ClockChủ Nhật, 10/07/2022 22:17

Đó mới là điều đáng quan tâm

Khó thu hút nhân lực ngành y tế

Đã có con số thống kê nhưng chỉ là sơ bộ: trong 2 năm có gần 900 người làm trong ngành y tế ở Hà Nội xin nghỉ việc (tại nơi làm cũ). TạiTP. Hồ Chí Minh trong một năm rưỡi (2021 và 6 tháng đầu năm 2022) có khoảng 1.400 người làm việc trong ngành này không tiếp tục làm việc nữa. Tức là con số chính xác của tình trạng nói trên có thể còn cao hơn.

Nhận định về nguyên nhân, theo Bộ Y tế, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm cho áp lực công việc tăng cao trong khi đó, thu nhập lại giảm đáng kể.

Nhân viên y tế hướng dẫn người già cách sử dụng thuốc

Tình trạng nói trên không có gì phải lo lắng do sự điều tiết của thị trường lao động. Nhân lực của ngành y cũng như nhân lực của nhiều ngành khác - mọi khoảng trống của thị trường sẽ được lấp đầy. Điều đáng lo ở đây là sự điều tiết này cần có thời gian, trong khi nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân thì không được đứt quãng. Cho nên chúng ta có thể hình dung nguồn nhân lực của ngành y tế có thể gặp phải những khó khăn nhất định. Đó là lý do mà Bộ Y tế gửi văn bản cho các đơn vị trực thuộc Bộ và sở y tế các địa phương yêu cầu báo cáo tình hình nêu trên. Không biết ngành y tế của Thừa Thiên Huế như thế nào, nhưng những thông tin về biến động nguồn nhân lực ngành y ở Thừa Thiên Huế chưa thấy có gì đáng báo động.

Sự dịch chuyển nguồn nhân lực của ngành y tế không phải đến bây giờ mới diễn ra, mà nó đã từng diễn ra trước đó. Đó là khi có chủ trương cho tư nhân tham gia hoạt động y tế. Có một dòng chảy nguồn nhân lực đã diễn ra – chảy từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân. Chảy từ những nơi ít có điều kiện hoạt động y tế sang những nơi có điều kiện tốt hơn và thu nhập cao hơn trong hoạt động y tế. Các thành phố lớn ở trong Nam cũng như Hà Nội là một ví dụ - nó như các cực rất mạnh thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao về mình. Sự chảy này phù hợp với kinh tế thị trường nhưng cũng gây ra những ảnh hưởng cho xã hội. Tức là những nơi bị nguồn nhân lực chất lượng cao rời bỏ đi thì ngành y tế ở nơi đó bị thiệt thòi, nói chính xác hơn là bệnh nhân ở những nơi đó thiệt thòi. Chính vì vậy mà chúng ta thấy, ngoài chế độ quy định chung của Nhà nước, nhiều tỉnh, thành đã xây dựng và thực hiện các chế độ vừa thu hút vừa giữ chân nhân tài, chủ yếu bằng các chế độ đãi ngộ như lương bổng, điều kiện nhà ở, điều kiện làm việc… Nói tóm lại, sự biến động trên mọi thị trường, trong đó có thị trường lao động, ngành y cũng vậy, chẳng có gì ngạc nhiên. Thị trường đã hình thành thì thị trường, về bản chất nó sẽ có cơ chế cân bằng.

Nếu nguồn nhân lực dịch chuyển trong ngành, thiết nghĩ là điều không quá lo lắng. Nhưng nếu dịch chuyển ra ngoài ngành có thể gây ra một sự lãng phí. Ví dụ như một bác sĩ, chưa nói là bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2… tốn rất nhiều thời gian để đào tạo. Anh không làm trong các cơ sở y tế Nhà nước thì làm việc ở cơ sở y tế tư nhân, thậm chí là mở phòng mạch tự làm. Nguồn nhân lực không mất đi. Nó chỉ dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Nhưng nếu một bác sĩ chuyển qua một lĩnh hạt khác, thì đó là điều rất đáng tiếc cho ngành y. Nhưng điều này khả năng xảy ra là rất ít. Bởi đơn giản, ngành y bao giờ xã hội cũng rất cần. Chẳng mấy ai dại gì từ bỏ cái mà xã hội đang cần, rất cần và được tôn vinh.

Bộ Y tế đề nghị báo cáo tình hình nghỉ việc, bỏ việc trong ngành y để làm gì? Để biết mà định hướng, kiến nghị chính sách thì được. Còn để điều phối nguồn nhân lực thì có vẻ hơi bị khó. Cái này để thị trường lao động tự điều chỉnh.

Chúng ta có một nguồn cung rất lớn lực lượng của ngành hàng năm từ các trường đại học, nên không quá lo lắng về nguồn nhân lực. Vấn đề là cần xây dựng cơ chế trả lương (không thể nói là đãi ngộ gì hết) đặc thù. Một người học 6 năm đại học mới ra trường, muốn hành nghề tốt phải học thêm nhiều nữa, cập nhật những kiến thức mới liên tục. Chỉ nhìn như thế chúng ta đã thấy sự khác biệt so với một số ngành khác. Và ngành y, đặc biệt là các bác sĩ, những người đầu ngành có quyền đòi hỏi sự cống hiến và lương bổng tương xứng. Nếu một khi họ không còn đòi hỏi điều này có khi là điều không tốt cho xã hội. Họ có thể từ bỏ khu vực y tế Nhà nước sang khu vực tư nhân. Nhưng khu vực Nhà nước cũng cần những người giỏi để thực hiện các chính sách xã hội.

Đó mới là điều đáng quan tâm.

Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: THU THỦY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh

Trong năm qua, nhiều hoạt động của HĐND tỉnh đã tạo cơ sở, nền tảng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành hơn 150 nghị quyết (NQ), đó là những nội dung xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.

Quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh
Bám cơ sở, giải quyết những vấn đề người dân quan tâm

Đó không chỉ trách nhiệm, mà còn là sự kỳ vọng của người dân khi lãnh đạo chủ chốt của địa phương, trực tiếp là bí thư cấp ủy thường xuyên bám cơ sở, lắng nghe dân để chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề phát sinh tại cơ sở mà người dân quan tâm.

Bám cơ sở, giải quyết những vấn đề người dân quan tâm
Return to top