ClockThứ Bảy, 19/04/2014 05:55

Làm đẹp phố đi bộ

Trên những cây phượng xanh rì, những chiếc đèn trời mang hình ảnh Đại nội, hoa sen, hoa giấy Thanh Tiên, tranh dân gian làng Sình và áo dài Huế bay nhẹ nhàng, hoà vào nền trời trong xanh.Những chiếc đèn mang đặc trưng của mảnh đất cố đô ấy chở đầy ước nguyện may mắn và hạnh phúc cho cuộc sống. Đó là tác phẩm sắp đặt Khoảnh khắc phố (City Moment) của giảng viên, hoạ sĩ Phan Lê Chung. Dưới tán cây xanh, bầu trời xanh và bên dòng Hương thơ mộng, Khoảnh khắc phố dường như càng lung linh để rồi trở nên huyền ảo hơn về đêm, lặng lẽ mà khiêm nhường giao hoà cùng thiên nhiên và con người. “Thông qua ngôn ngữ cách điệu và khái quát, tôi muốn tái hiện lại những nét đặc trưng và bối cảnh không gian Huế. Tác phẩm là sự ghi nhận cảm xúc về mảnh đất và con người xứ Huế đồng thời là lời nhắn nhủ nhắc nhở đến mọi người hãy giữ gìn và bảo vệ những nét đẹp truyền thống văn hoá Huế”, Phan Lê Chung nói.

Tác phẩm Khoảnh khắc phố

Nếu như Khoảnh khắc phố sâu lắng thì Mùa cá, tác phẩm sắp đặt của giảng viên Trần Thị Hoài Diễm, lại mộc mạc, dân dã. “Cuộc sống ngày càng phát triển, người nông dân đã sáng tạo thêm nhiều ngư cụ khác để phục vụ cho công việc đánh bắt cá thuận tiện hơn, đây cũng là một phần trong quy luật sinh tồn. Tuy nhiên, những chiếc nơm úp cá vẫn luôn được lưu giữ và sử dụng như một phần trong công việc hàng ngày. Chúng như nhắc nhở thế hệ sau về những giá trị văn hóa, về cuộc sống của cha ông thuở trước còn lưu giữ cho đến ngày nay. Chính vì thế tôi đã chọn vật dụng là những chiếc nơm để thực hiện tác phẩm sắp đặt này với mong muốn mang đến một cảm xúc về thị giác cũng như liên tưởng về không gian và thời gian cho người xem”, Hoài Diễm cho hay. Chọn địa điểm bên cạnh bờ sông, tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu Huế, một địa điểm công cộng nhiều người qua lại với Hoài Diễm chính là để thể hiện sự nối liền mạch với dòng sông, nơi thượng nguồn chảy ra biển, với hình ảnh những chiếc nơm và cá đem lại nguồn thực phẩm quý giá của thiên nhiên phục vụ cho đời sống con người, sự vui mừng của người dân khi được mùa nước thuận lợi cho việc đánh bắt. 

Mùa cá mộc mạc và lung linh về đêm

Cách những tác phẩm sắp đặt không xa, sinh viên Trường đại học Nghệ thuật Huế đang say mê vẽ tranh về phong cảnh Huế và di sản. Hoạt động vẽ tranh đường phố dễ thương này vào buổi sáng các ngày 13, 15, 17 và 19/4 thu hút không ít người đi bộ và du khách nước ngoài dừng chân nhìn ngắm. Bên bức tranh vẽ chùa Thiên Mụ đã gần hoàn thành, Nguyễn Tấn Lực, sinh viên lớp Hội hoạ 3 cho biết: “Sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế rất hào hứng đăng ký tham gia vẽ tranh để hưởng ứng Festival Huế. Ở Nha Trang quê em không có nhiều di sản mang dấu tích thời gian như ở Huế, vì thế nên em chọn vẽ chùa Thiên Mụ và sông Hương để có thể giới thiệu về vẻ đẹp Huế nhiều hơn đến du khách”.

30 sinh viên nghệ thuật tham gia vẽ tranh về phong cảnh và di sản Huế

Khi thành phố về đêm, con đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu lại càng trở nên thú vị hơn với những nhân tượng (tượng người) do các sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật trình diễn. 9 nhân tượng với các nhân vật hề saclo, luật sư Anh, Marilyn Monroe, tượng hai cô gái quan họ Kinh Bắc, thần Dớt, nữ hoàng Ai cập và lính hầu khiến không ít người xem cứ tưởng là tượng thật. Từ trẻ em đến người già, từ thanh niên đến người bán hàng rong hay chị lao công,... đều tò mò, trầm trồ, xầm xì, thích thú nhìn ngắm và ồ lên ngạc nhiên, thậm chí sợ... chạy mất dép khi nhận ra những bức tượng có thể chuyển động. “Điểm đặc biệt so với hoạt động trình diễn tượng người trong Festival Huế lần trước (năm 2012) là các nhân tượng năm nay không chỉ đứng yên tại một vị trí mà có sự tương tác với người đi bộ. Thỉnh thoảng các nhân tượng có sự thay đổi và nhóm lại thành một nhóm nhân tượng tạo nên cảm giác rất thú vị cho người xem”, hoạ sĩ Phan Lê Chung, người phụ trách chính chuỗi các hoạt động của Trường Đại học Nghệ thuật Huế tại Festival Huế lần này cho biết. Cũng theo hoạ sĩ Phan Lê Chung, hoạt động nhân tượng năm nay không chỉ có tượng nhân vật Việt Nam mà có nhiều nhân vật của các nước trên thế giới nhằm thể hiện sự giao lưu giữa các nền văn hoá thông qua các hình tượng nhân vật. “Chuỗi hoạt động này do Đoàn Trường Đại học Nghệ thuật thực hiện với mong muốn hưởng ứng và góp thêm một nét chấm phá thú vị cho Festival Huế 2014. Đây cũng là dịp quảng bá hình ảnh nhà trường đến công chúng và khách du lịch; tạo sân chơi hoạt động nghệ thuật cho sinh viên và giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật”, hoạ sĩ Phan Lê Chung nói.

Khán giả thích thú chụp hình cùng nhóm nhân tượng

 

Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Festival Huế đã trở thành thương hiệu

Festival Huế 2018 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế 1 điểm đến 5 di sản” diễn ra từ ngày 27/4 đến 2/5, là nơi văn hóa trên khắp thế giới hội tụ và giao thoa. Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức (BTC) Festival Huế 2018.

Festival Huế đã trở thành thương hiệu
Tính cộng đồng được phát huy tối đa

Sau sáu ngày đêm sôi động, với hàng trăm chương trình, lễ hội, suất diễn, Festival Huế lần thứ 10 - năm 2018 đã thành công, tiếp tục khẳng định thương hiệu một lễ hội hàng đầu. Báo Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Festival Huế, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban tổ chức (BTC) Festival Huế 2018.

Tính cộng đồng được phát huy tối đa
Gắn kết bằng “cầu nối” văn hóa

Điều mà Festival Huế đã làm được như nhiều Đại sứ quán đánh giá, là tạo sự gắn kết giữa người dân với nhau thông qua “cầu nối” văn hóa.

Gắn kết bằng “cầu nối” văn hóa
Hơn 220.000 lượt du khách tham gia “Chợ quê ngày hội”

Lễ hội “Chợ quê ngày hội” Festival Huế 2018 chính thức bế mạc vào tối ngày 2/5 với chương trình nghệ thuật đặc sắc. Theo ban tổ chức, trong 5 ngày diễn ra, lễ hội đã thu hút hơn 220.000 lượt du khách, trong đó có hơn 12.000 lượt khách quốc tế.

Hơn 220 000 lượt du khách tham gia “Chợ quê ngày hội”
Giới thiệu sách "Tù chính trị câu lưu Côn Đảo, từ thực tiễn nhìn lại"

Sáng 2/5, Cơ quan đại diện Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tại Đà Nẵng kết hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức lễ giới thiệu sách “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo (1957 – 1975) – Từ thực tiễn nhìn lại”. Hoạt động diễn ra tại hội trường Đại Học Huế nằm trong nội dung của Festival Huế 2018, nhằm quảng bá văn hóa đọc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng cho các thế hệ học tập, noi theo.

Giới thiệu sách Tù chính trị câu lưu Côn Đảo, từ thực tiễn nhìn lại

TIN MỚI

Return to top