ClockThứ Hai, 23/08/2021 06:30

Gọi vốn đầu tư: Giải pháp khôn ngoan cho doanh nghiệp khởi nghiệp

TTH - Vốn được xem là yếu tố quyết định hiện thực hóa các dự án (DA) đầu tư. Ngoài nguồn vốn tự có thì gọi vốn từ các nhà đầu tư (NĐT) hay các quỹ được cho là ý định khôn ngoan của các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp.

Cơ hội để khởi nghiệp sáng tạo ở Cố đôKhởi nghiệp với cây dược liệu bản địaHai dự án gọi vốn thành công

Sản phẩm hoa Atiso đỏ được giới thiệu tại hội chợ hàng nông sản huyện Phong Điền (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát). Ảnh: MT

Cần ý tưởng thực tế

Trong một hội thảo do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh tổ chức với chủ đề “Các nguồn vốn hỗ trợ DN và quản trị dòng tiền hiệu quả”, một bạn trẻ chia sẻ: Bạn muốn khởi nghiệp nhưng gia đình cũng như bạn bè không có điều kiện hỗ trợ và ngay cả bản thân bạn cũng không có tài chính để thực hiện ý tưởng. Bạn rất muốn nhận hỗ trợ vốn từ các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp hay các NĐT để hiện thực hóa ý tưởng.

Tuy nhiên khi được hỏi về ý tưởng mà bạn đang ấp ủ, bạn này chỉ đưa ra những thông tin mơ hồ về ý tưởng như xây dựng trang trại gắn với cửa hàng thực phẩm sạch mà chưa xác định được sản phẩm chủ lực sẽ đầu tư, vị trí đầu tư và những kỳ vọng trong tương lai.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Quỹ AIO, thành viên HĐQT Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Thừa Thiên Huế chia sẻ tại hội nghị xây dựng kết nối mạng lưới NĐT khởi nghiệp sáng tạo khu vực miền Trung: “Khi bạn có một ý tưởng trong đầu, có thể ý tưởng đó bạn cho rằng mới, là đột phá, tuy nhiên đó vẫn chỉ bánh vẽ bởi thực tế các ý tưởng đó đã được rất nhiều người, DN triển khai. Bạn muốn tạo được sự khác biệt hay ưu thế thì việc cần làm là phải biến ý tưởng đó trở thành khả thi bằng cách hiện thực hóa ý tưởng, tìm kiếm khách hàng và phát triển thị trường tiềm năng”.

Bởi từ ý tưởng đến thực tế là cả một quá trình và hầu hết các DN khởi nghiệp thất bại vì quá “ảo tưởng” vào sản phẩm của mình và cách thức đưa sản phẩm ra thị trường thiếu thực tế.

Muốn gọi vốn thành công, việc đầu tiên mà một DA cần có là nguồn vốn ban đầu hay vốn tự có huy động từ bản thân, bạn bè để hiện thực hóa ý tưởng và có được sản phẩm/thị trường phù hợp (gọi là quỹ hạt giống) hay khi DN đã thành hình và trên đà tăng trưởng. NĐT sẽ muốn biết liệu sản phẩm có phù hợp với thị trường, và có khả năng tăng trưởng thật sự hay không. Vì vậy, nếu bạn muốn gọi vốn phải tìm ra được tiềm năng thị trường và khách hàng mục tiêu của mình; đưa ra được kế hoạch kinh doanh khả thi và mục tiêu chiến lược của DN, KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) cho các giai đoạn tiếp theo của DA/DN. Các NĐT chỉ sẵn sàng chi tiền khi họ thật sự bị thuyết phục, vì thế, các nhà sáng lập chỉ nên gọi vốn khi bạn có thể kể câu chuyện của riêng mình.

Dự án sản xuất và chế biến sản phẩm từ Atiso đỏ được đầu tư 1 tỷ đồng (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát)

Kết nối nhà đầu tư với doanh nghiệp

NĐT và vốn đầu tư là một thành phần quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngoài việc cung cấp vốn cho DN khởi nghiệp trong các giai đoạn phát triển, NĐT còn có vai trò cố vấn quan trọng cho DA khởi nghiệp về các vấn đề chuyên môn.

Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế (thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển tỉnh) triển khai rất nhiều chương trình gọi vốn đầu tư dành cho DN và DA khởi nghiệp (Hue Pitching). Năm 2019, Viện đã triển khai các chương trình gọi vốn tập trung dành cho 12 DN và DA khởi nghiệp và có 2 DA được quỹ đầu tư và NĐT cá nhân chấp nhận đầu tư; 3 DA được các NĐT cam kết đồng hành trong xây dựng thương hiệu. Hiện, các DA được đầu tư đều có bước phát triển ổn định.

Và trong phiên gọi vốn cho DN và DA khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hue – Pitching 2021 được tổ chức trong tháng 7 vừa qua, có 2 DA được NĐT chấp nhận đầu tư ngay trong phiên gọi vốn. Trong đó, DA sản xuất và chế biến sản phẩm từ Atiso đỏ của Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại và dịch vụ Hichagol được Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo hỗ trợ vốn 1 tỷ đồng; DA trồng và chế biến thảo dược thiên nhiên của hộ kinh doanh Tà Rương Mão được NĐT cá nhân hỗ trợ với số vốn 300 triệu đồng. Ngoài hỗ trợ về vốn, các NĐT, quỹ đầu tư còn cam kết sẽ hỗ trợ các DA về phát triển nhân lực, mở rộng thị trường, nguyên liệu… Đây là “chìa khoá vàng” giúp DA khởi nghiệp đi nhanh - tiến chắc.

Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế thông tin, các DN mới khởi sự đều mong muốn nhận được khoản đầu tư tốt để phát triển ý tưởng và công việc kinh doanh. Tuy nhiên, vốn không phải là tất cả, bởi điều quan trọng nhất của DN khi được đầu tư còn nhiều hơn thế. Các NĐT đều có các mối quan hệ, kinh nghiệm thương trường... điều này có giá trị không kém so với số tiền đầu tư vào các start-up. Họ sẽ là kênh tư vấn hỗ trợ chiến lược và chiến thuật trong kinh doanh, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xây dựng hình ảnh sản phẩm dịch vụ và công ty.

Thông thường khi một quỹ đầu tư vào start-up, bao giờ cũng sẽ cắt cử nhân sự tham gia tư vấn và hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bởi đây là điểm yếu của hầu hết các start-up. Tiếp cận được nguồn nhân sự tài năng của các quỹ hay tìm kiếm sự hỗ trợ và lời khuyên từ các nhân sự dày dạn kinh nghiệm từ các quỹ đầu tư là cách giúp DN tự khẳng định mình.

Ông Nguyễn Đình Hưng lưu ý, để gọi vốn thành công ngoài các kỹ năng, kiến thức cơ bản chuyên sâu trong lĩnh vực mình cần gọi vốn, các DN cần có một ý tưởng tốt, ít nhất được người thân, bạn bè đánh giá có tính khả thi, ý tưởng rõ ràng và tốt nhất nên có sản phẩm cụ thể. Khoanh vùng mảng cần vốn để đầu tư theo thứ tự ưu tiên, vì bạn không phải chỉ cần một NĐT trong quá trình kinh doanh mà có thể kêu gọi nhiều NĐT cho 1 lĩnh vực cụ thể. DN cần gọi vốn phải có kế hoạch kinh doanh hấp dẫn, có lộ trình, chiến lược cụ thể cho từng giai đoạn cùng với đó là kế hoạch hoàn trả vốn vay/góp cho NĐT.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top