ClockThứ Bảy, 11/06/2022 07:15
LỄ HỘI “SÓNG NƯỚC TAM GIANG NĂM 2022”:

Khơi dậy tiềm năng

TTH - Hưởng ứng Festival Huế 2022 và đón nhận danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Quảng Điền sẽ tổ chức Lễ hội “Sóng nước Tam Giang” trong 3 ngày (từ 17 đến 19/6/2022) với nhiều hoạt động độc đáo, hấp dẫn, đặc sắc.

70 gian hàng tham gia tại lễ hội “Sóng nước Tam Giang”“Sóng nước Tam Giang” diễn ra từ ngày 17 - 19/6

 Các sản phẩm thủ công truyền thống mây tre đan Bao La sẵn sàng trưng bày phục vụ du khách

Nhiều nét mới lạ, hấp dẫn

Những ngày này, các cơ quan, ban, ngành, nghệ nhân, người dân trên địa bàn huyện Quảng Điền đang tích cực chuẩn bị các điều kiện, sản phẩm, sản vật nông nghiệp của địa phương để tham gia trưng bày, giới thiệu tại lễ hội Sóng nước Tam Giang (SNTG).

Tại làng nghề Mây tre đan Bao La (xã Quảng Phú), hơn 100 xã viên, nghệ nhân của HTX đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất các mẫu mã, sản phẩm mới để tham dự lễ hội SNTG. Năm nay, làng nghề Mây tre đan Bao La sẽ trưng bày, giới thiệu hơn 400 mẫu mã sản phẩm, từ những mặt hàng đồ dùng gia đình đến hàng lưu niệm, trang trí, thủ công mỹ nghệ; trong đó có nhiều sản phẩm mới nhờ HTX đầu tư thêm 1 máy chạm khắc laze và máy chuốt cật tre, mây.

Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La cho biết, các nghệ nhân ở đây rất hào hứng vì năm nay là năm đầu tiên huyện tổ chức cuộc thi sáng tác, thiết kế mẫu mã sản phẩm mây, tre. Nhiều năm nay, qua các kỳ lễ hội, sản phẩm mây tre đan Bao La luôn được đánh giá cao, được du khách trong và ngoài nước lựa chọn mua sắm khi đến với lễ hội.

Tại HTX Du lịch dịch vụ cộng đồng Tam Giang - Quảng Lợi, Giám đốc HTX -Văn Hữu Sang thông tin, từ địa điểm lưu trú đến điểm tham quan, check-in giữa đầm phá Tam Giang đến nay đã được hoàn thành. HTX sẽ kết nối, tổ chức cho du khách các tour tham quan làng bích họa, làng rau, làng nghề mây tre đan, các điểm di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện; từ đó, hình thành các tour tuyến du lịch trải nghiệm để du khách hiểu biết thêm về đời sống lao động, sinh hoạt và văn hóa của người dân vùng đầm phá.

Trải nghiệm du lịch trên phá Tam Giang

Lễ hội SNTG là một hoạt động văn hóa, du lịch được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Lễ hội Festival Huế 2022, nhằm giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước về tiềm năng văn hóa, kinh tế, du lịch của huyện Quảng Điền.

Điểm nhấn nổi bật của Lễ hội SNTG là chương trình nghệ thuật gắn với chào mừng huyện Quảng Điền được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới được tổ chức vào chiều tối ngày 17/6 tại khán đài trung tâm khu dịch vụ Đông Quảng Lợi với chương trình nghệ thuật tổng hợp, đặc sắc sẽ làm rõ nét đẹp văn hóa, vùng đất và con người Quảng Điền được biểu diễn tại sân khấu nổi đặt trên mặt nước phá Tam Giang. Vào đêm bế mạc Lễ hội 19/6, Nhân dân địa phương và du khách sẽ được thưởng thức “Đêm thơ giã bạn” với những tiết mục thơ và văn nghệ do các nhà thơ, văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh biểu diễn.

Nét mới trong Lễ hội SNTG năm 2022 là việc tổ chức các hoạt động “Mùa du lịch biển” và du lịch vùng đầm phá Tam Giang diễn ra từ 18-19/6 với các hoạt động đưa đón du khách đến vùng biển và tham gia du lịch ở vùng đầm phá Tam Giang. Các tour du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trên phá Tam Giang gắn với các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương cũng được tổ chức trong suốt quá trình diễn ra lễ hội, hứa hẹn đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Sẵn sàng cho thành công

Với quy mô hoành tráng, để lễ hội “Sóng nước Tam Giang” năm 2022 thành công tốt đẹp, hiện nay ban tổ chức lễ hội và 7 tiểu ban đang triển khai gấp rút các công việc cho ngày khai mạc lễ hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá quy mô của lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo các địa phương phối hợp Công an huyện triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho lễ hội; tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường trên các trục đường và nơi diễn ra hoạt động của lễ hội.

Ông Hồ Lành, Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi phấn khởi khi lễ hội SNTG là điều kiện lớn để địa phương quảng bá sản vật, hình ảnh đồng quê, đầm phá yên bình và cả con người nơi đây vốn chân chất, thân thiện. “Xã đã chỉ đạo HTX dịch vụ du lịch Ngư Mỹ Thạnh chuẩn bị các sản vật nông nghiệp để trưng bày tại khu vực nhà chờ, đảm bảo các điều kiện an toàn để đưa đón du khách tham quan trải nghiệm trên vùng đầm phá”.

Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Lê Ngọc Bảo chia sẻ, thông qua lễ hội, huyện Quảng Điền mong muốn giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước về tiềm năng văn hóa, kinh tế, du lịch của địa phương. Trong đó, đặc biệt chú trọng những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng quê sông nước và những tiềm năng to lớn của vùng đầm phá Tam Giang, góp phần cùng Thừa Thiên Huế xây dựng đô thị theo hướng "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường."

Ông Nguyễn Ánh Cầu, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quảng Điền thông tin, đến nay mọi khâu chuẩn bị cho lễ hội SNTG cơ bản hoàn thành, các chương trình, hoạt động gần như đã sẵn sàng. Người dân mến khách trên địa bàn huyện đang chờ đón du khách trong và ngoài nước đến với lễ hội “Sóng nước Tam Giang” để biết thêm về truyền thống văn hóa, lịch sử và du lịch của vùng đất ven phá Tam Giang thơ mộng.

Theo ban tổ chức, Lễ hội SNTG năm nay sẽ có các hoạt động chính: hội chợ thương mại - dịch vụ ẩm thực; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của huyện; trưng bày ảnh “Nét đẹp Quảng Điền qua ảnh” với hơn 100 bức ảnh về vùng đất và con người Quảng Điền… Các hoạt động văn hóa, thể thao gồm: thi bi sắt, Hội thi chim chào mào, đua ghe, Hội thi thả diều; Hội bài chòi; hoạt động hội trại của đoàn thanh niên với hơn 850 trại sinh tham gia; biểu diễn hò bả trạo; trình diễn trang phục áo dài; hội thi ẩm thực; hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Khơi dậy sức trẻ, nhiệt huyết và trí tuệ

Xây dựng môi trường học tập, rèn luyện và thi đua cho học sinh, sinh viên thông qua các phong trào “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện”, “Sao tháng Giêng”… là cách làm hay của tuổi trẻ Thừa Thiên Huế, nhằm phát huy sức trẻ, nhiệt huyết và trí tuệ; cổ vũ những nhân tố trẻ phấn đấu, góp sức cho địa phương.

Khơi dậy sức trẻ, nhiệt huyết và trí tuệ
Khai thác tốt tiềm năng du lịch từ lễ hội

Các hoạt động lễ hội ở Thừa Thiên Huế được đánh giá là một tiềm năng và thế mạnh lớn để phát triển du lịch. Quan trọng là làm sao để khai thác tốt du lịch lễ hội, tạo ra sự chuyến biến tích cực trong bức tranh du lịch địa phương.

Khai thác tốt tiềm năng du lịch từ lễ hội
Rà soát đối tượng tiềm năng, phát triển người tham gia bảo hiểm

Năm 2023 nhiều doanh nghiệp (DN) tiếp tục giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải cắt giảm lao động, ảnh hưởng bất lợi đối với công tác khai thác, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, nhờ triển khai nhiều giải pháp nên BHXH tỉnh đã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, tạo tiền đề cho năm 2024.

Rà soát đối tượng tiềm năng, phát triển người tham gia bảo hiểm
Return to top