ClockThứ Hai, 07/11/2022 15:38

Không nên để sự việc kéo dài

TTH - Một cống thoát nước ở xã Vinh An (Phú Vang) đã tồn tại gần 20 năm, nay bị bồi đất trám bít nghẽn dòng chảy, ảnh hưởng đến dân sinh. Đây là thắc mắc của ông Lương Văn Hiệu - người dân bị ảnh hưởng gửi đơn đến tòa soạn Báo Thừa Thiên Huế với mong muốn các ban, ngành chức năng quan tâm giải quyết sự việc này.

Cống thoát nước nằm ở khu vực vườn nhà ông Phạm Lành đã bị bồi đất trám bít phía đối diện thuộc khu đất của bà Cúc

Dấu hỏi lớn từ ông Hiệu

Trong đơn, ông Hiệu cho rằng, trước năm 2003, việc thoát nước của gia đình ông và các hộ lân cận ông, như Đặng Cấp, Phạm Tùng, Phạm Bảo, Lương Thị Hạnh... (thôn Hà Úc 3, xã Vinh An) chảy từ mương cao xuống mương thấp ra khe trằm. Năm 2003, UBND tỉnh, huyện Phú Vang cho xây con đường từ QL49B ra khu quy hoạch nuôi tôm trên cát xã Vinh An. Con đường chạy qua khe trằm nằm giữa xã Vinh An và Vinh Thanh (Phú Vang). Để đảm bảo việc giữ, tiêu úng nước trong vùng ở khe trằm, cuối con đường này đã xây một đập tràn. Đập tràn ra đời nhằm ngăn tiêu thoát nước trong vùng khi có mưa lớn, nhưng lại làm cho 6 hộ nói trên (nằm ở hạ lưu của đập tràn) không thể thoát nước ổn định như trước. Do vậy, để đảm bảo việc tiêu thoát nước cho vườn tược của các hộ dân này, đơn vị thi công đã khảo sát địa hình, thiết kế cho thi công cống ngầm bắc từ mương khu vực đất vườn ông Phạm Lành băng qua đường chảy xuống hạ lưu gặp 1/3 thửa đất bà Lê Thị Cúc (thôn Hà Úc 2). Như vậy, hơn 19 năm nay các hộ dân nói trên được thoát nước bình thường, hết mưa nước rút không bị ngập.

Hiện nay, bà Lê Thị Cúc tự ý xây trám bít cống lại, bồi đất ở thửa đất của mình dẫn đến việc thoát nước từ vườn gia đình ông Hiệu và các hộ lân cận không thoát nữa. Thêm góc nhìn khác, ông Hiệu cho rằng, việc bồi đất của bà Cúc là sai phạm vì đất bồi mở rộng gần 300m2 để làm đất ở khi diện tích này là đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Việc bồi đất của bà Cúc đã vi phạm pháp luật về công trình thủy lợi, dẫn đến gây thiệt hại trồng trọt, hoa màu của các hộ dân trong khu vực, trong lúc đời sống của hộ này đang khó khăn.

Theo ông Hiệu, những kiến nghị, thắc mắc của ông về việc làm của bà Cúc đã có đơn trình UBND xã Vinh An và UBND huyện Phú Vang, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Đáng nói trong quá trình thụ đơn của ông, UBND xã Vinh An đã tác động tâm lý các hộ, như Phạm Tùng, Đặng Cấp và Phạm Bảo... nên họ đã rút đơn không kiến nghị chính quyền địa phương giải quyết việc ngập úng do bà Cúc bồi đất, trám bít cống dẫn nước nói trên. Nguyên nhân vì sao thì ông Hiệu đang đặt dấu hỏi lớn!

Hệ thống mương thoát nước phía sau nhà ông Hiệu và các hộ lân cận có khả năng tiêu úng khi mưa lớn ở thôn Hà Úc 3, Vinh An

Giải quyết hài hòa đôi bên

Những nội dung của ông Lương Văn Hiệu thắc mắc về việc bà Lê Thị Cúc tự ý trám bít cống thoát nước ảnh hưởng đến các hộ dân trong khu vực, chúng tôi đã khảo sát thực tế ở xã Vinh An.

Bà Tống Thị Mỹ Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh An cho biết, sau khi nhận đơn  kiến nghị của ông Hiệu, ban, ngành chức năng địa phương đã xác minh thực tế cho rằng, về nguồn gốc cống thoát nước bắt đầu từ năm 1990 là do các hộ dân trong khu vực tự thỏa thuận để khơi thông dòng chảy khi có mưa lũ và phục vụ canh tác sản xuất nông nghiệp. Năm 2003, chủ trương cấp trên cho đầu tư con đường nối QL49B ra khu vực nuôi trồng thủy sản ở địa phương như ông Hiệu đề cập có đặt cống nối giữa hai thửa đất ông Phạm Lành (thôn Hà Úc 3) và bà Lê Thị Cúc (thôn Hà Úc 2) cũng chỉ giải quyết theo hiện trạng có lợi cho dân.

Hiện tại, bà Cúc tự bồi đất và xây bít miệng cống bên thửa đất của mình chính quyền không can thiệp, xử lý vì họ có cơ sở. Lý do, qua kiểm tra bản đồ quy hoạch, sử dụng đất tại xã Vinh An giai đoạn 2015-2020 thì bản đồ thể hiện vị trí đất ông Phạm Lành và bà Lê Thị Cúc không có mương, cống thoát nước; đồng thời qua kiểm tra hồ sơ toàn bộ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Lành và bà Cúc đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định.

Đối với việc ông Hiệu phản ánh bà Cúc bồi thêm 300m2 đất nông nghiệp để mở rộng thêm đất ở cũng không đúng sự thật. Qua kiểm tra thực tế việc bồi đất của bà Cúc trên thửa đất của mình là có, nhưng mục đích để trồng cây lâu năm chứ không phải để làm nhà ở. Bà Cúc đã cam kết nếu quỹ đất vừa bồi thêm mà xây dựng nhà cửa sẽ chịu xử lý theo quy định của pháp luật. “Việc làm của bà Cúc theo UBND xã Vinh An là phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013, do đó không đủ căn cứ để xử lý vi phạm như ông Hiệu kiến nghị”. Bà Hòa nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vinh An - Tống Thị Mỹ Hòa, khi lãnh đạo địa phương nhận đơn phản ảnh của ông Hiệu, xét thấy hiện trạng cống thoát nước hình thành trước đây do các hộ tự thỏa thuận nên UBND xã đã mời các bên liên quan đến hòa giải 2 lần. Tại các buổi hòa giải, bà Cúc đồng ý cho nước thoát qua khu vực đất gia đình nhưng yêu cầu các hộ được thoát nước phải đào rãnh hoặc lắp đặt đường dẫn nước ra khỏi vị trí đất của bà khoảng 30m. Theo đề nghị của bà Cúc, đa số không muốn đào rãnh, làm cống nhưng lại muốn tự tìm lối thoát nước riêng cho mỗi gia đình; đồng thời đã rút đơn phản ánh việc bà Cúc bồi đất bít cống không cho nước thoát.

Để đảm bảo hài hòa lợi ích, UBND xã Vinh An thống nhất hỗ trợ một phần kinh phí cùng các hộ dân nạo vét, làm hệ thống thoát nước phù hợp với địa thế, thuận lợi kết nối vào mương chính nằm phía sau các thửa đất mà họ đang sở hữu sử dụng. Vậy nhưng cá nhân ông Hiệu không đồng ý, vì cho rằng gia đình không có kinh phí đóng góp để đào mương cũng như việc lắp đặt cống dẫn nước ở khu vực tại thửa đất của gia đình bà Cúc.

“Tại điểm này, những thắc mắc của ông Hiệu đối với việc làm của bà Cúc tiếp tục gửi lên UBND huyện Phú Vang xem xét” - bà Hòa nói. 

Ông Lê Hữu Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho biết, mới đây huyện có nhận đơn kiến nghị của ông Lương Văn Hiệu và bản thân ông đã tiến hành kiểm tra xem xét thực tế ở cơ sở. Theo ông Ngọc, quan điểm của UBND huyện Phú Vang xét thấy chính quyền cơ sở đã giải quyết thấu tình đạt lý, trên tinh thần “vì dân” đảm bảo dân chủ, hài hòa lợi ích đôi bên, mong người dân thiện chí hợp tác với chính quyền sở tại không nên để sự việc kéo dài...

Bài, ảnh: SONG MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những nguyên liệu làm đồ ngọt bị ảnh hưởng bởi El Nino sẽ tăng giá chóng mặt

Kết quả khảo sát của ngân hàng Rabobank của Hà Lan chỉ ra rằng, một đợt tăng giá mạnh vào năm 2023 đối với những loại nguyên liệu thô bị ảnh hưởng bởi El Nino có thể sẽ tác động đến túi tiền của người tiêu dùng trong những tháng tới. Trong đó, hàng hóa mềm (soft commodities) đã đạt mức tăng giá lớn từ đầu năm đến nay.

Những nguyên liệu làm đồ ngọt bị ảnh hưởng bởi El Nino sẽ tăng giá chóng mặt
Return to top