ClockThứ Tư, 01/01/2020 14:57

Hồi sinh phòng tranh cố họa sĩ Tôn Thất Đào

TTH - Hàng chục tác phẩm hội họa của cố họa sĩ Tôn Thất Đào từng xuống cấp nặng nề, tưởng chừng khó cứu vãn nay đã được gia đình và những chuyên gia hỗ trợ đã phục hồi lại được phần nào.

Tác phẩm vẽ phong cảnh chùa Thiên Mụ của cố họa sĩ Tôn Thất Đào bị trộm

Mọi thứ như được hồi sinh trong niềm vui của con cháu, thế hệ học trò và những người yêu hội họa xa gần. Cố họa sĩ Tôn Thất Đào (1910-1979) tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, là con cháu hoàng tộc triều Nguyễn, hiệu trưởng đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế (nay là Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế).

Tìm kiếm, tái hiện những hiện vật gắn liền với sự nghiệp cố họa sĩ  Tôn Thất Đào

Hành trình

Nhiều năm về trước, những tác phẩm còn lại của cố họa sĩ Tôn Thất Đào xuống cấp nghiêm trọng bởi sự ẩm thấp của ngôi nhà cũng như cách bảo quản thiếu khoa học. Trước năm 2015, nhiều tác phẩm được đóng khung cùng với những bức phác thảo bị ẩm mốc, xuống cấp theo thời gian.

Không khó để nhận ra những bức tranh lụa vô cùng quý giá, như Núi Ngự, Chân dung cụ già (1946), Vườn xuân (1955), Phong cảnh thôn quê (1965)… đã xuống màu, các khung tranh bị bong tróc, rệu rã. Cạnh đó, số phận của hàng chục tác phẩm sơn dầu khác với đa dạng kích thước cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Rất nhiều chuyên gia nghệ thuật, những họa sĩ, người yêu tranh của vị họa sĩ tài danh khi đến thăm phòng tranh đều tỏ ra tiếc nuối. PGS. TS. Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế còn nhớ rõ sự xuống cấp, hư hỏng trầm trọng ấy và đã lên tiếng, bàn kế hoạch cùng gia đình tìm cách cứu vãn tình thế, bởi đó được xem như một phần di sản văn hóa Huế.

Cho đến khi, nhà điêu khắc Phan Thanh Quang (giảng viên Trường ĐH Nghệ thuật, Đại học Huế) chính thức trở thành cháu rể cụ Đào và về sinh sống trong không gian “di sản mỹ thuật” thì hành trình ấy mới nên chuyện.

Anh Quang bắt đầu chạy đua thời gian nhờ sự trợ lực, bằng mọi giá phải giữ lại được số lượng tranh quý giá nói trên. Thông qua sự quen biết, anh mời các chuyên gia nghệ thuật, họa sĩ có kinh nghiệm bảo tồn về thẩm định lại mức độ hư hỏng từng tác phẩm, lên phương hướng bảo quản dài hơi trước sự khắc nghiệt của thời tiết, sự ẩm thấp của ngôi nhà.

“Biết sẽ rất khó khăn và tốn kém, nhưng nếu không phục hồi ngay thì di sản của ông có khả năng sẽ biến mất theo thời gian”, anh Quang nhớ lại. Hư hỏng nhiều nhất và khó phục hồi nhất là các tác phẩm vẽ trên lụa.

Không gian hội họa tại tư gia của cố họa sĩ

Sống lại một không gian

Tùy theo mức độ hư hỏng, những tác phẩm được anh Quang tiến hành các công đoạn xử lý tỉ mỉ, đảm bảo yếu tố khoa học, và tính nguyên vẹn cho tác phẩm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp ấy là hệ thống bảo quản bên ngoài tranh như khung tranh, gương, và ván đỡ ở phía sau tranh xuống cấp. Tất cả lần lượt được thay mới hoàn toàn.

Thế nhưng, vẫn còn một số lượng tác phẩm, chủ yếu là lụa đến thời điểm hiện tại chưa thể phục hồi bởi chúng hư hỏng quá nặng, ngoài tầm kiểm soát. “Những tác phẩm ấy hiện tại gia đình đang nhờ các chuyên gia ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế cất giữ, bảo quản. Chờ khi có kinh phí sẽ gửi đi phục hồi ở địa chỉ có tin cậy”, anh Quang nói và cho biết thêm, việc phục hồi như thế vô cùng tốn kém và nhiều khả năng phải gửi ra nước ngoài, nơi có kỹ thuật phục hồi tiên tiến.

Số tranh còn lại sau khi được phục hồi đã được treo trang trọng lại vị trí cũ, quanh gian thờ của gia đình và cố họa sĩ Tôn Thất Đào tại chính ngôi nhà của ông ở 53 Mạc Đĩnh Chi (phường Phú Cát, TP. Huế). Bao quanh không gian này còn được ốp la phông từ phía trên và hệ thống cửa kính, lắp đặt hệ thống điều hòa để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt của Huế.

Đứng quan sát phòng tranh của người cha chồng, bà Trần Thị Liên Phương, con dâu trưởng cụ Đào, không khỏi xúc động. Nhiều năm về trước vì không am hiểu và không được tham vấn, bà từng bảo quản tranh bằng cách đem ra phơi nắng theo chỉ dẫn của một vài người quen, xót xa hơn, một tác phẩm quý đã bị kẻ trộm lấy đi.

Một trong những tác phẩm hội họa của cố họa sĩ Tôn Thất Đào

Không chỉ phục hồi lại các tác phẩm xuống cấp, con cháu của cụ Đào đang tiến hành tìm kiếm, sưu tầm các tài liệu quý giá liên quan đến sự nghiệp sáng tác của cha ông mình. Nhiều hiện vật như bút cọ, kính, nghiên mực, dấu triện… được trưng bày một cách trang trọng trong chính không gian phòng tranh, tạo nên sức sống và sự tiếp biến câu chuyện về một họa sĩ tài danh.

Anh Quang cho biết, đang tiến hành đúc chân dung, dựng bảng tiểu sử của cố họa sĩ Tôn Thất Đào trong khuôn viên ngôi nhà như một cách tri ân người ông, thế hệ đi trước. Tin vui nữa, khi mới đây có rất nhiều đơn vị du lịch đã đến khảo sát và có ý định sẽ đưa không gian tranh của cố họa sĩ Tôn Thất Đào vào địa điểm, tour tuyến phát triển du lịch, nghệ thuật.

“Tranh của cố họa sĩ Tôn Thất Đào ngày càng giá trị”

Theo tôi, tranh của cố họa sĩ Tôn Thất Đào ngày càng giá trị, và không gian tranh của thầy là địa chỉ văn hóa của Huế. Vì thế, về lâu dài cần có một không gian mang tính chuyên nghiệp hơn, đảm bảo các điều kiện để gìn giữ, bảo tồn phòng tranh. Để làm được việc này, các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn liên quan cần vào cuộc hỗ trợ - PGS. TS. Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều hoạt động kỷ niệm 65 năm thành lập Trường đại học Nghệ thuật

Sáng 16/4, Trường đại học (ĐH) Nghệ thuật, ĐH Huế tổ chức kỷ niệm 65 năm thành lập nhà trường (1957 - 2022); Khánh thành tượng chân dung nhà giáo, hoạ sĩ Tôn Thất Đào, hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐH Nghệ thuật. Đến dự có các ông: Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Hoàng Khánh Hùng, UVTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.

Nhiều hoạt động kỷ niệm 65 năm thành lập Trường đại học Nghệ thuật
Lưu giữ phong cảnh bằng màu sắc

Một không gian tràn ngập sắc màu dịu dàng, bảng lảng khói sương của khí trời xứ Huế, chất đầy hoài niệm về kiến trúc di sản, phố cổ, biển xanh… là những cảm nhận về phòng tranh “Những ngày hạ chí”, đang được trưng bày tại Secret Studio (1/7 Nguyễn Công Trứ, TP. Huế) đến ngày 19/10.

Lưu giữ phong cảnh bằng màu sắc
Vẻ đẹp phụ nữ trong tranh họa sĩ Tôn Thất Đào

Sinh thời, họa sĩ Tôn Thất Đào say mê sáng tác nhiều bức tranh với đủ các thể loại chất liệu như sơn mài, sơn dầu, lụa. Khi nghiên cứu về hội họa của ông, hình tượng xuyên suốt và chiếm trọng tâm là người phụ nữ.

Vẻ đẹp phụ nữ trong tranh họa sĩ Tôn Thất Đào

TIN MỚI

Return to top