ClockThứ Năm, 01/09/2022 14:30

Hướng đến nông thôn hiện đại

TTH - Xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao không còn là điều “quá xa vời” đối với nhiều địa phương khi có hai xã hương Lộc, Hương Xuân (Nam Đông) đã đạt chuẩn ntm nâng cao và nhiều xã trên địa bàn tỉnh sắp cán đích.

Hai xã của huyện miền núi Nam Đông cán đích nông thôn mới nâng cao

Phía trước trụ sở làm việc của xã Hương Xuân được chỉnh trang sạch đẹp

Luồng sinh khí mới

Từ sau ngày đất nước giải phóng, những khó khăn từng bước đẩy lùi, thay vào đó cuộc sống người dân ngày càng ấm no. Cách đây hơn 10 năm, Nhà nước có chương trình xây dựng NTM tạo thêm “luồng sinh khí mới” đối với người dân. Nhà nước hỗ trợ kinh phí, các tổ chức, doanh nghiệp giúp xi măng, vật liệu, người dân đóng góp thêm công sức, tiền của, hiến đất, hiến cây xây dựng công trình dân sinh, công cộng.

Bà Hồ Thị Mừng ở xã Hương Lộc (Nam Đông) chia sẻ, cuộc sống hôm nay với bà cũng như bà con địa phương thật sự như trong mơ vậy. Từ những lối mòn chằng chịt lau sậy, cỏ mọc um tùm giờ đây thay bằng bê tông, thảm nhựa. Đường liên xã, liên thôn, xóm rộng rãi, ô tô lưu thông hai chiều vào tận trung tâm xã, các khu dân cư. Điện lưới quốc gia, nước sạch đến từng thôn bản, hộ gia đình, doanh nghiệp phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy văn hóa, giáo dục tại địa phương. Cơ sở, nhân lực y tế được đầu tư chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe, chữa trị bệnh cho người dân.

Từ nguồn kinh phí chương trình xây dựng NTM, lồng ghép các dự án, ngành nông nghiệp hỗ trợ, người dân triển khai thí điểm, nhân rộng các mô hình mới, có giá trị kinh tế cao. Các thôn, bản kết hợp phát triển sản xuất đa cây trồng, vật nuôi, ngành nghề như nuôi ong mật, nuôi cá, trồng cau, trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Nhiều hộ tổ chức kinh doanh dịch vụ hàng hóa, vật liệu xây dựng, thu mua cau trái, mủ cao su… có thu nhập cao, ổn định.

Chủ tịch UBND xã Hương Lộc, ông Đoàn Văn Hậu khẳng định, mục tiêu cuối cùng trong xây dựng NTM, NTM nâng cao là nâng cao thu nhập, đời sống Nhân dân lên tầm cao mới trong tiến trình xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh. Từ đó, địa phương thành lập HTX kiểu mới, hoạt động theo Luật HTX năm 2012, là HTX nông nghiệp Nam Đông với ngành nghề kinh doanh mật ong và các sản phẩm từ mật ong. Sản phẩm đang từng bước được mở rộng thị trường trong và ngoài huyện, hướng đến thị trường ngoại tỉnh.

Địa phương tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực như cam, chuối, cây dược liệu và lâm sản phụ dưới tán rừng gắn với hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Ngành nông nghiệp cùng với địa phương đang triển khai mô hình nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, trên địa bàn xã có một mô hình trồng hoa, rau màu theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao (nhà màng) tại thôn 2 với diện tích 1.100m2, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước.

Mô hình trồng hoa công nghệ cao ở Hương Lộc

Trong chiến lược phát triển sản xuất, địa phương gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn thông qua các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tổ chức lại sản xuất. Tại thời điểm này, trong số khoảng 726 người lao động trong nông nghiệp có 376 lao động kết hợp tham gia các hoạt động sản xuất, khai thác cao su, trồng rừng, trồng hoa màu, cây ngắn ngày chuyên canh… tại HTX Hương Lộc và các cơ sở sản xuất nông nghiệp. Tại các mô hình sản xuất sản phẩm chủ lực, như cam, chuối, dứa, mô hình nhà màng, trồng nấm tạo việc làm cho 350 lao động... Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã Hương Lộc đạt 52,4 triệu đồng/năm. Đầu năm nay, xã Hương Lộc là 1 trong 2 địa phương trên địa bàn huyện cũng như toàn tỉnh được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Tiền đề cho nông thôn hiện đại

Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đình Đức cho rằng, hoàn thành chương trình NTM mới là kết quả bước đầu, tạo tiền đề, động lực cho xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, hướng đến nông thôn hiện đại. NTM nâng cao, kiểu mẫu được xem là giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả nông nghiệp, nông thôn từ phát huy xã, huyện NTM.

Ngoài nguồn lực từ Nhà nước, lồng ghép các chương trình, dự án, tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực xây dựng NTM, huy động nguồn lực tại chỗ, từ các tổ chức, doanh nghiệp, phát huy vai trò chủ thể của người dân. Các huyện, thị xã tăng cường huy động nguồn ngân sách của địa phương và cộng đồng dân cư tham gia đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, như bê tông hóa đường giao thông, nâng cấp, sửa chữa kênh mương thủy lợi nội đồng, trường học… nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí NTM, NTM nâng cao.

Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân được xác định là giải pháp trọng tâm trong thực hiện xây dựng NTM, NTM nâng cao. Các ngành, địa phương triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý nhằm tăng thu nhập cho người dân.

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tập trung từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và các địa phương kết hợp chủ động hỗ trợ. Phát triển dịch vụ, du lịch được các địa phương hướng đến trong tiến trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu. Trong đó, các ngành khai thác du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trên cơ sở rà soát, đánh giá toàn diện tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch nông thôn, du lịch trang trại nông nghiệp.

Các địa phương đang tiếp tục đầu tư xây dựng một cách bài bản, quy mô kết hợp khai thác mô hình du lịch cộng đồng ở thôn Dỗi, xã Hương Lộc (Nam Đông) và ở thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (Quảng Điền). Dựa vào tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để đầu tư xây dựng phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông thôn tại các huyện Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang, A Lưới, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy…

Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh, hiện đại đang được tỉnh quan tâm, trong đó đang thực hiện thí điểm triển khai hai mô hình “Xã thông minh” xã Vinh Hưng và xã Quảng Thọ... Đến nay, toàn tỉnh có 40 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ ba sao trở lên, hiện nhiều sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử như sàn kinh tế hợp tác của Liên minh HTX tỉnh, sàn postmart.vn của Bưu điện Việt Nam, sàn voso.vn của Viettelpost và trên các sàn thương mại điện tử khác tại Việt Nam…

Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã/94 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, trong đó có 61 xã đã có quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM; 3 xã của năm 2021 hiện đang hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định công nhận gồm các xã Phong Xuân, Phong Bình, Điền Hương. Toàn tỉnh có hai xã được công nhận xã NTM nâng cao là Hương Lộc, Hương Xuân (Nam Đông); TX. Hương Thủy, huyện Quảng Điền đã được công bố quyết định công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

A Lưới xây dựng nông thôn mới bền vững

A Lưới tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối vùng phục vụ dân sinh, sản xuất. Ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống của người dân.

A Lưới xây dựng nông thôn mới bền vững
Đô thị Huế hiện đại & hành trình phát triển - Kỳ 1: Thành phố bên bờ sông Hương

Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/12/2019 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Bài viết dưới đây giới thiệu về sự ra đời và hành trình phát triển của Huế với tư cách một đô thị hiện đại.

Đô thị Huế hiện đại  hành trình phát triển - Kỳ 1 Thành phố bên bờ sông Hương

TIN MỚI

Return to top