ClockThứ Sáu, 23/03/2018 06:30
TỔNG ĐẠO DIỄN CHƯƠNG TRÌNH KHAI MẠC VÀ BẾ MẠC FESTIVAL HUẾ 2018 - NGUYỄN NGỌC BÌNH:

Không áp lực như lần đầu

TTH - Chỉ còn hơn một tháng nữa, Festival Huế 2018 sẽ chính thức khai hội. Các nghệ sĩ, diễn viên đang trong quá trình tập luyện cho chương trình quan trọng nhất là khai mạc. Chúng tôi có cuộc trao đổi với đạo diễn Nguyễn Ngọc Bình, Tổng đạo diễn chương trình bế mạc và khai mạc Festival Huế 2018.

Công bố các chương trình, lễ hội chính tại Festival Huế 2018Công bố giá vé các chương trình tại Festival Huế 2018Lễ hội đường phố tại Festival Huế 2018: Sôi động hơn“Sắc màu” nghệ thuật tại Festival HuếSẵn sàng cho festival

 Đạo diễn Nguyễn Ngọc Bình

Ông có thể chia sẻ đến thời điểm hiện tại công tác chuẩn bị như thế nào?

Từ tháng 8/2017, tôi chính thức nhận văn bản làm đạo diễn chương khai mạc và bế mạc của Festival Huế 2018. Ngay sau đó, bắt tay ngay vào khâu quan trọng nhất là xây dựng kịch bản chương trình, dựa trên mục đích, yêu cầu, những điểm nhấn và chủ đề cần tập trung. Qua nhiều đợt thẩm định, đến hiện tại, kịch bản khai mạc cũng như bế mạc cơ bản đã hoàn thiện. Tuy nhiên, đó là xong trên mặt giấy tờ, còn đối với nghệ thuật biểu diễn, khi tiến hành vào thực tế sẽ còn những phát sinh khác cần có sự điều chỉnh cho phù hợp nhất.

Đầu tháng 3/2018, các nghệ sĩ đã bắt đầu bắt tay vào tập luyện. Dự kiến từ ngày 10-19/4 các nghệ sĩ sẽ chuyển sang tập luyện tại Trung tâm Thi đấu tỉnh bởi đây có mặt sân rộng, phù hợp với dàn dựng các tiết mục lớn. Đến ngày 20/4, chuyển ra tập luyện ngay tại sân khấu đã dàn dựng. So với kỳ Festival trước, thời gian triển khai năm nay có chậm hơn, nhưng đó không phải là điều lo lắng.

Festival Huế luôn cần lực lượng nghệ sĩ, diễn viên rất lớn, năm nay như thế nào?

Theo kịch bản của hai chương trình khai mạc và bế mạc, sẽ có khoảng 1.000 nghệ sĩ, diễn viên tham gia biểu diễn. Riêng chương trình khai mạc có khoảng 600 người; trong đó, nòng cốt vẫn là lực lượng nghệ sĩ Huế chiếm hơn một nửa, số còn lại là nghệ sĩ của các đơn vị nghệ thuật các địa phương trong cả nước và quốc tế. Các nghệ sĩ Huế chủ yếu đến từ Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch, Nhà hát Cung đình. Năm nay, còn huy động thêm lực lượng của Trường cao đẳng Du lịch Huế, Võ đường Võ kinh Vạn An, các đội lân sư rồng trong tỉnh và các diễn viên trẻ trong câu lạc bộ K35.

 Trình diễn áo dài tại Festival Huế 2016. Ảnh: Nguyễn Quân 

Đã là năm thứ hai làm tổng đạo diễn, năm nay ông có giảm được áp lực?

Tất nhiên lần thứ hai có kinh nghiệm và được tin tưởng hơn so hơn lần đầu. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn, nhất là đối với sáng tạo nghệ thuật. Áp lực là phải tìm ra cái mới, chương trình phải mới, không lặp lại như năm trước, mà vẫn giữ được bản sắc Huế, vừa tạo được tính hấp dẫn cho khán giả. Một cái khó nữa là chất liệu của âm nhạc cung đình Huế, ca Huế vốn dĩ mang giá trị truyền thống nên luôn kén khách.

Trong các ý tưởng ban đầu, chúng tôi dự kiến sẽ dùng 4 chiếc xe cẩu loại lớn đặt bốn góc sân khấu để đưa diễn viên bay từ trên cao xuống sân khấu, như thế sẽ rất ấn tượng. Hay dự kiến có tiết mục múa tương tác giữa diễn viên và màn hình led. Diễn viên không cầm gì nhưng khi đưa tay ra vẫn có cảm giác như đang tung hoa, hay ôm mặt trăng, dạo quanh Huế... nhưng do cả chủ quan và khách quan nên không thể thực hiện được ý tưởng.

Như ông nói quan trọng là cái mới, vậy cái mới năm nay là gì?

Sẽ ấn tượng với du khách và công chúng hay không tôi chưa thể khẳng định ngay từ bây giờ, nhưng tôi rất tâm đắc với ý tưởng di sản Huế sẽ cùng kết hợp và tỏa sáng với các di sản của Việt Nam, chứ không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp riêng của Huế. Đó là sự gợi mở cho các di sản cùng đến Huế giao lưu và phát triển, không dừng lại ở đó mà tạo tiền đề để di sản kết hợp và tỏa sáng trong tương lai.

Ông có thể nói về chương trình khai mạc và các điểm nhấn làm nổi bật ý tưởng trên?

Chủ đề chương trình khai mạc Festival Huế 2018 thể hiện rõ ý tưởng “Huế - tỏa sáng miền di sản”. Ngay tiết mục mở đầu “Khúc giao hòa ngày hội”, trong biên tập âm nhạc và biên đạo thể hiện rõ sự hội ngộ ba miền, hát hầu văn Bắc bộ, nhạc cung đình, chầu văn Huế và điệu hò Đồng Tháp của Nam bộ.

Khai thác nghệ thuật được đầu tư khá kỹ lưỡng, tất nhiên không thể bỏ truyền thống, nhưng để phù hợp với không khí lễ hội, với đại đa số khán giả thì buộc cách phối, biên tập phải thay đổi. Nhiều tiết mục vẫn giữ chất liệu truyền thống, nhưng sẽ được phối bằng phong cách đương đại, nghe một bài chầu văn cảm giác như một điệu rock của Huế. Hay như khai thác điệu múa “Trình tường tập khánh”, chúng tôi thay đổi để làm cho bài múa sinh động hơn bằng cách, về âm nhạc, tiết tấu được lấy chất liệu từ bài “Mã Vũ du xuân” và “Lân mẫu xuất lân nhi”… Về diễn viên, không chỉ 4 ông mà 16 ông, vẫn lấy ý tưởng tứ trụ triều đình ở 4 phương về báo công, nay ngoài có 4 ông tướng chính sẽ có thêm các phó tướng và đội thiên binh đi cùng. Với 16 diễn viên chính, 40 thiên binh múa hỏa vân côn tạo thành các vệt sao băng, cùng với dàn trống kèn thì mới làm cho sân khấu rộn ràng và mang không khí của ngày khai hội.

Sự kết hợp của các đoàn nghệ thuật quốc tế như thế nào?

Chúng tôi đã chọn được một đoàn nghệ thuật phù hợp, cụ thể là đoàn nước Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ba đoàn này khai thác các tiết mục múa truyền thống, những điệu múa thể hiện nét văn hóa của các nước, sự kết hợp này phù hợp với các di sản của Việt Nam.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Đức Quang (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 200 học sinh, giáo viên thi đấu cờ vua, cờ tướng tranh cúp Hương Giang

Sáng 30/3, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Liên đoàn Cờ tỉnh và Trường trung cấp Thể dục Thể thao Huế khai mạc Giải Cờ vua, Cờ tướng cho học sinh và giáo viên tiểu học năm học 2023 - 2024. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã đến dự.

Gần 200 học sinh, giáo viên thi đấu cờ vua, cờ tướng tranh cúp Hương Giang
Return to top