long

Trên nền nhạc hòa tấu đàn tranh những tình khúc Huế, như: Tiếng xưa, Đêm tàn Bến Ngự, Thương về cố đô, Tìm em trong nét Huế, các nghệ nhân xứ Kim Long thao diễn làm bánh trái cây, măng, mận, mứt gừng. Đây không chỉ là những bàn tay khéo léo trong chế biến mà còn có cả trí tuệ, sự mẫn tiệp với những triết lý về cuộc sống. Từ đó, trà sen, bánh Huế vốn là những đồ ăn, thức uống quen thuộc của người dân Huế, trải qua hàng trăm năm đã phát triển lên một tầm cao của nghệ thuật ẩm thực. Vừa xem nghệ nhân trình diễn trên sân khấu, khách được các cô gái Kim Long dâng trà, bánh, thưởng thức hương vị độc đáo của những chiếc bánh trái cây, bánh mận đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng và thưởng trà sen.


Dâng bánh cho khách

“Thật tuyệt diệu khi được thưởng trà, ăn bánh trong một không gian nên thơ, đậm hồn quê Việt”, vị khách nói giọng Bắc ngồi cạnh tôi thốt lên như vậy. Chị bỗng im bặt khi từ trên sân khấu vang lên làn điệu Hò mái nhì - Tương tư khúc - Nam Bình do NSND Kiều Oanh, NSƯT Thu Hằng trình diễn. Âm hưởng da diết, trữ tình của điệu hò mái nhì, quyện theo thanh âm réo rắt, ngân nga của đàn tranh, tỳ bà, nhị, nguyệt khiến tất cả lặng im trong cái ngọt ngào của ca Huế.

Chương trình tạo nên sự đa sắc với đêm hội áo dài và phần trình diễn thời trang của những người đẹp xứ Huế. Chương trình trình diễn 4 bộ sưu tập (BST). BST thời trang đương đại “Việt Nam gấm hoa” là sự kết hợp những giá trị truyền thống với hiện đại. Lấy ý tưởng từ các hoa văn, họa tiết trang trí trong mỹ thuật triều Nguyễn ở đồ sứ ký kiểu xanh lam Huế (Bleu de Hue) và trên y phục hoàng gia triều Nguyễn cùng gấm lụa, BST này được thiết kế theo các kiểu thời trang Xuân - Hè, Thu – Đông.


Người đẹp xứ Huế trong bộ sưu tập áo dài "Về miền Hương Ngự"

Ấn tượng hơn là 3 bộ sưu tập áo dài, gồm áo dài nam giới “Thư họa”, nữ giới “Về miền Hương Ngự” và thiếu nhi “Quê hương trong mắt trẻ thơ”. Bộ sưu tập áo dài nam giới lấy cảm hứng từ nghệ thuật thư pháp. Áo dài nữ có ý tưởng từ những tác phẩm tranh gương độc đáo của mỹ thuật cung đình triều Nguyễn, cùng kỹ thuật chạm lộng từ nghệ thuật chạm khắc độc đáo. Trang phục của các em thiếu nhi là những tà áo được lấy ý tưởng từ những bức tranh thiếu nhi của cuộc thi vẽ tranh về chủ đề Quê hương.

Bộ sưu tập áo dài nam giới lấy cảm hứng từ nghệ thuật thư pháp

Chương trình cũng đưa khán giả trở về vớilịch sử với tiết mục múa sử thi về những hình tượng nghệ thuật trong đời sống của cư dân Việt và trang sử hào hùng của dân tộc trong tiến trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Theo tiến trình lịch sử, khách lại trở về với vẻ đẹp yên bình của chốn làng quê, với lời ru của mẹ trong tiếng võng đưa, cùng những giọt mồ hôi trong mùa gặt qua tiết mục múa dân gian “Quê tôi”. Những rổ, nia, nơm cá, quanh gánh, cây lúa, bập bênh tre… lay động trong mỗi người nhớ về nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần gắn bó với làng quê.

Chương trình khép lại với nghi lễ thả đèn hoa đăng trên sông Hương. 710 đóa hoa đăng tượng trưng 710 năm Phú Xuân - Thuận Hóa – Thừa Thiên Huế với ý nghĩa văn hóa tâm linh là nguyện cầu thái bình, quốc thái dân an, chúc mừng sự kiện văn hóa lớn của tỉnh nhà. Mỗi ngọn đèn hoa đăng được đốt lên, mỗi người lại cầu nguyện cho mình và cho mọi người an lành, hạnh phúc, đất nước hòa bình, thịnh vượng.

Nghi lễ thả đèn hoa đăng trên sông Hương

Thưởng thức chương trình, Emmanuel Devaux, du khách người Pháp không ngớt khen ngợi: “Chương trình quá đặc sắc với nhiều tiết mục, nhiều loại hình văn hóa được dàn dựng công phu. Đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức chương trình nghệ thuật lạ như vậy, từ vẻ lung linh, gần gũi của sân khấu đến những đạo cụ của đời sống nông thôn Việt Nam. Cùng với nhiều chương trình đặc sắc của Festival Huế, thật không uổng phí khi tôi chọn đến Huế dịp này”.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam

Đông đảo người dự lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) đã tham gia lễ rước bộ từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP. Huế) lên Nghinh Lương Đình trước khi xuống thuyền để di chuyển lên điện.

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam
Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ

Đoàn rước đường bộ xuất phát từ 352 Chi Lăng để di chuyển lên Nghinh Lương Đình. Cùng lúc, đoàn thuyền xuất phát từ 352 Chi Lăng lên bến Nghinh Lương Đình chờ để nhập đoàn đường bộ rước Mẫu lên điện Huệ Nam.

Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ
Lễ hội & bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số

Không chỉ đa dạng, lễ hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã ít nhiều phản ánh được những ước vọng, sự cầu nguyện của con người đến các đấng thần linh về một cuộc sống ấm no. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra khi bàn về việc nhận diện giá trị và hướng bảo vệ các lễ hội nói chung và lễ hội của cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng.

Lễ hội  bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số
Return to top