ClockThứ Sáu, 05/08/2022 07:21

Không chỉ có sao la

TTH - Trong nỗ lực tìm kiếm dấu vết sao la, lực lượng chức năng đã phát hiện và ghi nhận thêm nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm tồn tại trong Khu Bảo tồn Sao La và các vùng lân cận thuộc dãy Trung Trường Sơn.

Tiếp nhận hai cá thể khỉ mặt đỏ và rùa quý hiếmCứu hộ nhiều động vật hoang dãBảo vệ động vật hoang dã dựa vào cộng đồng

Thả tê tê về rừng

Cứ mỗi chuyến tuần tra rừng sâu, bẫy ảnh, dù gian nan, vất vả đến mấy đối với anh Phạm Viết Nước thuộc Khu Bảo tồn Sao La (A Lưới) đều tan biến mỗi khi phát hiện dấu vết động vật quý hiếm. Dù lạc quan, luôn có niềm tin sự tồn tại của loài sao la trên dãy Trung Trường Sơn, nhưng số lượng cá thể “chỉ đếm trên đầu ngón tay” nên việc phát hiện chúng, hay dấu vết của chúng là điều rất khó, thậm chí gần như không thể. Bù lại niềm vui lớn với anh Nước cũng như lực lượng bảo tồn ĐVHD trong quá trình tìm kiếm dấu chân Sao La đã phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam, thế giới vẫn còn tồn tại.

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Khu Bảo tồn Sao La khẳng định, thông qua bẫy ảnh và dấu vết tìm kiếm cho thấy, Khu Bảo tồn Sao La nói riêng và nhiều khu rừng trên địa bàn tỉnh nói chung có tính đa dạng sinh học cao. Với dải rừng xanh thuộc dãy Trung Trường Sơn là nơi cư ngụ lý tưởng của nhiều loài thú quý hiếm và các loài ĐVHD. Trong quá trình bẫy ảnh, lực lượng bảo tồn ĐVHD trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, ghi nhận dấu vết của sự tồn tại các loài mang lớn, mang Trường Sơn, cầy vằn, thỏ vằn Trường Sơn. Một số loài có giá trị bảo tồn cao cũng được ghi nhận như vượn đen má hung, vọoc chà vá chân nâu và nhiều loài thuộc họ trĩ khác...

Từ khi phát hiện, quần thể sao la đã rất nhỏ, phân bố hẹp, rải rác, nơi cư trú không liên tục, cộng với việc chỉ sinh sống ở ghềnh đá đầu nguồn khe suối có độ cao trên 200 – 600 mét nên công tác phát hiện, bảo vệ vô cùng khó khăn. Động vật này sinh sống chủ yếu tại vùng rừng nguyên sinh thuộc dãy Trung Trường Sơn Việt Nam và Nam Lào. Sao la được cho là loài thú cổ đại bí ẩn nhất trên thế giới. Vậy nên từ năm 2006, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế xác định tình trạng loài sao la ở mức “Cực kỳ nguy cấp”.

Sao la cùng các loài ĐVHD quý hiếm khác còn đối mặt với những nguy cơ, mối đe dọa đến từ con người, nhất là nạn săn bắt ĐVHD trái phép. Dù không phải là mục tiêu chính của các nhóm thợ săn, nhưng loài sao la cũng trở thành “nạn nhân” khi vô tình mắc bẫy do thợ săn dùng để bắt các loài ĐVHD khác của vùng Trung Trường Sơn.

Trong khi sinh cảnh bị phân cắt và hủy hoại bởi sự phát triển không bền vững và tình trạng khai thác lâm sản trái phép cũng là mối đe dọa đến sự sinh tồn của sao la và các loài ĐVHD. Các bờ sông, suối, ghềnh đá giàu thảm thực vật và những cánh rừng đầy sương phủ là vùng tìm thức ăn ưa thích của sao la. Thế nhưng, những khu vực này đang bị thu hẹp dần bởi các dự án xây dựng hạ tầng, các công trình và chuyển đổi đất rừng thành đất canh tác.

Với sự nỗ lực của các ngành liên quan và sự đồng hành của các tổ chức phi chính phủ, công cuộc bảo vệ loài sao la được quan tâm một cách có chiến lược. Một trong những nỗ lực đầu tiên nhằm chống lại các mối đe dọa trên là việc thành lập Khu Bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên Huế là việc làm cần thiết và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng. Cùng với đó là Khu Bảo tồn Sao La tỉnh Quảng Nam, Vườn Quốc gia Bạch Mã và Vườn Quốc gia Sê Sáp – Lào tạo nên một vùng sinh cảnh liền mạch, bao phủ hơn 200 ngàn ha rừng Trường Sơn dọc biên giới Lào và Việt Nam. Đây không chỉ là khu bảo tồn sao la mà còn là “tổ ấm” sinh tồn lý tưởng đối với nhiều loài ĐVHD khác.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn chia sẻ, các ban, ngành chức năng đã và đang tích cực triển khai các biện pháp đồng bộ, từng bước hạn chế và hướng đến ngăn chặn triệt để các hành vi săn bắt, tiêu thụ ĐVHD. Nhiều hoạt động bảo tồn, bảo vệ ĐVHD được triển khai nhằm thu hút sự tham gia sâu rộng của cộng đồng, xã hội. Đặc biệt thông qua nhiều hoạt động tuyên truyền của các ban, ngành, người dân ngày càng ý thức hơn trong việc bảo tồn, bảo vệ không chỉ loài động vật quý hiếm, nguy cấp mà còn các loài ĐVHD nói chung. Chỉ tính riêng từ đầu năm nay, hàng chục cá thể ĐVHD quý hiếm như tê tê, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, cu li nhỏ, rùa hộp trán vàng miền Trung, rùa núi vàng, kỳ đà vân… được người dân tình nguyện khai báo, giao nộp cho cơ quan chức năng cứu hộ, tái thả về môi trường tự nhiên.

 Bài, ảnh: Triều Tuấn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận cá thể trăn quý, hiếm

Ngày 19/4, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Điền tiếp nhận một cá thể trăn đất quý, hiếm của một người dân tự nguyện giao nộp.

Tiếp nhận cá thể trăn quý, hiếm
Hành động vì động vật hoang dã

Động vật hoang dã (ĐVHD) được ví như một tài nguyên quý thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội. Là địa bàn rộng, dân cư đông nên TP. Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp, hành động vì ĐVHD góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn thiên nhiên, hạn chế việc tiêu thụ, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các sản phẩm ĐVHD.

Hành động vì động vật hoang dã
Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã

Ngày 7/4, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) phối hợp với Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tổ chức buổi tọa đàm: Sinh viên với hành động vì động vật hoang dã.

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã
Return to top