ClockThứ Ba, 27/09/2022 11:06

Hoàn thành công tác di dời dân trước 15 giờ chiều nay

TTH.VN - Sáng 27/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ Tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và 8 địa phương khu vực Trung bộ và Tây Nguyên về công tác triển khai ứng phó với bão số 4 (bão Noru).

Cấm đường 71 lên rừng và các thủy điệnTạm dừng khai thác sân bay Phú Bài để phòng tránh bão NoruBão số 4 giật cấp 16, cảnh báo một số tỉnh miền Trung có mưa rất toVietnam Airlines điều chỉnh kế hoạch khai thác do ảnh hưởng của bão số 4Đại học Huế cho sinh viên nghỉ học từ 27 - 28/9 tránh bão

Tại buổi họp trực tuyến

Tại cuộc họp, Thủ tướng đã trực tiếp nghe báo cáo từ lãnh đạo các phường, xã.

Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì buổi họp trực tuyến cùng đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, những ngày qua, các địa phương đã hướng dẫn gần 58.000 tàu thuyền với khoảng 300.000 lao động di chuyển, tránh trú; gia cố, di dời 4.500 lồng bè thủy sản; lên kế hoạch và tiến hành sơ tán trên 100.000 hộ với gần 400.000 dân tại các vùng nguy cơ cao.

Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định rằng cách đây 16 năm, cơn bão Xangsane gây thiệt hại lớn về người và của ở miền Trung. “Chúng ta cần rà soát lại công tác phòng chống bão. Dự báo sau bão có hoàn lưu gây mưa to, nguy cơ sạt lở đất, nhất ở miền núi nên phải nghiên cứu, theo dõi vừa chống bão vừa phòng chống hoàn lưu sau bão. Bảo vệ tài sản, tính mạng Nhân dân ngay từ khi cơn bão chưa đổ bộ”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần triển khai nhanh như, khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú, kêu gọi ngư dân không đánh bắt trong những ngày này. Rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm. Bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản, bảo vệ học sinh, khách du lịch, bảo vệ di sản. Nhất là ứng phó với áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu bão, nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão…

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, theo dự báo của các cơ quan chức năng, cơn bão số 4 diễn biến phức tạp, tăng 2 cấp so với ngày hôm qua, cường độ mạnh, di chuyển nhanh trong khi khả năng ứng phó còn có những hạn chế. Do vậy, cần tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt nhất, đặt mục tiêu bảo đảm an toàn, tính mạng người dân lên trên hết.

Người dân Phú Vang di chuyển ghe thuyền lên bờ

Mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, đặc biệt là bảo vệ tính mạng người dân, cương quyết di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm. Trong đó hết sức chú ý bảo vệ các đối tượng yếu thế, học sinh, người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, người tàn tật, khách du lịch phải ở lại do bão…

Tại Thừa Thiên Huế, theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, toàn tỉnh có 2.062 phương tiện/11.350 lao động hoạt động khai thác thuỷ sản. Trong đó có 612 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, còn lại là thuyền bãi ngang, ven biển, ghe thuyền đầm phá. Đến nay toàn bộ tàu thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn.

Toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi, 12 hồ thuỷ điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3 (tổng công suất lắp máy là 459MW). Hiện nay mực nước các hồ chứa thuỷ lợi, thủy điện (dung tích đạt từ 20-30% tổng dung tích), các hồ đang vận hành đảm bảo an toàn. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã chỉ đạo tăng cường phát điện qua tuabin để đưa về mực nước mức thấp và sẵn sàng đón lũ.

UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế đã tiến hành rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn. Theo đó, sẽ tiến hành di dời 14.384 hộ với 47.417 khẩu đến các điểm di dời tập trung và qua các nhà kiên cố. Công tác tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn bắt đầu từ 9 giờ ngày 27/9 và hoàn thành trước 15 giờ ngày 27/9/2022.

Ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn trước thời điểm bão vào. Các khu chợ truyền thống tạm ngừng mua bán vào lúc 14 giờ và UBND tỉnh cũng thực hiện lệnh “cấm đường”, yêu cầu người dân không được ra đường từ 21 giờ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).

UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và TP. Huế, Trung tâm Công viên cây xanh triển khai cắt tỉa, gia cố cây xanh tại các khu đô thị. Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống điện và có phương án đảm bảo an toàn lưới điện. Đảm bảo cung cấp điện cho các Trung tâm chỉ huy: Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, bệnh viện,.. . khi bão đổ bộ, sa thải lưới điện toàn bộ để đảm bảo an toàn. 

Các lực lượng chức năng đã hỗ trợ nhân dân gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, công sở, các khu công nghiệp. Đảm bảo cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh, cố định cần cẩu đang thi công và hệ thống thông tin liên lạc, các cột anten trên địa bàn; hệ thống pano, áp phích.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Phương yêu cầu tập các địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất. Các ngành, địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu ngay giờ đầu.

Thời gian không còn nhiều nên đề nghị các địa phương cơ sở phải rà soát lại và tiếp tục triển khai ngay các công việc. Cương quyết di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, ven biển, cửa sông, nhà yếu không bảo đảm an toàn, nơi nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét.

“Trước mắt cần chú trọng công tác ứng phó bão, sau đó mới tính đến ngập lụt. Chúng ta đã có những kịch bản cho tình huống ngập lụt với lượng mưa lên đến 600mm. Do vậy, đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện công tác di dời dân hoàn thành trước 15 giờ chiều nay (27/9). Các địa phương, các lực lượng chức năng không được chủ quan lơ là, bố trí lực lượng bảo đảm an toàn để người dân yên tâm sơ tán, bố trí lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm, chuẩn bị y tế cho người dân”, Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, hồi 4 giờ ngày 27/9, tâm bão số 4 cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định khoảng 470km về phía Đông với sức gió cấp 14, giật cấp 16, tốc độ 20-25km/h. Bão di chuyển nhanh 20-25km/h, mạnh nhất đạt cấp 14-15, giật cấp 17. Đổ bộ các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định với gió cấp 12-13, giật cấp 14-15 vào rạng sáng 28/9, thời gian lưu bão ảnh hưởng đến đất liền khoảng 12 tiếng. Nhận định cơ quan chức năng bão số 4 tương tự về đường đi và cường độ bão Xangsane đầu tháng 10/2006 đổ bộ vào Đà Nẵng gây thiệt hại vật chất trên 10.000 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) phối hợp với các thủy điện thượng nguồn trong quá trình xả, điều tiết nước, chỉ đạo các trạm quản lý chặt các nguồn nước trên sông. Đồng thời, các đập, cống trên đê tiếp tục thực hiện các giải pháp điều tiết nước hợp lý tránh thất thoát nước trên các trục sông chính ra đầm phá.

Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn
Ứng phó hạn mặn đầu mùa khô

Nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp (SXNN), phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức nạo vét kênh mương, hệ thống thủy lợi, xây dựng lại cơ cấu cây trồng để thích ứng kịp thời trong điều kiện khô hạn và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho từng vùng đất.

Ứng phó hạn mặn đầu mùa khô
Return to top