ClockThứ Hai, 17/02/2014 14:06

Hội tụ và lan tỏa văn hóa năm châu

Tiếp tục là hoạt động văn hóa đặc biệt trong khuôn khổ diễn đàn giao lưu văn hóa Đông Á – Mỹ La tinh do Bộ Ngoại giao Việt Nam đề xướng, Festival Huế lần thứ 8 diễn ra từ ngày 12 đến 20/4 quy tụ các chương trình nghệ thuật tiêu biểu, đặc trưng của những vùng văn hóa và các thành phố cố đô của Việt Nam và thế giới, giới thiệu nghệ thuật ca múa nhạc cung đình và các làn điệu dân ca độc đáo của Huế; các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại chất lượng cao của trên 30 quốc gia đến từ 5 châu lục. Trong đó, nhiều quốc gia lần đầu đăng ký cử đoàn nghệ thuật tham dự, như: Braxin, Palestine, Uruguay, Rumani, Slovakia, Nauy, Peru, Congo, Mali…

Múa hoa đăng tại lễ khai mạc Festival Huế 2012.

Với chủ trương giữ cốt cách truyền thống nhưng cách thể hiện luôn luôn mới, chú trọng tổ chức các hoạt động để nhân dân và du khách vừa có thể là chủ thể sáng tạo vừa là chủ thể hưởng thụ, Festival Huế 2014 sẽ được mở rộng không gian diễn xướng và không gian lễ hội với mục tiêu đưa Festival về với cộng đồng. Đặc biệt, Festival Huế lần này chú trọng đến bản sắc văn hóa địa phương, với điểm nhấn là các chương trình giới thiệu nghệ thuật ca múa nhạc cung đình, các làn điệu dân ca độc đáo của Huế... trong đó có chương trình nghệ thuật tôn vinh Ca Huế.

Festival Huế 2014 có chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, ông có thể cho biết rõ hơn ý nghĩa của chủ đề này?

Festival không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và du lịch mà còn là hiệu quả chính trị, ngoại giao, văn hóa, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển. Cộng đồng quốc tế đến với mình sẽ tăng thêm tình đoàn kết hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau thông qua văn hóa. Đó là một hiệu quả vô hình.

Thừa Thiên Huế có lịch sử trên 700 năm. Trong quá trình phát triển, nơi đây đã từng là nơi giao lưu, giao thoa của các nền văn hóa. Vì thế, Thừa Thiên Huế là vùng đất rất phong phú, đa dạng, nhiều tầng văn hóa. Bên cạnh đó, vùng đất này cũng được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những cảnh quan, danh thắng rất nổi tiếng, như: sông Hương, núi Ngự, Bạch Mã, Vọng Cảnh, Thuận An, Lăng Cô, Hải Vân, phá Tam Giang, Cảnh Dương… Thiên nhiên và văn hóa kết tinh qua hơn 700 năm lịch sử là thế mạnh của vùng đất chúng ta. Chưa có vùng đất nào vừa có di sản văn hóa vật thể là Quần thể di tích cố đô Huế vừa có di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Nhã nhạc cung đình Huế. Trên cơ sở thế mạnh của mình và qua 2 kỳ Festival 2000, 2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thấy rằng, tỉnh ta có điều kiện để phát triển Festival tầm cỡ, lâu dài như nhiều Festival nổi tiếng trên thế giới. Cho nên, chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” vừa mang tính trước mắt nhưng vừa là chiến lược lâu dài cho sự phát triển của vùng đất.

Đến với Festival Huế 2014, du khách sẽ được thưởng thức những nét mới gì so với lễ hội của các năm trước, thưa ông?

Tâm thế của tỉnh luôn khẳng định muốn thu hút du khách, muốn quảng bá văn hóa Việt Nam thì Festival Huế phải luôn luôn mới. Cái mới ở đây không có nghĩa là làm mới hoàn toàn mà Festival Huế phải giữ cốt cách riêng trên nền tảng văn hóa truyền thống của vùng đất Cố đô nói riêng và bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung. Mới, nhưng vẫn mang một phong cách nhất quán khi nhìn vào cách tổ chức từ nội dung chương trình đến thiết kế sân khấu, bố trí địa điểm... vẫn mang đậm nét Huế, nét Việt Nam. Một điều cực kỳ quan trọng là không gian diễn xướng phải vừa tôn vinh được những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc được nghệ thuật sân khấu hóa, vừa tạo điều kiện cho cộng đồng cũng như du khách thưởng thức, lay động được cảm xúc từ trái tim họ, từ sự cảm nhận sự sâu sắc của nghệ thuật và văn hóa.

Đằm thắm và quý phái Lễ hội Áo dài tại Festival Huế 2012. Ảnh: Trang Hiền

Ngoài nhiều lễ hội màu sắc và hoạt động văn hóa cộng đồng phong phú với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước, trong khuôn khổ các hoạt động tại Festival Huế 2014 còn diễn ra Liên hoan ẩm thực quốc tế (ASEAN + Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc); Liên hoan Múa quốc tế - hội tụ các đơn vị biểu diễn nghệ thuật múa tiêu biểu của nhiều quốc gia, là cơ hội để các nghệ sĩ múa Việt Nam tiếp cận, giao lưu, trao đổi học hỏi tinh hoa nghệ thuật múa quốc tế. Riêng Lễ hội Áo dài phối hợp với một số chương trình nghệ thuật múa đương đại... tạo thành chương trình tổng hợp lớn gắn với sông Hương - cầu Trường Tiền - chợ Đông Ba, nhân kỷ niệm 115 năm cầu Trường Tiền và chợ Đông Ba ra đời.

Trong thời gian này, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hóa và nghệ thuật các nước ASEAN+3 sẽ được tổ chức tại Huế. Điều vinh dự là, tại hội nghị này dự kiến sẽ thống nhất ra tuyên bố chung “thành phố Huế là Thành phố văn hóa”. Ngoài chương trình nghị sự chính, sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức bên lề hội nghị, trong đó có thể nói Đêm văn hóa ASEAN + 3 sẽ làm nổi bật thêm các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các nước.

Tiêu chí mà Festival Huế hướng đến là người dân và du khách vừa là chủ thể sáng tạo vừa là đối tượng hưởng thụ. Vậy trong Festival Huế 2014, những hoạt động gì sẽ được Ban Tổ chức chú trọng để đảm bảo tiêu chí này?

Trong Festival Huế, người dân và du khách chính là chủ thể. Thế nên, không gian diễn xướng và không gian lễ hội của Festival 2014 được mở rộng để đưa Festival về với cộng đồng. Các không gian truyền thống của các mùa lễ hội trước, các công trình văn hóa - thể thao, các trục đường phố chính, các huyện, thị xã và vùng ngoại thành đều mở ra các sân khấu cho nhiều hoạt động lễ hội âm nhạc.

Thông qua lễ hội, người dân là những diễn viên không chuyên. Nhiều hoạt động trong các kỳ Festival vừa qua từng mời hàng ngàn người dân tham gia như: đua thuyền, chơi cờ người, lễ hội thả diều, lễ hội đường phố... Từ thiếu nhi đến người già, tùy vào từng lễ hội mà chúng tôi lựa chọn. Qua đó, chúng tôi còn mong muốn người dân có ý thức tự giác tham gia giữ gìn an ninh trật tự, hòa mình cùng các lễ hội trong những ngày diễn ra Festival.

Và thông qua nhiều hoạt động phục vụ cho Festival, người dân sẽ được hòa mình với du khách bằng việc cung cấp sản phẩm do mình làm ra, từ thực phẩm, hàng lưu niệm cho đến hàng thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, chương trình “Phố đêm” - điểm nhấn của Festival 2014 - lần đầu tiên xuất hiện xung quanh Hoàng thành của Đại Nội Huế sẽ có các hoạt động do người dân tổ chức, để từng người dân, từ anh xích lô, chị bán rau, người bán chè… đều thấy Festival mang lại lợi ích cho chính gia đình mình.

Ngoài ra, chúng tôi còn đưa các chương trình nghệ thuật quốc tế về các thị trấn, huyện lỵ, bệnh viện phục vụ các bệnh nhân, chiến sĩ, công nhân… để người dân được thưởng thức những chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này và chúc cho Festival Huế 2014 thành công rực rỡ!

Những chương trình đặc sắc trong Festival Huế 2014:
 
* Lễ khai mạc được tổ chức ở quảng trường Ngọ Môn, xoay sang hướng Kỳ Đài. Bám theo chủ đề, lễ khai mạc kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố truyền thống với hiện đại theo tiêu chí giữ cốt cách truyền thống nhưng cách thể hiện luôn luôn mới. Những tiết tấu, vũ đạo hiện đại sẽ được đưa vào trên nền những loại hình di sản văn hóa đã được thế giới công nhận.
 
* Chương trình tôn vinh ca Huế sẽ được tổ chức ở bến thuyền Tòa Khâm gồm 2 phần. Phần 1 diễn ra tại sân khấu trên bờ và phần 2 – chương trình chính diễn ra trên 25 thuyền rồng.
 
* Chương trình nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse sẽ thắp sáng cầu Trường Tiền bằng nghệ thuật sắp đặt lửa. Sử dụng các chậu nến lớn, kết cấu cầu Trường Tiền sẽ được tạo hiệu ứng ánh sáng mới lạ. Ngoài sắp đặt lửa, trên cầu Trường Tiền còn có triển lãm ảnh nghệ thuật 54 dân tộc Việt Nam của nghệ sĩ Sebastienne Laval.
 
* Lễ hội đường phố “Di sản và sắc màu văn hóa” sẽ được mở rộng quy mô và tăng thêm thời gian, trở thành một hoạt động sôi động, đặc sắc của các đoàn nghệ thuật đường phố đến từ các nước Đông Á - Mỹ La tinh và một số đoàn quốc tế.
 
* Lễ hội Áo dài, Đêm phương Đông, Âm sắc Việt... vốn đã thành công ở các kỳ Festival trước tiếp tục góp mặt. Dẫu vẫn giữ tên cũ nhưng sẽ có nhiều điểm mới và chất lượng được nâng cao.
 
* Đêm Hoàng Cung sẽ thu hút hơn, đặc sắc hơn với việc nâng chất Dạ nhạc tiệc cung đình trở thành một nghệ thuật văn hóa ẩm thực cao cấp phục vụ du khách.
 
* Lễ bế mạc được tổ chức tại khu bãi bồi của công viên đường Trịnh Công Sơn, sẽ là lời chia tay ấn tượng với chương trình nghệ thuật sâu lắng.

 

Minh Hiền (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lộng lẫy “Huế vàng son”

Chương trình trình diễn áo dài Festival Huế 2018 với chủ đề “Huế vàng son” diễn ra vào tối 1/5 tại sân khấu Bia Quốc Học đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng người dân và du khách bởi sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật áo dài, múa và hiệu ứng âm thanh, ánh sáng cùng âm nhạc.

Lộng lẫy “Huế vàng son”
Văn hiến kinh kỳ, nơi văn hóa Việt hội tụ và tỏa sáng

Văn hiến kinh kỳ là một trong những chương trình “đinh” của Festival Huế 2018, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dàn dựng và thực hiện. Từ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế đã tích cực luyện tập để chương trình có thể “chạy” một cách tốt nhất.

Văn hiến kinh kỳ, nơi văn hóa Việt hội tụ và tỏa sáng
Festival Huế mang đến nhiều cơ hội

Hàng trăm nghìn du khách đến Huế, hàng triệu lượt người tham gia vào lễ hội là con số mà Ban tổ chức Festival Huế thống kê trong các kỳ vừa qua. Kéo theo đó là nhu cầu về ăn uống, vui chơi cũng tăng tỷ lệ thuận.

Festival Huế mang đến nhiều cơ hội
Khám phá sân khấu trong Festival Huế 2016

Cũng là một điểm nhấn và được sự quan tâm của công chúng, các sân khấu trong Festival Huế 2016 góp phần làm nên thành công cho nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Khám phá sân khấu trong Festival Huế 2016
Return to top