ClockThứ Năm, 02/07/2020 14:15

Hai cửa vòm ở Đông Thành Thủy Quan là cửa đặt đại pháo

TTH.VN - Trưa 2/7, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, qua nghiên cứu các nguồn tư liệu, nhất là với ảnh bản đồ và mô tả cụ thể của Ardant du Picq, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẳng định, hai cửa vòm Nói trên là hai đại pháo môn (cửa đặt đại pháo) của Đông Thành Thủy Quan.

Ý nghĩa hai chiếc cổng trong hệ thống phòng thủ Kinh thành HuếXuất lộ hai chiếc cổng độc đáo trên Thượng Thành

Hữu đại pháo môn mặt ngoài Đông Thành Thủy Quan

Hai đại pháo môn mà Cadière gọi tên là cửa tả và cửa hữu của Đông Thành Thủy Quan này cùng 13 pháo môn (dạng lỗ tròn) trên lan can của cầu Lương Y (tức Đông Thành Thủy Quan) đã tạo thành 15 pháo môn – lá chắn quân sự bảo vệ khu vực này, tạo nên một hệ thống phòng thủ khá chắc chắn cho một phần khu vực Đông Bắc Kinh thành Huế. Đấy cũng chính là tầm nhìn phòng thủ quân sự quan trọng của triều Nguyễn khi xây dựng hệ thống phòng thủ ở Kinh sư.

Qua nghiên cứu sử liệu triều Nguyễn về các thông tin về chức năng phòng thủ, thì Đông Thành Thủy Quan có 13 pháo môn ở phía trên (Ngự chế ngự hà bi ký), hoặc có các đại pháo xưởng môn (ở Đại Nam nhất thống chí). Trong quá trình tìm hiểu, Phòng Nghiên cứu Khoa học thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phát hiện trong Châu bản triều vua Tự Đức, vào năm Tự Đức thứ 22 (1869) có một Châu bản đề cập một số vấn đề thú vị liên quan đến Đông Thành Thủy Quan.

Cụ thể, tại Châu bản triều Nguyễn, mục Tấu của Khoa đạo Phạm Tự Cường về việc binh lính Đông Thành Thủy Quan chậm trễ mở cửa để thuyền Ngự đi qua: “Ngày 8 tháng này, khâm phụng ngự giá thăm Thuận Trực, chiều ngày hôm qua hồi loan, thần có theo hầu, ước giờ Dậu về đến bến bình ổn. Trong khi đó, thấy vệ úy vệ Long Thuyền Đỗ Viết Để đến truyền báo Chánh sứ Hộ sứ Trần Văn Đạo, Phó sứ Nguyễn Hữu Thường cùng các viên biền thủ hộ rằng: nay thuyền Ngự về bến bình ổn, vì vậy cửa Thủy quan phía Đông thành (Đông Thành Thủy Quan) hãy sức canh giữ cẩn thận, nhưng mở để đợi khi nào thuyền Ngự đến sẽ bắn pháo. Hai viên đó theo lệ đóng cửa mới được 6 tấm, thì thấy Cung giám Trần Xứng đến truyền sắc, cũng như các điều Vệ úy Đỗ Viết Để đã nói. Lúc đó còn lại 3 tấm, bọn họ vẫn đem đóng lại. Cửa cấm là nơi cơ nghiêm, bọn họ có chức trách giữ gìn, lần đó không chịu nghe theo lời 1 phía do Đỗ Viết Để truyền bảo, cứ theo lệ đóng lại cũng là sự thận trọng. Nhưng tiếp đó, Cung giám Trần Xứng đến truyền Dụ, bọn họ cũng không tuân theo. Cứ đợi khi thuyền Ngự đến mới bảo mở, dẫn đến phải chờ đợi rất lâu ở bên ngoài, thật là không hợp...” (Bản tấu này biên soạn ngày 12 tháng 08 năm Tự Đức thứ 22 (1869) thuộc quyển Tự Đức 208, tờ số 53 đã dịch tóm tắt bản tấu được lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia).

Tả đại pháo môn mặt ngoài Đông Thành Thủy Quan

Châu bản này cho thấy, trong các nhiệm vụ được giao, quân lính Phụng Hộ sứ ở Đông Thành Thủy Quan có chức năng bắn pháo hiệu để mở áp quan (cửa cống) khi có thuyền Ngự đi qua. Cùng đó, việc chậm trễ mở cửa cống của binh lính vì “cửa cấm là nơi cơ nghiêm”, phải bắt thuyền Ngự đợi lâu bị trách phạt rất nghiêm. Điều đó càng khẳng định vị thế trọng yếu của các đơn vị quân lính đóng binh bảo vệ khu vực Đông Thành Thủy Quan.

Theo Phòng Nghiên cứu Khoa học, cách viết sử triều Nguyễn theo hình thức biên niên nên chỉ có thông tin mang tính giới thiệu khái quát bằng vài nét cơ bản về Đông và Tây Thành Thủy Quan, thì nguồn tư liệu của Phương Tây bằng tư duy phân tích hiện đại và được khảo sát thực tế nên đã đề cập khá chi tiết về hệ thống phòng thủ tại Đông Thành Thủy Quan.

Ghi nhận số cửa bắn đại bác (pháo môn) và địa điểm tọa lạc của hai cửa vòm ở Đông Thành Thủy Quan, trong mục IV- Le Tracé (Án đồ) ở bài viết “LES FORTIFICATIONS DE LA CITADELLE DE HUE” (Những đồn lũy của Kinh thành Huế) đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hue (BAVH), N03, 1924, Ardant du Picq, cho biết: Cống Đông Thành Thủy Quan không đục trong lũy thành nhưng xây ở sau, như một cầu bình thường, trong trục của lũy thành. Trước cống, lũy thành bị cắt ngang hoàn toàn bởi lỗ trống lớn rộng đến 84,20m để cho hai đường bờ hào (rộng 8,6m) và con ngòi Ngự Hà (rộng 67m) chảy qua. Hai đường bờ hào ấy bị tường chắn cao 4,20m đến 4,45m, bức tường trụ xây khoét trong mỗi vòm, ngày nay là cửa, xếp theo chiều dài của bờ ngòi cho đến cầu, trên một chiều dài 21m tương ứng với toàn chiều dài của lũy thành.

Trong mỗi một tường cụt hình chữ nhật hình thành trên bờ hào ở chữ cắt của lũy thành giữa nó và con ngòi, một mảnh đất bằng có thể đặt một khẩu đại bác bắn qua lỗ vòm. Mười lăm khẩu đại bác, trong đó hai ở trên hào và 13 trên cầu, có thể phòng thủ chỗ hổng của lũy thành... (Trích theo bản dịch của Phan Xưng ở sách "Những người bạn cố đô Huế", tập XI (năm 1924), NXB Thuận Hóa, Huế, 2002, trang 331-332).

Châu bản triều vua Tự Đức (1869) ghi chép việc bắn pháo và mở cửa cống Đông Thành Thủy Quan khi thuyền Ngự của vua đi qua. Ảnh TL: TTBTDTCĐ Huế

Qua các dẫn liệu trên, đặc biệt là tài liệu “LES FORTIFICATIONS DE LA CITADELLE DE HUE” (Những đồn lũy của Kinh thành Huế) năm 1924 của Ardant du Picq, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẳng định, các cửa pháo (pháo môn) ở Đông Thành Thủy Quan gồm 15 chiếc, trong đó có 13 pháo môn hình tròn ở trên thành cống và 2 pháo môn - cửa đặt đại pháo ở hai bên mặt thành của Đông Thành Thủy Quan hiện nay.

Theo Phòng Nghiên cứu Khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế: "Đông Thành Thủy Quan được vua Minh Mạng cho xây dựng kiên cố trên nền tảng chiếc cầu gỗ Thanh Long có từ thời vua Gia Long (1806) và chức năng, công năng sử dụng của nó cũng thay đổi - trở thành một trong hai cống sập trọng yếu trong hệ thống Thủy lộ của Kinh thành (tức chức năng của nó quan trọng hơn nhiều so với công năng giao thông đi lại của chiếc cầu gỗ Thanh Long cũ).

Công năng quan trọng của Đông Thành Thủy Quan, nhất là vai trò phòng thủ, bảo vệ một phần mặt Đông Bắc của Kinh thành Huế được sử liệu triều Nguyễn nói ngắn gọn, khái quát; song lại được miêu tả, nhận định khá chi tiết trong các bài viết về Kinh thành Huế của người Phương Tây vào đầu thế kỷ XX.

Đông Thành Thủy Quan là vị trí chiến lược đặc biệt trong tổng thể bảo vệ của Kinh thành Huế. Đây là tuyến thủy lộ quan trọng, đặc biệt canh giữ nghiêm ngặt khi thuyền Ngự đi ra khỏi thành để bắn pháo hiệu. Với vị thế chiến lược bảo vệ quan trọng như vậy nên hệ thống pháo môn được dựng lên dày đặc như được mô tả qua các nguồn thư tịch. Hàng năm được nạo vét và tu sửa thường xuyên, điều này được ghi chép lại rất cụ thể trong Châu bản thời vua Tự Đức tu sửa điếm canh trên Thượng thành.

Thông tin từ châu bản còn cho biết, vào triều vua Minh Mạng, các vị tân tiến sĩ sau khi được ban yến tiệc, thăm các khu vườn Thượng uyển xong đội mũ, cưỡi ngựa đi về phía đông Kinh thành chiêm ngưỡng nhìn ngắm cảnh đẹp và là vị trí chiến lược bảo vệ Kinh thành phía biển Đông rất quan trọng nên mặt này ngoài hệ thống phòng thủ Kinh thành, còn có Trấn Bình Đài, Trấn Hải Thành...".

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa di sản Huế ra thế giới

Sự kiện ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế và Global Book Corporation mới đây đã mở ra một chương mới cho việc quảng bá di sản văn hóa Huế tới bạn bè quốc tế.

Đưa di sản Huế ra thế giới
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Ra mắt Website Quỹ Bảo tồn Di sản Huế

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế vừa ra mắt website Quỹ Bảo tồn Di sản (BTDS) Huế - quydisanhue.vn. Website Quỹ BTDS Huế là nơi cung cấp toàn diện, đầy đủ và tập trung các thông tin về Quỹ đồng thời là địa chỉ công khai và duy nhất trên môi trường mạng trong việc kêu gọi và tiếp nhận mọi sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức dành cho Quỹ BTDS Huế.

Ra mắt Website Quỹ Bảo tồn Di sản Huế
Bảo vệ di sản quý báu của dân tộc trước nguy cơ mai một, biến mất

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành lấy ý kiến đóng góp xây dựng Hồ sơ Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Trong đó, nội dung hoàn toàn mới về di sản tư liệu nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc quản lý, bảo vệ và lan tỏa giá trị của loại hình di sản mới mẻ này.

Bảo vệ di sản quý báu của dân tộc trước nguy cơ mai một, biến mất

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top