ClockChủ Nhật, 23/08/2020 18:00

Duyên nợ với sân khấu truyền thống

TTH - Ba năm liên tiếp từ 2018 đến 2020, nghệ sĩ Phạm Thị Lệ (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế) đoạt HCV tại các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Đây là thành tích không nhỏ với một người nghệ sĩ.

Giữ “lửa” cho sân khấu truyền thốngTôn vinh sân khấu truyền thống

Nghệ sĩ Phạm Thị Lệ với vai Thụy Vân trong vở tuồng “Trò đời nghiệt ngã”

Lần đầu tiên đảm nhận vai chính, vai diễn Thụy Vân trong vở tuồng “Trò đời nghiệt ngã” do Hội Nghệ sĩ Sân khấu dàn dựng đã mang đến cho nghệ sĩ Phạm Thị Lệ HCV tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc năm 2018 được tổ chức tại Quảng Ngãi. Lấy bối cảnh xã hội phong kiến, nhưng vở tuồng “Trò đời nghiệt ngã” lại kể chuyện đời trong xã hội hiện nay. Con người vì lòng tham, bị đồng tiền, quyền lực chi phối mà xói mòn đạo đức, gây ra những trò đời nghiệt ngã, oan khiên.

Trong xã hội đầy rẫy những đố kỵ ấy, Thụy Vân là một cô gái hiền lành, nhân hậu. Vượt qua tất cả khổ đau, bất chấp sự ngăn cấm của gia đình để chung thủy với tình yêu, chờ đợi người yêu của mình là Phùng Ngọc đang trong cảnh lao tù vì nhận tội thay cha. Với nghệ sĩ Phạm Thị Lệ, Thụy Vân là vai diễn đầu tiên chị được đảm nhận vai chính nên khá áp lực, thế nên, chị dành khá nhiều thời gian trau dồi, tập luyện. Đứng trên sân khấu, chị luôn tâm niệm mình là Thụy Vân chứ không phải là Lệ, để có thể vào vai thật “ngọt”.

Vai Mơ do chị đảm nhận trong vở “Tình trong mơ” (do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế dàn dựng) cũng là vở diễn để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Đây là câu chuyện tình yêu sâu sắc, đầy ngang trái của đôi trai gái, vượt qua những định kiến, sự cấm cản của lệ làng để sống chết trọn vẹn với tình yêu. Không chỉ giúp nghệ sĩ Phạm Thị Lệ thể hiện trọn vẹn các kỹ năng hát, múa và biểu diễn trong nghệ thuật tuồng, vai diễn này cũng lấy nhiều nước mắt của chị, tiếp tục mang về cho chị HCV tại Liên hoan Tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2019.

Nghệ sĩ Phạm Thị Lệ với vai Mơ trong vở "Tình trong mơ"

Mới đây, tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ công an Nhân dân”, Phạm Thị Lệ tiếp tục giành HCV với vai diễn đại úy Hằng trong vở ca kịch “Chuyên án Z1” do Hội Nghệ sĩ Sân khấu tỉnh dàn dựng. Tác phẩm đề cập đến cuộc chiến chống ma túy của lực lượng công an trong bối cảnh cả nước đang căng mình chống đại dịch COVID-19. Vì nhiệm vụ, Hằng và Kiên đành gác lại đám cưới để cùng tham gia vào chuyên án Z1, triệt phá nhóm tội phạm ma túy. Cuối cùng, trong cuộc chiến chống tội phạm, Kiên, người yêu của cô đã anh dũng hy vinh, dang dở mối duyên chưa trọn với Hằng. Mất đi người đồng đội hết mực yêu thương nhưng đại úy Hằng vẫn luôn tự hào về công việc của mình, sẵn sàng hy sinh thầm lặng để giữ sự bình yên cho xã hội.

Với nghệ sĩ Phạm Thị Lệ, vai diễn đại úy Hằng là một trải nghiệm đầy mới mẻ và khá mạo hiểm khi chị vốn là diễn viên tuồng lại diễn vai chính trong một vở ca kịch. Chị bộc bạch: “Tiếp cận loại hình nghệ thuật ca kịch là điều rất khó với diễn viên tuồng. Nếu tuồng là sự kết hợp giữa diễn xuất, hát và vũ đạo thì với ca kịch, tôi phải tập thả lỏng toàn bộ cơ thể, từ nét mặt đến động tác, tay chân… Ban đầu cũng rất khó khăn nhưng nhờ các nghệ sĩ ca kịch dìu dắt từng động tác, lời ca, tiếng hát… tôi cũng diễn tròn vai. Lúc nhận vai này, tôi cũng ngại ngần nhưng vì quá thích hình tượng nữ chiến sĩ công an Nhân dân, nhân vật lại rất hợp tính cách của mình nên tôi chấp nhận thử thách. Đây cũng là vai diễn đầu tiên tôi thử sức với loại hình ca kịch nên khá bất ngờ khi đạt HCV”.

Quê ở Quảng Bình, tốt nghiệp trung học phổ thông, Phạm Thị Lệ đăng ký vào học tại Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế với ước mơ trở thành ca sĩ. Nhưng rồi duyên nợ đưa chị đến với sân khấu truyền thống, gắn bó với nghệ thuật tuồng và múa hát cung đình Huế. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng múa hát cung đình, tuồng Huế khóa đầu tiên, Phạm Thị Lệ vào công tác tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế đến nay đã 17 năm. Đảm nhận rất nhiều vai diễn từ nhỏ đến lớn, chị được trải qua quá trình trau dồi, cọ xát với nghề, vừa làm vừa học hỏi để có kinh nghiệm, rèn luyện bản lĩnh sân khấu.

Gắn bó với nghề, sân khấu truyền thống nói chung và nghệ thuật tuồng nói riêng ngày càng “thấm” vào người chị. Càng diễn càng đam mê, Phạm Thị Lệ chia sẻ: “Mỗi khi đứng trên sân khấu, tôi không còn là Phạm Thị Lệ ngoài đời nữa mà sống trọn vẹn cuộc đời của nhân vật, từ hình thức, dáng đi, điệu bộ, cách hát, giọng nói, từng động tác, cử chỉ đến nội tâm nhân vật. Diễn tuồng rất khó, đòi hỏi kỹ thuật và sức khỏe mới có thể kết hợp cả diễn, múa và hát, nhất là các vở tuồng cổ đòi hỏi phải vũ đạo nhiều”.

Chưa được đảm nhiệm nhiều vai chính, nhưng cả ba vai chính của Phạm Thị Lệ đều liên tiếp đạt HCV từ năm 2018 đến 2020, là thành tích không nhỏ với một người nghệ sĩ. Mỗi lần nhận vai, chị nghiên cứu kịch bản rất kỹ và dành nhiều thời gian tập luyện để vào vai tự nhiên nhất. Thành công của chị không thể không nói đến sự hỗ trợ không nhỏ của ông xã chị: đạo diễn, NSƯT La Thanh Hùng, người đã hướng dẫn, dìu dắt chị trong từng vai diễn.

Với nghệ thuật truyền thống, chỉ có tình yêu, niềm đam mê mới có thể gắn bó trọn vẹn với nghề, nhất là trong bối cảnh khó khăn của sân khấu như hiện nay. Tâm niệm điều đó, nghệ sĩ Phạm Thị Lệ luôn muốn dành tất cả tâm huyết cho sân khấu, cố gắng học hỏi những đàn anh, đàn chị đi trước, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để tiếp tục được tỏa sáng trên sân khấu, cống hiến cho nghệ thuật đến khi không còn sức lực.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ

Tại buổi gặp các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành sớm cơ chế, chính sách cho đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh để động viên, khuyến khích cho những công hiến, tài năng của các nghệ sĩ.

Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ
Đón Tết muộn

Dịp tết Nguyên đán, nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức để mang đến cho mọi người không khí vui tươi của năm mới; trong đó, không thể không nói đến sự cống hiến của các nghệ sĩ. Biểu diễn xuyên Tết phục vụ khán giả, năm nào họ cũng đón Tết muộn.

Đón Tết muộn
Kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam

Ngày 26/9, tại nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội nghệ sĩ Sân Khấu Thừa Thiên Huế tổ chức kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch).

Kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam
Những nghệ sĩ đường phố

Bỗng xa xa, không biết từ đâu một giọng ca da diết, đong đầy tình cảm cất lên, ca khúc “Duyên phận” của nhạc sĩ Thái Thịnh, ngọt ngào đến nỗi tôi ngỡ chủ quán đang bật đĩa hát.

Những nghệ sĩ đường phố

TIN MỚI

Return to top