ClockThứ Hai, 14/02/2022 06:50

Đi chợ bất đắc dĩ

Ô cửa rêu xanhThưa mẹ con về…Bí mật chiếc khuôn bánh

Anh là con trai một trong gia đình có năm chị em gái nên vào bếp cứ lớ ngớ, đến con dao cái thớt để đâu còn phải kiếm một lúc, huống chi đi chợ. Những ngày dã ngoại ở nhà dân thời mới vào lính, anh giãy nảy từ chối khi được phân công đi chợ nấu cơm. Tiểu đội trưởng động viên: “Sinh ra ai cũng chỉ biết bú, đâu đã biết đi chợ, cứ tập cho quen để sau nuôi vợ đẻ”. Cả khi vợ đẻ, anh cũng nhờ mấy bà hàng xóm mua đồ giùm trong lúc chờ “điều động” bà nội, bà ngoại ở quê lên. Việc ái ngại nhất anh đã từng chính là đi chợ, cứ như mù màu loạn thị trước các loại thịt cá, lại ngượng ngùng thôi rồi khi trả giá. Vậy mà nay anh phải đi chợ, lại cho những năm mươi hộ trong tổ, khi thành phố áp dụng liệu pháp sốc “ở đâu ở yên đó” để chống dịch.

Anh vừa nghỉ hưu đã được bà con bầu làm tổ trưởng dân phố. Vác tù và hàng tổng khác nào mua cực vào thân nên nhiều ông chối đây đẩy khi được giới thiệu vào chức đó, với đủ các lý do “hoàn cảnh gia đình khó khăn”, “phải về quê chăm cha già mẹ yếu”, “sắp chuyển hộ khẩu đi nơi khác”… Khi còn quyền lực, không chừng có ông chạy chức quên mệt mỏi nhưng giờ được giao gánh vác việc chung thì chối như trối chết. Anh thì không nỡ lắc đầu trước sự tín nhiệm của bà con nhưng làm rồi mới hay, có khi mệt hơn quản hàng trăm quân. Tới đi chợ thay cho bà con thì quả là ngoài sức tưởng tượng của anh, đến người biên soạn nhiệm vụ tổ trưởng chắc cũng không nghĩ ra việc này.

Đầu tiên, anh trưng dụng ngay cậu con trai đang học đại học năm hai và bà xã từng quản lý bếp ăn bộ đội hỗ trợ mình. Thằng con suốt ngày chúi mũi vào điện thoại và máy tính bị ba la hoài, giờ hóa ra được việc, bởi liên lạc hay giao dịch lúc này hầu như thông qua zalo. Đầu tiên, nó lập trang zalo cho nhóm mua hàng của tổ dân phố rồi kết nối 50 hộ trong tổ, lại bổ túc cấp tốc cho ba cách điều hành. Con trai có thể đọc tin nhắn rồi báo lại, anh trả lời thì nó nhoay nhoáy gõ vào máy, thay cho đôi tay mổ cò rù rờ của người cha; cả việc chuyển đơn hàng đến các siêu thị hay thanh toán qua thẻ, nó đều quẹt quẹt xong ngay. Bà xã anh thì thống kê, phân loại lương thực, thực phẩm do các hộ đăng ký rồi tổng hợp, chuyển tới nhà cung cấp. Hàng về, chị lại cân đong, vô bao và ghi số tiền để anh đem tới từng nhà. Mỗi ngày, anh còn đi nhận rau củ quả thành phố hỗ trợ rồi chia phần, san qua sớt lại cho công bằng, đưa hình ảnh lên mạng cho bà con xem rồi đem đến từng nhà. Chỉ có anh được ra ngoài đi chợ nên ai muốn giúp cũng không được.

Trừ những khi ra đường, anh hầu như ngồi với điện thoại, máy tính, đến nhòe cả mắt. Cứ nhìn vào bảng đăng ký mua hàng của các gia đình nối dài trên màn hình là anh lại rối lên. Khả năng đọc, sửa văn bản trên máy tính rồi in ra, ký duyệt thời đương chức đã không được việc nữa rồi, anh đành mày mò để thao tác nhanh hơn nhằm chủ động công việc, bí quá lại gọi thằng con. Với nhiều người, bị phong tỏa nên ru rú trong nhà, chỉ ăn ngủ nên mập ú; anh thì ngược lại, tất bật hao cả người, đến giấc ngủ cũng chẳng yên, cứ nghe tiếng điện thoại báo có tin nhắn, lại lật đật mở zalo.

Đã thế, lên mạng còn nghe lời cay độc của những kẻ rảnh rỗi đâm nông nổi: “thời tổ trưởng lên ngôi”, “em mơ ước được làm tổ trưởng”, “nhất trời nhì tổ trưởng”. Ấy là bọn họ kê kích những tổ trưởng dấm dúi trong phân phát trợ cấp mùa dịch đấy. Nhân cuộc tranh luận sao kê tiền từ thiện đang diễn ra ầm ĩ, có kẻ còn lôi tổ trưởng vào: “Đừng theo phe nghệ sĩ, cũng đừng theo bà Hằng, hãy đứng phía tổ trưởng để sớm được trợ cấp, bà con ạ!”… Anh bực bội nghĩ, giá như ai gánh cho chức này thì vui biết chừng nào, chắc còn bù thêm ít quà để hậu tạ, kiểu như sang nhượng có thưởng. Nhưng đó chỉ là buồn xa thoáng qua, chẳng nhằm gì so với phản hồi không hài lòng của bà con trong tổ, khiến anh thấp thỏm không yên.

Sau khi giao lương thực, thực phẩm cho các hộ, anh lại nghe ngóng phản hồi qua zalo. Tất nhiên, có rất nhiều lời cảm ơn, khích lệ và hoan nghênh nhưng cũng không ít bà phật ý. “Nhờ mua hành lá, sao lại là hành củ”. “Rau héo quá, anh ạ”. “Bún sáng nay bị chua, anh nên góp ý với nhà cung cấp”. “Hàng em đăng ký đã có chưa, sao lâu vậy”.

Anh lại ngồi vào máy tính, mày mò gõ lời phúc đáp; “xin lỗi” và “mong thông cảm” là những từ luôn sẵn sàng trong anh. Anh còn xoa dịu người được phục vụ “Đi chợ bất đắc dĩ nên nhiều khiếm khuyết, mong được bỏ qua”. “Bà con trách ít thôi nhé”. “Tổ trưởng sẽ cố gắng để bà con hài lòng”. Có người chê đã rồi quay lại an ủi: “Là nói để rút kinh nghiệm thôi, anh đừng lấy đó làm buồn nhé. Tổ trưởng cố lên!”.

Duy bà chủ nhà số 51 cùng phố làm anh đau đầu nhất, lúc thường thấy cũng hiền hiền nhưng giờ bỗng dưng giở chứng. Với tổ trưởng mà bà la như la con ở: “Tôi đăng ký mua đậu phụ từ hôm qua, sao hôm nay chưa có?”. “Anh ghét gì nhà tôi mà cho toàn củ dền và bắp cải thối!?”. “Toàn thịt ôi, cá ươn như này ăn vào bịnh chết, tổ trưởng ơi! Đi chợ giùm kiểu này, lần sau tôi không nhận hàng đâu; biết thế, ăn muối còn hơn!”. Anh hiểu sự bức xúc của bà qua dòng khẩn cầu: “Anh có nghe tôi kêu không mà chẳng phản hồi”.

Khổ, bàn tay luýnh quýnh không thể gõ nhanh, lắm lúc chữ sờ sờ trước mắt nhưng tìm mãi không ra, rồi thì sai chính tả tùm lum, có khi chằm hăm gõ cả buổi mới được mẩu tin nhắn, nhưng tay lào khào đụng vào phím nào đó làm mất sạch, lại phải gõ từ đầu. Đã thế, nghe thúc hối, càng bối rối. Anh luôn nhún mình, cố kìm nén để không nổi nóng, lại dặn lòng, có gì sau dịch sẽ nói, tuyệt nhiên không nặng lời trên mạng, không để chuyện bé xé ra to.

Nhưng bà con trong tổ cùng nhóm mua hàng trên zalo thì nhảy vô theo kiểu “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Lời lời chê trách dồn vào người đàn bà kia. “Người ta mua giùm đã là quý, còn này nọ, khó tính”. “Đề nghị bà nhà 51 nói năng cẩn thận, người lớn cả đấy nhé”. “Đã không cảm ơn tổ trưởng, còn nói lời vong ân, bó tay với bà này”. “Khó tính vậy thì nhịn đến sau dịch tự mua ăn cho sướng”. Đáp lại, bà nhà 51 cũng không vừa, còn lớn tiếng thách thức: “Các bà không biết thì đừng xỏ vô chuyện người khác”. “Tôi mất tiền, có quyền ăn đàng hoàng”.“Đừng cậy đông ăn hiếp, lấy thịt đè người, đây chẳng ngán đâu!”.

Thoạt đầu, anh hả dạ bởi hầu hết bà con đứng về phía mình, cảm thông, che chở nhưng rồi bỗng nhiên lại sợ. Cứ biến trang zalo thành sàn đấu võ mồm, vạch áo cho người xem lưng, còn ra thể thống gì. Thế là anh lại giảng hòa, xoa dịu các bà hạ hỏa: “Mong bà con hết sức bĩnh tĩnh, không nóng giận; lúc này ta cần nhường nhịn, thông cảm cho nhau”.

Mệt mỏi trong anh nhân lên, tự nhủ chắc sau dịch phải rút lui. Nhưng lòng tự trọng không cho anh nghĩ tiếp điều buông xuôi. Cũng chẳng rảnh để ngồi đó tâm tư khi đơn hàng bà con đặt cứ hiện trên máy mỗi ngày, vợ lại hỗ trợ, chồng lại tiếp tục lên đường. Vợ còn lo anh mang bệnh về bởi vừa tiêm vắc-xin mũi một, sợ chưa đủ thời gian tạo kháng thể nhưng chẳng làm khác được.

Bù lại, đọc chia sẻ của bà con trong tổ trên zalo hay facebook, anh được tiếp sức, nhẹ lòng: “Nghe gọi cửa biết là tổ trưởng/Cho rau xanh, gạo mắm, bánh mì/Ít hay nhiều, chẳng quan trọng chi/ Được yêu thương cho mình xúc động”. Lại có dòng tri ân: “Xin cảm ơn những người hết mình chống dịch và bảo đảm đời sống cho bà con trong những ngày phong tỏa”. Anh vui vui bởi cảm thấy thấp thoáng có mình trong dòng chữ nghĩa tình ấy. Có nữ sinh viên thuê trọ ở cuối phố còn chụp ảnh anh đứng bên chiếc xe chất đầy rau củ rồi khoe lên facebook: “Tổ trưởng em đây ạ. Cứ nghe tiếng xe máy pạch pạch do ống pô bể là biết bác ấy đem đến niềm vui sống. Em từ xa đến đây, được gặp người như bác, càng yêu thành phố này”. Đứa khác còn biếu anh bánh trung thu tự làm trong những ngày phong tỏa.

Dù lê thê thì dịch bệnh cũng lắng xuống sau hai tháng căng thẳng, ngột ngạt. Phong tỏa được dỡ bỏ, thành phố dần trở lại bình yên. Người đầu tiên đến nhà anh sau những ngày “ở đâu ở yên đó” là chủ nhà số 51 cùng phố. Bà rụt rè bấm chuông, nhìn vẻ không tự nhiên của khách, anh đoán lý do cuộc gặp nên mở cửa mời vào. Vừa ngồi xuống ghế, bà đã nói luôn: “Tôi xin lỗi anh vì những lời không phải bữa trước”. Anh cười rộng lượng: “Thôi, chuyện qua rồi, xí xóa đi”. Bà vẫn chưa thôi dằn vặt: “Chưa được anh tha thứ, tôi chẳng thể yên lòng”. Giọng anh khẽ nhẹ: “Tôi bỏ qua rồi, chị nhé. Cũng bởi bí bách một chỗ lâu ngày quá nên sinh cáu gắt đó thôi”. Nói rồi, anh nhìn người hàng xóm, mỉm cười; đáp lại cũng là nụ cười lẫn trong hổ thẹn.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”
Return to top