ClockThứ Tư, 03/11/2021 14:12

Hỗ trợ người dân vùng cao bị ảnh hưởng do dịch COVID-19

TTH - Trước những tác động, ảnh hưởng do dịch bệnh, các ban, ngành, đoàn thể tại huyện A Lưới tập trung hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo, người thuộc nhóm yếu thế, người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Cán bộ xã Sơn Thủy đến tận nhà trao hỗ trợ cho người dân khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Tập trung hỗ trợ

Nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ, anh Trần Xanh (xã Sơn Thủy) không giấu được niềm vui. Anh cho biết: “Là gia đình hộ nghèo, đời sống gia đình càng khó khăn hơn khi dịch COVID-19 kéo dài. Hai người con đi làm ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương cũng bị ảnh hưởng. Khoản kinh phí hỗ trợ kịp thời phần nào giúp gia đình tôi trang trải, ăn uống, đỡ bớt một phần nỗi lo”.

Đến nay, tại huyện A Lưới đã có 223 hộ dân được phê duyệt và đang được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với kinh phí hơn 340 triệu đồng theo Quyết định 23 (23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021) của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 84 (84/NQ-HĐND ngày 26/8/2021) của HĐND tỉnh. Ông Hồ Văn Rêm, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện A Lưới cho biết, các đơn vị, địa phương đang tiếp tục rà soát các đối tượng trong diện được hỗ trợ nhằm đảm bảo tiến độ và hỗ trợ kịp thời trong thời gian tới. Kinh phí được cấp về các xã, thị trấn để tiến hành công tác hỗ trợ một cách nhanh nhất.

Theo đại diện các địa phương, công tác hỗ trợ kịp thời nhưng đảm bảo đúng đối tượng và các quy định của pháp luật. Bà Hồ Thị Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn A Lưới khẳng định, quy trình rà soát được tiến hành rất kỹ. Sau khi UBND thị trấn gửi công văn về các tổ dân phố, sẽ triển khai phổ biến đến người dân để đăng ký tại tổ dân phố. Các tổ dân phố họp soát xét rồi gửi danh sách lên UBND thị trấn để rà soát lại, sau đó gửi lên cấp thẩm quyền tham mưu, phê duyệt. Quy trình các bước cố gắng làm nhanh và công khai để người dân biết.

Không chỉ có nguồn hỗ trợ trên, từ tháng 8/2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam huyện đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ cho các công dân của A Lưới đi lao động tại các tỉnh, thành ở phía nam gặp khó khăn do dịch bệnh theo lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy. Bà Lê Thị Mai Loan, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện cho biết, đến cuối tháng 10/2021, đơn vị đã phối hợp các địa phương hỗ trợ cho 539 trường hợp (1 triệu đồng/trường hợp). Nguồn kinh phí hỗ trợ từ công tác xã hội hóa của UBMTTQ Việt Nam tỉnh và huyện. “Sắp tới, tại ngày hội đại đoàn kết, UBMTTQ Việt Nam huyện dự kiến phối hợp các ban, ngành, địa phương hỗ trợ quà (khoảng 1 triệu đồng/suất) cho các gia đình có người thân, con em đi lao động tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía nam bị ảnh hưởng do dịch”, bà Loan thông tin.

Theo ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện A Lưới, trước khó khăn do dịch COVID-19, bảo hiểm xã hội huyện đã tiếp nhận và giải quyết bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 và Quyết định 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Đến nay, có 133 người đã được tiếp nhận, giải quyết với số tiền hơn 307 triệu đồng và đang tiếp tục triển khai đến ngày 31/12.

Hỗ trợ giám sát y tế, tìm việc làm

Tại huyện A Lưới, điểm đặc biệt là đã kích hoạt 13 khu cách ly nhằm hỗ trợ công dân trở về địa phương thực hiện giám sát y tế, sau khi hoàn thành thời gian cách ly tập trung tại khu cách ly của tỉnh. “Nhiều gia đình còn khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất để cách ly, giám sát y tế tại nhà khó đảm bảo. Vì vậy, huyện thành lập các khu cách ly để công dân thực hiện giám sát y tế theo quy định. Người dân được hỗ trợ miễn phí nơi ở, được lo ăn uống. Nhờ cách làm này, tính đến ngày 1/11, có 24 công dân của huyện được phát hiện F0 nhưng đang giám sát y tế tại khu cách ly. Nếu giám sát y tế tại nhà mà điều kiện không đảm bảo, nỗi lo cho gia đình, cộng đồng sẽ lớn hơn”, đại diện UBND huyện A Lưới chia sẻ.

Các ban, ngành của huyện A Lưới cũng ráo riết tìm các phương án đào tạo nghề và tìm việc làm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt là trường hợp người dân đi lao động tại phía nam trở về. Ông Lê Ngọc Tĩnh, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết đang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để kết nối doanh nghiệp, xây dựng các phương án đào tạo nghề và tuyển dụng việc làm với người lao động tại A Lưới.

Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, qua nghiên cứu thị trường lao động và nhu cầu của người lao động ở A Lưới, kế hoạch về đào tạo nghề được hướng đến là nghề may và các nghề dịch vụ như chế biến món ăn, pha chế để người dân có thể tự kinh doanh hoặc làm việc ở các cơ sở tuyển dụng, ngoài ra còn có các ngành nghề khác đáp ứng hoạt động xuất khẩu lao động khi tình hình dịch ổn định. Riêng với tạo việc làm, đặc thù người dân A Lưới lao động cần đơn vị tuyển dụng đảm bảo việc ăn ở, tránh di chuyển xa do khoảng cách địa lý, nên đang phối hợp với Công ty Scavi Huế và một số đơn vị phù hợp.

Sắp tới, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các ngày hội tuyển dụng, tạo cơ hội để người lao động nắm bắt cơ hội việc làm.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống

Ngày 17/4, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai năm 2024 đến cán bộ các sở ban, ngành, tổ chức, đơn vị phòng chuyên môn thuộc tỉnh, thành phố, huyện, thị xã. Đến dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống
Nỗi niềm người dân làm du lịch

Dịch vụ du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế khi tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển đúng định hướng phát triển của tỉnh và xu hướng du lịch thế giới là chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu khách du lịch.

Nỗi niềm người dân làm du lịch
Return to top