ClockThứ Tư, 29/12/2021 15:36

Họ Đoàn làng Mỹ Lợi làm khuyến học

TTH - Thành lập Ban Khuyến học khuyến tài từ năm 2000, hơn 20 năm qua dòng họ Đoàn làng Mỹ Lợi (Vinh Mỹ, Phú Lộc) là một điểm sáng trong phong trào xây dựng dòng họ khuyến học của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Con, em trong độ tuổi đi học của dòng họ đều được động viên đến trường. Gia đình nào đông con, gặp khó khăn về kinh tế thì được Quỹ Khuyến học hỗ trợ một phần. Quá trình học tập và thi cử, con cháu nào lập được thành tích xuất sắc đều được Ban Khuyến học họ tuyên dương khen thưởng kịp thời. Thực hiện Quyết định số 281/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng” dòng họ Đoàn làng Mỹ Lợi càng tăng cường động viên, khuyến khích các thành viên phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, ra sức thi đua học tập.

Theo ông Đoàn Trần Hữu, Ban Khuyến học, họ Đoàn làng Mỹ Lợi đã xây dựng kế hoạch khuyến học, khuyến tài và đẩy mạnh phong trào “học tập suốt đời” theo từng giai đoạn, từng năm một cách chi tiết, giao cho Ban Khuyến học họ tộc phổ biến đến các gia đình thông qua các buổi sinh hoạt họ, chi phái. Đồng thời, theo dõi đôn đốc thực hiện và tổ chức tổng kết hằng năm vào ngày 20 tháng 6 âm lịch; tổ chức sơ kết giữa 2 giai đoạn, tổ chức hội thảo 5 năm một lần để đúc rút kinh nghiệm và tranh thủ ý kiến của chú bác, con cháu nội ngoại của hội khuyến học các cấp, của Ban Liên lạc họ Đoàn toàn tỉnh và đại diện các nhà trường trên địa bàn.

Qua 20 năm hoạt động, Ban Khuyến học dòng họ đã tuyên dương, khen thưởng cho 2.392 lượt con cháu có kết quả học tập, công tác tốt hay thành tích nổi bật; tuyên dương 7 gia đình học tập tiêu biểu, hỗ trợ học bổng cho 53 cháu học sinh nghèo vượt khó. Năm 2000, dòng họ mới chỉ có 1 người đỗ tiến sĩ, chưa có thạc sĩ, khoảng 30 người tốt nghiệp đại học. Đến nay, dòng họ có 28 thạc sĩ, 5 tiến sĩ và cả trăm người tốt nghiệp đại học. Số con cháu thành đạt ngày càng nhiều, tiêu biểu có Đoàn Chí Thắng, Tiến sĩ, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế; Đoàn Nhật Quang, Bác sĩ chuyên khoa II, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Hoài Nhơn (Bình Định); Đoàn Huấn, Tiến sĩ Công nghệ phần mềm…

Cuộc vận động học tập suốt đời của dòng họ Đoàn làng Mỹ Lợi đã tác động sâu sắc đến tinh thần học tập của các gia đình. Hiện nay, 100% con, em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, đặc biệt không có học sinh bỏ học giữa chừng. Phong trào cũng trở thành động lực khuyến khích các thành viên trong dòng họ Đoàn làng Mỹ Lợi tích cực nghiên cứu kiến thức về khoa học kỹ thuật, các mô hình kinh tế để áp dụng vào thực tiễn. Nhờ thế, hiện nay có rất nhiều chú bác, con cháu thành công trong các lĩnh vực: xây dựng, may mặc, chăn nuôi gia súc, thủy sản, trồng rau sạch…

Năm 2021, để góp phần thúc đẩy văn hóa đọc, dòng họ Đoàn đã huy động đóng góp xây dựng 1 tủ sách đặt ở từ đường với khoảng 250 đầu sách, gồm nhiều đề tài: lịch sử, truyền thống văn hóa, khoa học kỹ thuật, lịch sử dòng học Đoàn, địa chí làng Mỹ Lợi, gia phả dòng họ… Họ Đoàn là một trong 40 họ ở làng Mỹ Lợi, có lịch sử hình thành và phát triển hơn 450 năm. Theo phổ chí, ngài Thủy tổ họ Đoàn ở Mỹ Lợi là cụ Đoàn Văn Bài, xuất thân tại làng Lương Niệm (Thanh Hóa), là thành viên của đoàn quân “Nghĩa Dũng” tình nguyện theo chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa  (năm 1558). Đến nay, dòng họ đã trải qua 17 đời, con cháu luôn đoàn kết, yêu thương và có nhiều người thành đạt.

An Nhiên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Về làng “check-in”

Để quảng bá cảnh đẹp, thêm điểm vui chơi, giải trí, một số làng quê đầu tư cảnh trí đón khách về “check-in”.

Về làng “check-in”
Du lịch còn yếu khâu làm sản phẩm

Sau hàng chục năm phát triển, du lịch Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế vẫn còn yếu ở khâu làm sản phẩm. Điểm na ná nhau trong nhiều sản phẩm du lịch giữa các địa phương phần nào cho thấy sự bế tắc, đó được xem như “gót chân Achilles” trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch.

Du lịch còn yếu khâu làm sản phẩm
Vua Hàm Nghi ghé làng La Chử

Làng La Chử được vinh danh là một trong những ngôi làng văn vật của đất Thần kinh. Đường thiên lý Bắc - Nam trước giờ đều chạy ngang, mang đến cho ngôi làng nhiều điều bất ngờ, thú vị. La Chử là một làng cổ, có lẽ được thành lập vào đời Trần không lâu sau khi Ngự sử trung tán Đoàn Nhữ Hài vào kinh lý năm 1307.

Vua Hàm Nghi ghé làng La Chử

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top