ClockThứ Năm, 22/03/2012 05:08

Ký ức tháng Ba - Kỳ III: Dưới chân núi Mỏ Tàu

TTH - Hương Thủy - cửa ngõ phía Nam TP Huế, có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Mất Hương Thủy là mất Huế. Chính lẽ đó, trong những năm chiếm đóng, Mỹ - Ngụy đã tập trung ở đây một lực lượng quân sự, bộ máy chiến tranh với nhiều căn cứ hỏa lực mạnh và hiện đại để đối phó với cách mạng. Trong chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng mùa Xuân 1975, Hương Thủy được coi là địa bàn trọng yếu phía Nam giải phóng Huế. Được sự tăng cường của lực lượng quân chủ lực, bộ đội địa phương cùng các đội công tác vũ trang và lực lượng nổi dậy của nhân dân, ngày 25/3/1975, 18 xã trong huyện đã nhất loạt đồng khởi lật đổ chính quyền ngụy quân - ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn huyện Hương Thủy.

Để ghi lại một vài dấu ấn về cuộc chiến đấu của quân và dân Hương Thủy trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, tôi đã tìm đến ông Võ Nguyên Quảng (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh). Trong chống Mỹ, ông là người chỉ huy lực lượng vũ trang huyện và là vị Chủ tịch Uỷ ban Quân quản huyện Hương Thủy ngay ngày đầu tiên quê hương được giải phóng. 

Chuyện ở vùng giáp ranh

Mới thoáng thấy tôi, ông đã cười khà khà. Ông chìa tay bắt tay tôi, nhưng tôi vội thụt lại…

- Chú bắt tay nhẹ thôi nhé, chứ như mấy lần trước cháu chịu không nổi mô…

- Tau tra (già) rồi, chừ không còn mạnh tay như trước mô mà mi sợ. Đến thăm hay có việc chi không?

- Dạ có… Nghe ông Chủ tịch quân quản kể vài chuyện hồi đó, rứa thôi chú…

Rồi ông kể…

Năm 1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết. Phía Mỹ ngụy luôn tráo trở không chịu thi hành hiệp định, thường gây hấn, càn quét, lấn đất giành dân. Trong thế “da báo” đó, vùng đất giáp ranh luôn bị kẻ địch tìm mọi cách chiếm cứ nhằm ngăn chặn lực lượng ta từ trên căn cứ về. Phía ta cũng kiên quyết đánh trả địch để làm chủ vùng giáp ranh, tạo hành lang liên thông nối căn cứ với đồng bằng. Chính vì thế, suốt một dải chiều dài từ tây bắc sông Hương, đường 14, đèo La Hy, Mỏ Tàu liên tục ngày đêm chiến trận nổ ra.

Từ năm 1974 đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên Huế, riêng vùng giáp ranh, quân dân Hương Thủy đánh địch hơn 40 trận, tiêu diệt hơn 1.800 địch, gây thiệt hại phía địch 9 tiểu đoàn, trong đó diệt gọn 2 đại đội, thu 373 súng các loại, bắn rơi 5 máy bay và làm chủ hoàn toàn khu vực Mỏ Tàu, một căn cứ quân sự Mỹ kiên cố, có sân bay trực thăng và pháo hạng nặng…

Góp công lớn trong chiến thắng 1975, không thể không nhắc đến công tác binh vận.

Ban đầu từ trên miệng hầm, công sự, ta bắc loa tuyên truyền về phía địch, sau dựng chòi cao, lên đó tuyên truyền. Chương trình bắt đầu là những câu hò Huế, các khúc dân ca quen thuộc, như “bầu ơi…” “nhiễu điều phủ lấy giá gương...”, “khôn ngoan đối đáp người ngoài… gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau…”, …Không ngờ, những khúc ca ấy làm lay động, thức tỉnh kẻ cầm súng lầm lạc rất hiệu quả. Biết bên Thành đội Huế có cô Thủy ngâm thơ hay có tiếng, đội võ trang Hương Thủy đã xin cô Thủy về hoạt động tuyến giáp ranh Hương Thủy làm công tác binh vận. Được Thành đội đồng ý. Tiếng thơ của Thủy ngân lên là phía bên kia kẻ địch như chùng xuống liền… Tiếng hát, tiếng ngâm thơ, điệu hò đã làm mềm lòng binh lính địch. Những cuộc càn quấy, hung hăng của binh lính địch ngày càng giảm đi rõ rệt.

Một lần, ta tổ chức cuộc gặp với lính ngụy đúng vào dịp 19/5, ngày sinh nhật Bác Hồ. Nơi gặp là một lều có ảnh Bác do ta dựng tạm. Đúng hẹn, phía địch có 12 lính mang vũ khí đến tham gia. Bên ta có 20 chiến sĩ tất cả đều mang theo súng AK. Ông Quảng đóng vai người lính đứng ra chủ động hỏi chuyện chân tình các lính ngụy về gia đình, quê hương, xóm mạc; kể chuyện về Bác Hồ và tuyên truyền đường lối “hòa hợp dân tộc” của cách mạng. Các chiến sĩ ta tiếp “khách” bằng thuốc lá Điện Biên, kẹo, lương khô… Một lính ngụy gọi ông Quảng bằng “thủ trưởng” và hỏi cấp bậc gì. Ông Quảng trả lời là lính. Lính ngụy bảo không phải và khẳng định ông là cấp lãnh đạo, rồi nói tiếp: bọn em được điều ra vùng I chiến thuật, đứa nào cũng sợ. Sợ đụng đầu với quân giải phóng Bắc Việt. Họ dũng cảm và gan lắm… được trò chuyện với các anh ở đây, phần nào cũng hiểu thêm quân giải phóng. Từ giờ trở đi, chúng em không bắn giết hay phá phách gì thêm nữa.

Biết tiếp xúc với quân giải phóng lâu sẽ biến động tư tưởng, nên kẻ địch có chủ trương là phải thường xuyên thay lính mới. Sân bay Cưa dưới chân núi Mỏ Tàu thực hiện thay mới đại đội thường trực ở đây. Lính mới chúng hung hăng, lùng sục, bắn phá, gây hấn vênh váo lắm. Qua nắm bắt thông tin, được biết rằng, cô Nga người Hương Thủy có anh trong đại đội này. Trong lần gặp gỡ, ta bố trí cho cô Nga gặp anh mình. Bên địch đồng ý. Hai anh em gặp nhau qua loa phóng thanh. Từ chỗ hai anh em gặp nhau, trở thành cuộc gặp của hai bên và dần dà gặp nhau dễ dàng hơn. Từ sau đó, địch giảm bớt hung hăng và không lùng sục như trước đây nữa. Bỗng một đêm phía sân bay Cưa có nhiều tiếng súng nổ, sau tiếng súng là tiếng loa vọng sang, báo tin ngày mai sẽ có trực thăng lên đưa đại đội này về căn cứ Phú Bài. Thế là, ta đã làm công tác binh vận thành công đối với một đại đội địch trên tuyến hòa hợp dân tộc.

Lòng dân nội tuyến

Cho đến ngày giải phóng, Hương Thủy có 80 đầu mối nội tuyến hoạt động trong lòng địch. Điều đặc biệt, hầu hết các cơ sở nội tuyến là nữ. Xã Thủy Phương có 22 đảng viên hoạt động nội tuyến, là cơ sở bí mật của ta đều là nữ, do chị Trần Thị Hà làm Bí thư. Các chị hoạt động rất tích cực, nhanh nhạy, tháo vát, thông minh và rất gan dạ ngay trước họng súng của kẻ địch. Chị Hòe là một cán bộ cấp ủy ở Thủy Phù, làm giao liên của Huyện ủy Hương Thủy. Ngày đêm chị như thoi chuyển thông tin liên lạc của huyện ủy về cơ sở chi bộ các xã trong huyện. Điều đáng nói, chị Hòe là một cán bộ cách mạng hoạt động nội tuyến hợp pháp được trong lòng địch cũng một phần nhờ chị cảm hóa được người chồng mình là một lính ngụy để che mắt địch. Chị Lài cũng ở Thủy Phù, hàng ngày làm người bán thuốc đau mắt, lang thang đây đó để nắm tình hình địch, mật báo cho cơ sở. Chị đã nuôi cán bộ trong hầm bí mật ở nhà mình. Đồng chí Thuận, một cán bộ trên điều về làm bí thư xã được chị nuôi giấu trong nhà. Một lần địch bất ngờ ập đến, anh Thuận chỉ kịp trốn vào tủ quần áo. Đang tiếp chuyện với tốp lính bỗng nhiên chiếc tủ động đậy, chị Lài nhanh chóng đứng tựa ngay cánh cửa che mắt địch… Nhiều nữ đảng viên lăn lộn xây dựng phong trào đấu tranh ở xã còn gánh thêm trách nhiệm ở các xã phong trào còn yếu, như chị Năm, phụ trách địa bàn quân trấn Phú Lương, chị Cầm, chị Thuyên ở Thủy An, Thủy Vân… Nhiều tấm gương hy sinh của các cán bộ nữ trước thềm giải phóng quê hương, như chị Đặng Thị Ni, cán bộ văn phòng Huyện ủy về bám trụ ở Thủy Thanh đã hy sinh tại đây; chị Nguyễn Thị Hiếu người con gái Thủy Phương, bị thương nặng do địch tập kích ở Mỏ Tàu, trước khi tắt thở luôn gọi mẹ và mong mẹ thứ lỗi vì không kịp về gặp mẹ trong ngày quê hương giải phóng…

Thông tin liên quan:

>> Kỳ II: Hào khí Quảng Điền

Năm 1981, trong chuyến ghé thăm Hương Thủy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lên thăm mảnh đất chiến khu Dương Hòa, khi ở bên căn cứ điểm Mỏ Tàu, Đại tướng nói: “Đây là cao điểm không lớn, nhưng địa thế quân sự thì rất quan trọng về chiến lược”. Từ trên độ cao của vị trí chiến lược quân sự này, tôi phóng tầm mắt bao quát Hương Thủy. Dưới chân núi Mỏ Tàu, cuộc sống mới đang chuyển động. Chiến khu Dương Hòa giờ đây là một đại công trường thi công công trình hồ chứa nước Tả Trạch với tổng số vốn đầu tư trên 3.491 tỷ đồng, mang tầm cỡ quốc gia. Kia, phía đông nam xưa là thị trấn Phú Bài từng là quân trấn, căn cứ quân sự lớn của Mỹ, giờ là sân bay quốc tế, khu công nghiệp lớn nhất của tỉnh… Hương Thủy giờ đây đã trở thành thị xã, thị xã mới đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế sau 37 năm giải phóng.

Bài và ảnh: Tâm Hành (còn nữa)

Công trường xây dựng hồ Tả Trạch dưới chân núi Mỏ Tàu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấn thân vào những việc mới, việc khó

Trong khuôn khổ Tháng Thanh niên năm 2024, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua tình nguyện, tham gia đảm nhận nhiều công trình, phần việc thanh niên, góp sức trẻ cùng hệ thống chính trị thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Dấn thân vào những việc mới, việc khó
Tuyên dương 28 đảng viên trẻ tiêu biểu

Chiều 26/3, Tỉnh đoàn tổ chức chương trình thông tin chuyên đề về định hướng xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tuyên dương đảng viên trẻ tiêu biểu năm 2024. Tham dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Chí Tài, UVTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cùng đại diện các ban ngành, đoàn thể liên quan.

Tuyên dương 28 đảng viên trẻ tiêu biểu
Thủ lĩnh Đoàn dám nghĩ, dám làm, dám thử thách trước cái mới

Là một trong 100 cán bộ Đoàn tiêu biểu toàn quốc được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2024, Bí thư Đoàn xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền) Hồ Xuân Hoàng gương mẫu và tiêu biểu với nhiều mô hình, sáng kiến hiệu quả.

Thủ lĩnh Đoàn dám nghĩ, dám làm, dám thử thách trước cái mới
Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn.

Những hoạt động của chiến dịch “Hãy làm sạch biển” không chỉ góp phần lan tỏa ý thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường biển mà còn truyền thông điệp về tình yêu với biển, với Tổ quốc.

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Return to top