ClockThứ Bảy, 05/05/2018 11:04

Đôi bờ lễ hội

TTH - Bên này Lê Lợi, bên kia Lê Duẩn – Trần Hưng Đạo, đôi bờ sông Hương là những con đường lớn và cũng nổi tiếng đẹp nhất Cố đô.

Festival Huế 2018 dưới góc nhìn của nghệ sĩ quốc tếFestival Huế 2018: Ngập tràn cảm xúc lễ hộiCác chương trình không bán vé tại Festival Huế 2018

Festival Huế ngập tràn sắc màu lễ hội và điều dễ dàng nhận thấy, điểm nhấn của lễ hội văn hóa quan trọng và là niềm tự hào lớn nhất của đất Thần kinh thời hội nhập và phát triển là đôi bờ sông Hương huyền thoại.

Không còn nghi ngờ, Rue Jules Ferry (hay Thủy Sư) - Rue Gaffeuil – Lê Thái Tổ - Lê Lợi (hay Tòa Khâm) đã và đang xứng danh với tên gọi con đường lễ hội trong dịp Festival Huế. Bia Quốc Học và các công viên Tứ Tượng hay 3/2, như thường lệ, vẫn là tâm điểm gắn với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật và các festival thơ, festival bia quốc tế. Còn với các thiết chế văn hóa, như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Văn hóa Huế, các trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng hay văn hóa Liễu Quán, đây là nơi tập trung các triển lãm, trưng bày và giới thiệu các sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Gần đây, người ta nói nhiều đến việc xây dựng Lê Lợi trở thành “con đường bảo tàng” và với Festival Huế, khát khao đó đang dần trở thành hiện thực.

Nếu ở tuyến phố Lê Lợi, hành trình trở thành con đường lễ hội chỉ là sự tiếp nối thì ở bên kia dòng Hương, con phố nối liền Lê Duẩn – Trần Hưng Đạo, với Festival Huế 2018 là sự đột phá. Giữa một bên là Kỳ đài Huế uy nghiêm với một bên là con đường Lê Duẩn, thấp thoáng không xa là dòng Hương Giang tĩnh lặng, sân khấu Phu Văn Lâu với điểm nhấn là chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn trong Festival Huế 2018 không chỉ mở rộng không gian lễ hội mà còn góp phần làm sống dậy một niềm ký ức. Cũng như tôi, bao người nhớ đến “Mưa hồng” và “con đường phượng bay” của Trịnh. Từ phía Bắc vào, ngay trên con đường này, sân khấu Phu Văn Lâu như một sự khởi đầu lắng đọng, để rồi sôi động với nhiều hoạt động rộn ràng nơi công viên Thương Bạc và trở nên xa xăm, huyễn hoặc, đầy trăn trở ở ngã ba sông Gia Hội với “Âm vọng sông Hương”.     

Những buổi chiều tà trong những ngày Festival Huế 2018, tôi vẫn thích đứng ngay giữa cầu Trường Tiền để từ đây, ngước mắt nhìn về phía đôi bờ dòng Hương. Nơi đó ẩn hiện bên những tán xanh êm dịu và nhẹ nhàng là những ngôi nhà phố như những điểm xuyết tuyệt vời. Bất chợt trong những chiều tà này là những lễ hội đường phố tưng bừng đi từ bên nay sông vượt cầu qua bên tê sông. Sân khấu của “Tỏa sáng niềm tin” nơi bờ Nam, một chương trình nghệ thuật bên chân cầu Dã Viên ở phía trên và của “Âm vọng sông Hương” nằm về phía dưới của bờ Bắc như 2 điểm nhấn, góp phần tạo nên không gian lễ hội của đôi bờ sông Hương. Tôi đã nghĩ, nếu “Tỏa sáng niềm tin” đầy hư không, thấp thoáng nơi xa thì “Âm vọng sông Hương” lại lồ lộ một khát vọng của đời thường dân dã.

Con sông Hương chia Huế làm đôi, không chỉ đơn thuần là bờ Bắc và bờ Nam, mà là sự phân rạch không gian sống, một bên cổ xưa và phía còn lại mang dáng dấp của một đô thị mới hiện đại. Hơn thế, nó được chia cắt hoàn toàn bởi thành cao, hào sâu của Đại Nội, để rồi hình thành nên những nền văn hóa riêng biệt, cung đình và dân gian, không thấy ở bất kỳ vùng đất nào trên đất nước hình chữ S này. Lấy cảm hứng từ cách tổ chức lễ hội của phương Tây, nhưng ngay đầu Festival Huế cho thấy đã gắn liền với vùng đất Hương Ngự. Nó có những lễ hội bên trong Đại Nội đầy khám phá gợi nhớ về một thời Huế vàng son và cũng có cả những cuộc vui dân dã ở “Chợ quê ngày hội” hay “Hương xưa làng cổ”, có sản phẩm có nguồn cội từ quê hương và cả những nét văn hóa từ bên bên ngoài vào mà ấn tượng nhất là những hoạt động lễ hội đường phố ngập tràn sắc màu. Một không gian lễ hội đầy sắc màu rộng lớn đến từ Festival Huế và đã được lắng đọng nơi đôi bờ sông Hương huyền thoại.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch lễ hội: Nỗi lo khách một, chủ nhà mười

Không ít quốc gia trên thế giới làm giàu từ du lịch lễ hội, hoặc khẳng định thương hiệu nhờ lễ hội. Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng có không ít lễ hội được tổ chức, nhất là dịp đầu năm, nhưng quan trọng là làm sao khai thác hiệu quả.

Du lịch lễ hội Nỗi lo khách một, chủ nhà mười
Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế

Bên cạnh đẩy mạnh xây dựng nghiên cứu nhằm hoàn thiện hệ thống hồ sơ khoa học về các lễ hội, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục các giá trị của lễ hội, lựa chọn để quảng bá những nét đẹp, hạn chế những lễ hội có những hình ảnh phản cảm.

Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế
Return to top