ClockThứ Ba, 27/03/2018 09:08

Lễ tế đàn Xã Tắc : Khát vọng hòa hợp giữa con người với thiên nhiên

TTH.VN - Sáng sớm 27/3 (nhằm ngày 11 tháng 02 năm Mậu Tuất), tại đàn Xã Tắc (phường Thuận Hòa, TP. Huế) diễn ra Lễ tế Xã Tắc 2018.

Hạt cát An Bang về đàn Xã Tắc…Đất thiêng từ Trường Sa hòa vào đàn Xã tắc

Lãnh đạo tỉnh đến dâng hương trước khi lễ tế chính thức diễn ra

Đứng chủ Lễ tế Xã Tắc 2018 là ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Trước lúc lễ tế diễn ra, nhiều lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cơ quan chức năng đã đến dâng hương.

Với mục đích đáp ứng nguyện vọng của người dân được dâng hương cầu nguyện, cùng đồng cảm trong hoài vọng quốc thái dân an, phong điều vũ thuận đem lại hạnh phúc cơm no áo ấm cho Nhân dân, Lễ tế Xã tắc đã được tổ chức tái hiện lần đầu tiên vào năm 2008. Từ đó đến nay, Lễ tế được tổ chức hàng năm vào dịp xuân, với tính chất là một nghi lễ cung đình, được nghiên cứu và phục hồi, trở thành một nét văn hóa truyền thống độc đáo của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lễ tế chính diễn ra tại đàn tế, được phục dựng theo quy cách xưa. Nghi thức lễ tế có đầy đủ long đình, ngự liễn, ngự kỷ, các đội nhạc lễ cung đình, các loại cờ truyền thống… Lễ tế Xã Tắc 2018 được phục dựng có 2 phần: phần phục dựng các trình thức nghi lễ và phần dành cho mọi người, du khách vào dâng hương. Vật phẩm dâng tế có đủ tam sinh, ngọc lụa, gạo, hoa quả…

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, Lễ tế Xã Tắc là một trong những nghi lễ cung đình quan trọng xếp vào hàng Đại tự. Những người tổ chức mong muốn tái hiện lại đúng nghi thức quan trọng của người xưa để cho các thế hệ đương đại có thể hiểu được cha ông ngày xưa thể hiện khát vọng hòa hợp, chung sống với thiên nhiên, cầu mong mùa màng bội thu, quốc thái dân an như thế nào. Lễ tế đề cao những giá trị nhân văn, tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà. Điểm mới năm nay là có thêm đội múa Bát dật với trang phục được phục dựng nguyên bản như trước. Trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu phục dựng cả Bát dật Văn và Võ để lễ tế ngày càng nguyên bản nhất.

Chị Nguyễn Thị Hà, người dân sống ở TP. Huế cho biết: “Tôi đã nghe nhiều về Lễ tế Xã Tắc, năm nay mới có dịp vào dâng hương. Không gian được phục hồi lại rất quy mô và trang nghiêm, tôi được thấy lại cảnh vua quan ngày xưa đã tiến hành lễ như thế nào. Tôi cầu mong đất nước bình an, gia đình được ấm no, hạnh phúc”.

Đàn Xã Tắc, nơi tế thần đất (xã) và thần lúa (tắc) của triều Nguyễn, được xây dựng vào tháng 3 năm Gia Long thứ 5 (1806), do các thành dinh trấn trên cả nước đóng góp đất sạch về Huế để xây đắp nên. Đàn được tổ chức tế lễ mỗi năm hai lần, vào mùa xuân và mùa thu. Lễ tế đàn Xã Tắc được xếp vào hàng “đại tự”, cách ba năm (vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu), đích thân nhà vua đến làm lễ.

Một số hình ảnh tại buổi lễ sáng 27/3:

Đứng chủ Lễ tế Xã Tắc 2018 là ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Dâng rượu

Vật tế

Trang nghiêm Lễ tế Xã Tắc

Đội nhạc khí biểu diễn lúc diễn ra lễ tế

Đội Bát dật được phục dựng trong lễ tế năm nay

Người dân và du khách đến dâng hương, cầu nguyện

Clip tại buổi lễ

Đức Quang - Hoàng Hải (thực hiện)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trang trọng lễ tế đàn Xã Tắc

Rạng sáng 15/3, tại đàn Xã Tắc (phường Thuận Hoà, TP. Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã long trọng tổ chức Lễ tế Xã Tắc năm 2024 nhằm cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm.

Trang trọng lễ tế đàn Xã Tắc
Lầu Tứ Phương Vô Sự mở cửa đón khách trở lại

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thông tin, dịp Tết Nguyên đán này, điểm đến văn hoá của di sản Cố đô Huế- Lầu Tứ phương Vô Sự được đưa vào hoạt động trở lại để làm điểm dừng chân cho du khách thập phương sau một thời gian đóng cửa.

Lầu Tứ Phương Vô Sự mở cửa đón khách trở lại
Gần 2,3 triệu lượt khách tham quan di tích Huế

Chiều 5/1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức hội nghị đánh giá công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đến dự, có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

Gần 2,3 triệu lượt khách tham quan di tích Huế
Phục hồi diện mạo di tích Huế

Với nỗ lực của các cấp chính quyền, Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế, sau 30 năm được UNESCO vinh danh là di sản thế giới, Quần thể di tích cố đô Huế dần phục hồi diện mạo ban đầu, đang trong giai đoạn ổn định, phát triển và phát huy giá trị.

Phục hồi diện mạo di tích Huế
Return to top