ClockThứ Tư, 09/12/2020 07:30

Gìn giữ các yếu tố gốc trong trùng tu đàn Nam Giao

TTH - Để hoàn thiện các bước chuẩn bị cho quá trình trùng tu đàn Nam Giao, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, cộng đồng người dân về phương án thiết kế thi công dự án bảo tồn, tu bổ di tích đàn Nam Giao.

Tập huấn trực tuyến về công tác tư tưởng - văn hoá, văn nghệ

Đàn Nam Giao sẽ được trùng tu để bảo tồn và phát huy giá trị. Ảnh: MH

Dự án đầu tư “Bảo tồn, tu bổ di tích đàn Nam Giao” (giai đoạn 1) được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 10/2018. Dự án có tổng kinh phí gần 24 tỷ đồng, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư và thực hiện trong vòng 5 năm. Theo quyết định được phê duyệt, trong giai đoạn 1, dự án sẽ tập trung tu bổ, bảo tồn công trình Trai Cung chính điện; hệ thống tường thành, cổng, sân nền khuôn viên Trai Cung và la thành hai mặt Đông, Tây; thiết kế mới hệ thống điện chiếu sáng và tôn tạo cảnh quan sân vườn...

Với công trình Trai Cung chính điện, dự án sẽ tháo dỡ toàn bộ nền lát gạch hiện trạng; cân chỉnh, gia cường toàn bộ chân đá tảng, lát lại nền gạch Bát Tràng, trát vữa xi măng… Với phần hệ khung gỗ, hạ giải toàn phần, tu bổ gia cố toàn bộ hệ khung gỗ, thay thế các cấu kiện bị mục nát không đảm bảo kết cấu, thay thế hệ mái không đảm bảo chất lượng kết cấu; phục hồi mái lợp ngói liệt hoàng lưu ly…

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đàn Nam Giao là công trình kiến trúc độc đáo, quan trọng của hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế, là đàn tế duy nhất còn tồn tại tương đối nguyên vẹn và có quy mô lớn nhất so với các đàn tế cổ ở Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Trải qua hơn 200 năm, đàn Nam Giao đã bị hủy hoại khá nghiêm trọng. Dù đã được trùng tu một số hạng mục nhưng công trình vẫn chưa được bảo tồn, trùng tu hoàn chỉnh. Mục tiêu của dự án “Bảo tồn, tu bổ di tích đàn Nam Giao” nhằm gìn giữ các yếu tố gốc, gia tăng tuổi thọ, tính bền vững công trình; phát huy giá trị di tích và đảm bảo an toàn theo Luật Di sản.

Để góp ý cho cho dự án, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nghệ nhân, nhà nghiên cứu về phương án thiết kế công trình. Theo đánh giá của TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, hồ sơ phương án thiết kế thi công dự án bảo tồn, tu bổ di tích đàn Nam Giao được đơn vị chủ đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn chuẩn bị nghiêm túc, khoa học, thể hiện quá trình nghiên cứu, tìm hiểu công phu, kế thừa kết quả khai quật khảo cổ học và sử dụng nguồn tư liệu tin cậy, đảm bảo yêu cầu của một hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích.

Lãnh đạo tỉnh, Nguyễn Phước tộc và đông đảo dân chúng tham gia lễ tế Nam Giao được phục hiện tại các kỳ Festival Huế. Ảnh: HK

Ông Hải đề nghị, không đưa hạng mục trùng tu phục hồi thích nghi la thành phía Đông vào trong giai đoạn 1 của dự án vì cần bổ sung kết quả nghiên cứu khảo cổ học và thực hiện điều chỉnh quy hoạch; nghiên cứu bổ sung các căn cứ khoa học cho phương án thiết kế một số chi tiết trang trí ở công trình điện chính Trai Cung; bổ sung phương án quy hoạch chi tiết hệ thống cảnh quan và cây xanh ở khu vực Trai Cung; xây dựng một dự án riêng để nghiên cứu về nội thất công trình, các hiện vật, tài liệu và phương án trưng bày, hệ thống bảng biển thuyết minh giới thiệu về công trình… nhằm tạo điều kiện khai thác, phát huy hiệu quả tốt nhất di tích đàn Nam Giao sau khi được trùng tu, phục hồi.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, dự án đã khai thác nhiều tư liệu, hình ảnh liên quan đến đàn Nam Giao. Di tích này trải qua nhiều biến động và phương án thiết kế kiến trúc chọn phục hồi đàn Nam Giao như nó tồn tại vào thời kỳ 1936-1945 là hợp lý nhất. Dự án cần đưa bình phong của Giao Đàn vào tu bổ, bởi la thành phía Đông dù không còn nhưng bình phong phía Đông là dấu tích nguyên gốc quan trọng xác định vị trí La thành phía Đông. Ngoài ra, nên sửa lại mẫu cổng sắt bảo vệ phù hợp hơn với di tích cung đình Huế. Ông Hoa cũng kiến nghị UBND tỉnh bổ sung dự án điều chỉnh đường Tam Thai ra ngoài khu vực di tích đàn Nam Giao để có thể đưa hạng mục tu bổ, phục hồi la thành và cổng phía Đông vào giai đoạn 2 của dự án.

Với dự án này, tháng 2/2020, Cục Di sản văn hóa đã có văn bản thỏa thuận thiết kế bản vẽ thi công bảo tồn, tu bổ di tích đàn Nam Giao giai đoạn 1. Cục Di sản văn hóa lưu ý, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần tiếp tục nghiên cứu giải pháp thiết kế hàng rào và lối vào phía Đông (thuộc Giao Đàn) di tích đàn Nam Giao; không phục hồi thích nghi tường la thành phía Đông và cổng phía Đông theo mẫu tường, cổng hiện có tại khu vực khác vì hiện nay chưa phát lộ được vị trí gốc của các hạng mục này. Đồng thời, yêu cầu trung tâm bổ sung tư liệu củng cố cơ sở phục hồi bình phong tường thành nội và cổng hậu; bổ sung thiết kế nhà bao che phục vụ thi công tu bổ di tích và chỉnh sửa thống nhất phương hướng tại các bản vẽ mặt bằng tổng thể.

Được vua Gia Long cho xây dựng từ năm 1806, đàn Nam Giao là một tổ hợp các công trình kiến trúc gồm Giao Đàn, Trai Cung, Thần Trù và Thần Khố. Vào thời Nguyễn, đàn Nam Giao là nơi các vua tổ chức lễ tế trời đất vào mùa xuân hàng năm, riêng từ năm 1890 trở về sau thì cứ 3 năm cử hành một lần. Kiến trúc độc đáo của Đàn tế và nghi thức của Lễ tế Giao triều Nguyễn là một nét văn hóa cung đình độc đáo và đặc sắc dưới thời kỳ quân chủ, chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa cùng giá trị nhân văn độc đáo.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cẩn trọng trong trùng tu Điện Thái Hòa

Là công trình di tích nổi tiếng và quan trọng bậc nhất ở khu vực Hoàng cung Huế, việc trùng tu công trình điện Thái Hòa được tiến hành cẩn trọng.

Cẩn trọng trong trùng tu Điện Thái Hòa
Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang

Công tác đoàn và phong trào thanh niên trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã có bước phát triển toàn diện cả chiều rộng, lẫn chiều sâu; thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang
Xuân trong vườn Huế

Người ta hay nói Huế như một khu vườn xanh lá trữ tình. Khi mùa xuân đến, cả không gian vườn Huế thơm dịu dàng hương hoa thoảng bay. Bấy giờ, hoa không chỉ là hoa, hoa còn là ánh bình minh xán lạn đầu ngày, hoa ẩn trong cánh én tin xuân, hoa cưỡi trên cánh bướm khoe hương, khoe sắc, hoa cất lời hòa tiếng chim trong trẻo trên cành… Những cung bậc hoa xuân ấy, nếu tinh tế lắng nghe, sẽ nhận ra có những vang động khác nhau từ các kiểu thức vườn…

Xuân trong vườn Huế
Điện Kiến Trung trước ngày mở cửa

Tết Nguyên đán Giáp Thìn này, điện Kiến Trung sẽ chính thức mở cửa đón khách. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế kỳ vọng, cung điện này sẽ là điểm đến thú vị và hấp dẫn du khách khi tham quan khu di sản Hoàng cung Huế.

Điện Kiến Trung trước ngày mở cửa
Return to top