ClockChủ Nhật, 06/03/2022 21:06

Đòi nợ

TTH - Những người đi săn tìm thấy ông Điền nằm chết dưới thung lũng. Người ta đoán ông Điền đã phải vật lộn rất lâu với một con hổ. Rất có thể đấy là một con hổ cái.

Thanh âmVườn hồng của chaĐi chợ bất đắc dĩ

Nhiều năm về trước dân làng bỗng chốc giàu lên vì đi rừng bẫy hổ bán cho bọn buôn bán thú rừng. Rừng phòng hộ vùng này rộng mênh mông không biết đâu mà kể, rộng đến mức ngay cả những người đàn ông đi rừng quanh năm mà nếu đi xa cũng lạc không biết đường về. Ban đầu những người đàn ông chỉ đặt hàng rào bẫy hổ xung quanh làng để bảo vệ. Nhưng từ những con hổ đầu tiên sa bẫy với món thu rất hời so với đi đập đá thuê và lên rừng đào củ mài, làm rẫy nên dần dà người ta nghĩ đến việc đi săn hổ.

Những người đàn ông chết thảm như ông Điền không phải là ít. Có người còn tìm thấy xác, có người thì mất tích luôn, rừng rộng không ai dám đi tìm. Dân làng bảo “người chết vì đi lạc cũng nhiều”. Những người đàn bà ngày rằm, mồng một vẫn thường mang bó hương lớn ra cắm xung quanh bìa rừng. Còn bọn trẻ con thì ngồi ngẩn người, lũ con gái bảo:

- Tao chẳng thích rừng chút nào cả. Rừng ác lắm.

Bọn con trai cầm cái gậy nhỏ đâm xuống đất:

- Lớn lên tao sẽ giết sạch thú trong rừng.

Riêng thằng Hùng thì bảo:

- Tao sẽ đốt sạch cái rừng này, bằng mọi cách.

* * *

Thằng Hùng là con ông Điền. Khi người ta đưa xác bố nó về nhà, nó mới tròn mười tuổi. Mẹ nó khóc ầm cả làng. Riêng thằng Hùng thì chỉ ngồi im lặng bên quan tài cha. Lúc đưa cha nó xuống huyệt người ta nghe thấy nó thề sẽ lên rừng để trả thù cho cha nó.

Từ dạo bố nó chết, mẹ nó đâm ra u uất hơn. Học hết lớp năm thì nó tự ý bỏ học về nhà, suốt ngày cuốc đất trồng rau thay mẹ và học vót cung tên. Mẹ nó bảo:

- Con không nên giống cha, học những thứ ấy rồi cũng bỏ mạng lại rừng xanh.

Nó không nói gì, im lặng nhưng những nhát dao thì mạnh và rất sắc. Cứ khi nào trong làng có người bắt được hổ là nó phải chạy đến xem. Mắt nó hừng hực căm giận. Đợi người lớn không chú ý là nó lấy đất đá ném thật lực vào trong cũi.

Mười lăm tuổi nó vót cung tên đã thạo, biết xác định dấu chân hổ, biết ngửi mùi hổ, biết chế thuốc độc tẩm mũi tên. Mười bảy tuổi biết đặt bẫy giăng hổ, biết cách xác định hướng đi, biết cách tự nuôi sống cái dạ dày trên rừng và biết cách bảo vệ mình khi bị hổ tấn công. Bấy nhiêu thứ đủ để nó trốn lên rừng đi bẫy hổ cùng những người đàn ông trong làng. Mẹ nó gào khóc gọi con cạn khô cả nước mắt.

Thằng Hùng đi ba tháng thì về. Hùng vác về một con hổ đực, lông vằn vện, nó có lẽ đã chết một hai ngày gì đó. Những người đàn bà lắc đầu, bảo như thế thì bán không được giá rồi. Thằng Hùng cười bảo:

- Sẽ giết hết, không để một con nào sống sót cả.

Mắt thằng Hùng đỏ ngầu, ngồi thở hồng hộc như con trâu sau trận đọ sừng. Mẹ nó len lén ngồi trong góc tối, nước mắt lặng lẽ rơi. Với linh cảm của một người mẹ, bà biết mình đã mất đứa con này cho rừng xanh như bà đã từng mất người chồng.

Thằng Hùng nghỉ ở nhà một tuần rồi lại lên rừng. Lần này nó tách đoàn thợ săn, đi một mình một hướng. Trên vai là cung tên tẩm độc, giắt ở lưng con dao rựa sắc. Người làng bảo:

- Con dao ấy chém đá vỡ đôi, chặt cây rừng nhanh và sắc như gió.

Mẹ nó lại thắp hương lên bàn thờ chồng, nước mắt lưng tròng. Bà thành người đàn bà cô độc nhất trong cái bản làng này.

* * *

Chỗ nào thằng Hùng từng đi qua, chỗ ấy cây rừng đổ ngổn ngang như ngả rạ. Chặt đến đâu nó lại vun lá khô châm lửa đến đấy. Chẳng mấy chốc khu rừng đã mù mịt khói, dưới bản nhìn lên giống như một ống khói khổng lồ đang tuôn ra không ngừng từ lòng đất. Những người trong phường thợ săn hoảng loạn, chim muông kéo từng đàn tìm cách thoát thân. Ngay cả những con thú lớn cũng không dám bén mảng lại gần. Thằng Hùng đã biến thành con thú hung dữ nhất.

Rừng bị hun nóng như biển lửa. Những con suối bắt đầu cạn khô, nước trong những thân cây rừng ở nơi mà thằng Hùng chưa đi đến cũng cạn khô. Những người thợ săn đã không phá được đường ra đang chết dần chết mòn vì cái nóng và khát. Thằng Hùng vẫn tiến vào phía rừng sâu, nơi mà nó đi đến ngày càng không có dấu chân người.

Người làng nói với nhau “phải bỏ đi thôi, rừng bị đốt cháy hết rồi, không còn chỗ mà kiếm ăn nữa. Rồi nước lũ sẽ dồn về. Chúng ta sẽ chết mất thôi”. Nhưng họ không biết phải đi đâu, khi những người đàn ông trụ cột trong gia đình đều đã lạc trong rừng không biết sống chết thế nào. Trong ngôi nhà tranh, bà mẹ đã nằm vật suốt mấy hôm nay. Trong cơn sốt li bì, bà luôn chập chờn giữa sự sống và cái chết, giữa những nỗi lo sợ, hy vọng đan xen. Bà gọi thằng Hùng, bà kêu cứu nhưng không hề có tiếng trả lời. Chỉ tiếng nước xối ngang ngực và gió hú trên đầu.

Bà cố gắng mò dậy để thoát khỏi giấc mơ ám ảnh khủng khiếp ấy. Nhưng mỗi lúc bà càng ho nhiều hơn, khói trên rừng khiến cả khu làng mù mịt như đang bị hun rơm. Người làng bảo:

- Thằng con bà đấy. Cái thằng ấy sao hổ không vật chết nó đi. Sao nó không bị chết cháy ngay từ mồi lửa đầu tiên đi.

Lũ trẻ con lấy đất đá ném vào nhà bà, chúng vừa ném vừa nguyền rủa. Bà nằm im trong một góc tối, cái nóng hừng hực ngoài kia và cái lạnh của nỗi cô đơn, càng khiến bà sợ hãi. Ngoài kia vẫn là những tiếng khóc ri rỉ, thi thoảng là tiếng gào thét, cũng có lúc sự im lặng còn đáng sợ hơn tất cả.

* * *

Thằng Hùng đã không còn sức để đi, nhưng những mồi lửa mà nó đã châm còn bén nhanh hơn bước chân người chạy. Chẳng mấy chốc mà nó đã bị bao vây trong một vành đai lửa. Tiếng loài hổ rú lên đau đớn. Những con nai, con hươu giãy chết còn để lại tiếng kêu gọi bầy đàn trong tiếng nổ của lửa, tiếng cây bị đốt tươi, tiếng núi rừng đang gào khóc. Thằng Hùng nằm gục xuống bãi đất, nhìn nó chẳng khác gì một con hổ đang bại trận không còn sức để chiến đấu, chỉ nằm chờ cái chết đến với mình. Rừng lửa như thể hàng nghìn, hàng vạn con ngươi đang phát sáng. Con ngươi của loài hổ, của bầy đàn thú rừng của những người mẹ, của bản làng và của cả cha Hùng nữa, tất cả đang dần thiêu đốt nó.

* * *

Bóng đêm đã bao trùm khắp căn nhà bà mẹ. Bà không thể ngồi đợi đứa con mình nữa mà quyết định đi tìm. Nhưng bà đi mãi, đi mãi, chỉ thấy cánh rừng trống không, không một cây cỏ, một con vật, hay dấu vết của loài người. Bóng bà đổ xuống mảnh đất khô cằn, không sự sống ấy. Rồi đi mãi, đi mãi bà cũng nhìn thấy thằng Hùng con bà, nó đứng câm lặng giữa khoảng không mênh mông. Bà đã cố gắng gọi thật to, nhưng hình như nó không nghe thấy. Nó cứ đứng im lặng cho đến lúc hai cánh tay, đôi chân và cả cơ thể nó bắt đầu mọc lá, rễ um tùm.

Bà càng lay gọi, càng gào khóc to thì nó ngày càng giống một cái cây, bám rễ xuống lòng đất khô như cháy. Rồi bà thấy bàn tay mình cũng bắt đầu phát ra những tiếng lách tách, những mầm cây nhú lên khỏi lới da nhăn nheo. Ở mắt bà cũng mọc ra nhiều nhánh cây, tim bà cũng đang bám rễ. Đến lúc này bà mới nhìn thấy không biết ở đâu kéo ra, rất nhiều người trong làng. Cả những người đàn ông đi bẫy hổ bị chết cháy trên rừng cũng đang biến thành cây. Chẳng mấy chốc không còn thấy bóng dáng con người nữa, chỉ có một màu xanh nguyên thủy, bạt ngàn ngự trị trái đất này.

BÙI MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”
Return to top