ClockChủ Nhật, 13/09/2020 07:03

“Hồn thiêng” của núi

TTH - Người Cơ Tu bắt đầu câu chuyện bằng chén rượu, nhưng chén rượu hôm nay tôi uống với anh lại khác, hương vị đãi khách có mùi vị chua ngọt lẫn đắng của cây rừng mang tên anh – Ta Rương Mão…

Sống lại hồn thiêng sông núiGiữ hồn thiêng của núi

Anh Ta Rương Mão trong một lần trình diễn nét văn hóa của người Cơ Tu

1. Anh vẫn vậy, thân hình hộ pháp với làn da đặc mùi sương khói. Mỗi lần gặp anh là mỗi lần tôi có dịp mở mang thêm dòng văn hóa của người Cơ Tu. Những cái lắc đầu nguầy nguậy từ phía anh khiến tôi hiểu, nhiều thứ đã mất đi…

Gần 40 năm theo đuổi nét văn hóa đồng bào Cơ Tu ở miệt núi Nam Đông, Ta Rương Mão (xã Thượng Long, huyện Nam Đông) biết rằng, trong những hấp lực của các dòng văn hóa hiện đại, nét văn hóa dân tộc thiểu số mai một, rơi rụng là điều không thể tránh khỏi. 15 năm trước, anh cõng giáo sư Trần Quốc Vượng vượt sông A Kà để xem chỉ dấu “kiệt tác” kiến trúc của người Cơ Tu trên tượng nhà mồ và rong ruổi tìm những viên đá xanh đỏ dưới lòng suối, thứ mà tổ tiên anh dùng để tạo màu.

Nhưng bây giờ, nhà mồ ở Nam Đông phần lớn bị bê tông hóa, đá dưới suối cũng vơi dần theo thời gian. Có chăng, điều mà đồng bào lưu giữ chỉ nằm ở những con người già cỗi. Nhà mồ khó giữ nguyên bản không chỉ lỗi ở con người, chính điều kiện tự nhiên đã một phần tác động. Còn đâu nữa những lõi cây đặc quánh hay những viên đá xanh đỏ được xay mịn lúc nửa đêm, người nghệ nhân có thể còn nhưng thực tiễn có quá nhiều trở lực. “Tạc tượng nhà mồ là nét văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu. Tộc người chúng tôi có những bí quyết riêng và ngày trước chỉ truyền nghề lúc nửa đêm, nhưng bây giờ nghệ nhân có truyền nghề lúc ban ngày cũng ít người học”, Ta Rương Mão trăn trở.

Nhắc đến văn hóa người Cơ Tu ở Nam Đông thì Thượng Long là số ít địa phương còn lưu giữ nhiều phong tục đặc trưng. Với tầm nhìn về văn hóa của một người con của núi, anh Mão không ít lần rong ruổi khắp cả nước để xem cách người ta bảo tồn, đi đến các bản làng để xem người Cơ Tu mình còn gì và mất thứ chi. Gần 5 năm trước, trong cái sự mơ màng của cơn ngái ngủ, tin nhắn của Ta Rương Mão khiến tôi phải bật dậy. Anh mời dự đám cưới truyền thống của người Cơ Tu lúc rạng sáng, một lễ cưới mà không gian pha chút sử thi có đủ lễ vật, chiêng, ché, thanh la, thổ cẩm… “Thời nay, người ta nói nhiều đến việc tái hiện các phong tục của người đồng bào nhưng việc vận động người dân duy trì các phong tục tốt đẹp còn quan trọng hơn. Tái hiện nghĩa là đã mai một, nhưng tại sao khi những phong tục vẫn còn lưu giữ thì không tìm cách động viên đồng bào duy trì và phát triển, đó là cái thiếu trong công tác bảo tồn hiện nay”, anh Mão nói.

Không khó nhận ra những trăn trở lẩn khuất đằng sau ánh mắt của Ta Rương Mão khi nhắc đến đồng bào Cơ Tu. Gần 1 thập kỷ theo đuổi sự học và bây giờ xấp xỉ tuổi 60, anh dường như đã dồn hết tâm trí hơi thở của cây rừng, ngọn núi. Cứ có hội diễn hay chương trình văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, anh như cánh chim đầu đàn của người Cơ Tu ở miệt núi Nam Đông. Anh vừa là cán bộ dẫn lối, nhưng nếu “kẹt thế” kiêm luôn cả vai diễn. “Những già làng am tường văn hóa, phong tục Cơ Tu bây giờ đã già yếu. Mang văn hóa Cơ Tu đến với tỉnh bạn trông cậy và thế hệ kế cận. Nhiều lần tôi đang theo học đại học văn hóa ngoài Hà Nội, nhưng có chương trình giao lưu văn hóa lại tạm nghỉ ngang để vào theo con dân làng bản tham dự hội diễn”, anh kể.

Ta Rương Mão chưa già nhưng không còn trẻ, tôi không gọi anh là nghệ sĩ của núi, nhưng xem anh như là sự chuyển tiếp của các thế hệ người Cơ Tu. Dù không lưu giữ thật nhiều những hiện vật của đồng bào, nhưng nhìn anh, trò chuyện với anh, âm thanh của núi cứ vẫn văng vẳng bên tai. Anh bảo, văn hóa người Cơ Tu coi trọng không gian, một tiếng chiêng có thể loang cả vách núi mang hơi thở của đồng bào tỏa muôn nơi; mỗi điệu múa tung tung dá dá không chỉ thể hiện trên hình thể mà còn chất chứa cả một quá trình sinh hoạt trong quá khứ; mỗi ngôi nhà truyền thống hay tượng nhà mồ không đơn thuần là kiến trúc mà đó còn là lịch sử. Những thứ ấy tùy theo cảm nhận của con người mà thôi….

2. Không biết tự bao giờ, rượu được người đồng bào dân tộc thiểu số coi trọng đến thế, với người Cơ Tu, đó là thức uống rất đặc biệt. Rượu không đơn thuần là để vui chơi giải trí, mà còn là thứ không thể thiếu trong các mâm cúng Giàng, cưới hỏi, lễ hội,...

Người Cơ Tu có một loại rượu Piêng mà tôi không ít lần được thưởng thức mỗi khi ngược núi. Nó không nồng, nóng như những thứ rượu ở đồng bằng, mà hương vị thoảng thoảng mùi lá cây rừng.

Nguyên liệu làm men rượu Ta Rương Mão có nguồn gốc tự nhiên

Lần này, Ta Rương Mão rót rượu thật chậm, tôi có cảm giác anh ẩn giấu điều gì đó sau ly rượu màu đục. Anh nói về lễ hội, về những điệu múa, rồi nguyên lý tương khắc âm dương của người Cơ Tu... Và tựu chung lại nó được đúc kết trong đời sống tinh thần của người dân, trong chén rượu Piêng mà anh rót chậm mời tôi. Nhưng không, thứ nước tôi uống không phải rượu Piêng mà là rượu Ta Rương Mão. Thật bất ngờ sau gần 3 năm nghiên cứu, phục dựng, chế biến, rượu Ta Rương Mão ra đời, đó là sự kết tinh, nâng tầm từ loại rượu Piêng truyền thống của người Cơ Tu sắp lùi vào dĩ vãng. “Uống rượu Ta Rương Mão có thể trị bệnh”, anh Mão khoe trong sự hoài nghi của tôi. Anh bảo loại rượu này là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật nấu rượu hiện đại với những nguyên tắc truyền thống của người Cơ Tu. Men rượu được ủ thủ công bằng lá cây, thảo dược được kiếm tìm từ phía rừng sau như, thạch xương bồ, thiên niên kiện, vang đăng, hà thủ ô… “12 loại thảo dược được tôi kết hợp ủ trong ché ít nhất nửa năm mới cho ra loại rượu này và nó không chỉ phục vụ cho giải trí, vui chơi mà còn phòng ngừa, trị được hàng chục bệnh khác nhau”, anh Mão nói.

Ông Hồ Văn Nhũ, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Nam Đông chia sẻ: “Anh Ta Rương Mão là một trong những người sâu sát với văn hóa Cơ Tu. Cứ có chương trình văn nghệ, lễ hội về văn hóa các dân tộc thiểu số trong và ngoài tỉnh, anh đều vận động người dân tham gia, đồng thời là người “dẫn quân” đi khắp nơi để trình diễn. Gần đây, anh Mão còn chế biến, lưu giữ được một loại rượu truyền thống của người Cơ Tu, đó là sản phẩm OCOP của địa phương, đồng thời, loại rượu này chính là nét văn hóa từ ngàn đời của đồng bào dân tộc Cơ Tu”.

Rượu Ta Rương Mão có hẳn một trang web để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và  anh Ta Rương Mão đã mang thức uống truyền thống của dân tộc mình đến hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Men rượu dưỡng sinh Ta Rương Mão sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện miền núi Nam Đông, được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Với tôi, Ta Rương Mão như con thú hoang, bước chân dường như không mỏi, anh đi và níu kéo những gì từng thuộc về bản làng, thuộc về đồng bào Cơ Tu. Giữ gìn hương rượu Piêng trong một cái tên mới để không làm mất đi nguồn cội và để những thứ truyền thống của người Cơ Tu được lan tỏa muôn nơi. Đảo mắt xung quanh căn nhà trống hoắc, đang xây dở của anh Ta Rương Mão, tôi nhận ra một điều, đời sống của anh không nằm ở vật chất. “Để níu kéo hương vị của người Cơ Tu, tôi rất nhiều lần thất bại. Hơn 100 triệu đồng lẫn công sức dồn hết vào việc tìm ra công thức chế biến phù hợp, nhà cửa 5 năm nay vẫn chưa xây dựng xong. Chế biến rượu Ta Rương Mão không chỉ tạo thức uống chất lượng với nhiều tác dụng sinh dưỡng hay giải quyết lao động ở địa phương mà còn để cứu lấy và lưu giữ một nét văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu đã tồn tại từ ngàn đời”, anh Ta Rương Mão giãi bày.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

BẢO TỒN VĂN HÓA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ:
Người dân là chủ thể

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Cơ Tu đã, đang và sẽ là nhiệm vụ, mục tiêu được các cấp chính quyền huyện Nam Đông đặc biệt quan tâm.

Người dân là chủ thể
Không còn là giấc mơ

“Chưa bao giờ trên bản làng người Cơ Tu lại có một cuộc đại cách mạng “xóa nhà tạm” lớn đến như vậy”...

Không còn là giấc mơ
Đổi thay từ lễ hội vùng cao

Không còn cảnh rùng rợn đâm trâu ở lễ hội mừng lúa mới của người đồng bào Cơ Tu xã Thượng Long, huyện vùng cao Nam Đông, thay vào đó dân làng tạo nên một con trâu bằng xốp tượng trưng để thực hiện nghi lễ.

Đổi thay từ lễ hội vùng cao
Ước mơ của vợ chồng người Cơ tu có 2 con tật nguyền

Chúng tôi đến thôn Lập (thôn 2) xã Thượng Nhật (Nam Đông) khi đã quá trưa. Ngôi nhà gỗ đã mòn cũ bởi thời gian nhìn tềnh toàng và trống hoắc, chỉ một cụ già ngồi bên cửa sổ nhìn ra. Hỏi, mới biết vợ chồng anh chị Hồ Văn Anh (1985) và Lê Thị Quý (1983) có hai đứa con trai bị bệnh bại liệt, mới tách hộ không lâu.

Ước mơ của vợ chồng người Cơ tu có 2 con tật nguyền
Gọi chữ về cho đồng bào...

Giữa bạt ngàn rừng núi, tiếng đọc bài của các mẹ, các chị người Cơ tu ở Nam Đông vang lên nghe vui và thương đến lạ.

Gọi chữ về cho đồng bào
Return to top