ClockChủ Nhật, 15/08/2021 06:14

Lòng biết ơn góp phần làm dịu nỗi thương đau

Bốn nhà văn nhà số 4 (*)“Tự bạch” của thầy giáo Trương Quang Đệ

Phan Thúy Hà - cây bút nữ sinh năm 1979 - mấy năm nay nổi tiếng với  4 cuốn truyện “phi hư cấu”: “Đừng kể tên tôi”, “Tôi là con gái của cha tôi”, “Gia đình” đều do NXB Phụ nữ Việt Nam cấp phép và cuốn “Qua khỏi dốc là nhà” gần như là tự truyện thời thơ ấu (NXB Kim Đồng, 2018), trong đó cuốn “Đừng kể tên tôi” ghi theo lời kể của các cựu chiến binh đã tái bản lần thứ 4. Nhân kỷ niệm ngày 27/7, Phan Thúy Hà vừa ra mắt cuốn sách thứ 5: “Những trích đoạn của các anh” (NXB Phụ Nữ Việt Nam” – quý 3/2021), tiếp tục bút pháp 4 cuốn trước, gồm 12 “trích đoạn” lời kể của những thương binh may mắn còn sống đến hôm nay.

Năm tác phẩm của Phan Thúy Hà ôm trùm một không - thời gian rộng lớn, chuyển tải đến bạn đọc những thông điệp rất có ý nghĩa đối với cuộc sống hôm nay. Trong bài báo ngắn này, chỉ xin tập trung giới thiệu một phần đề tài được tác giả quan tâm thể hiện qua 2 cuốn sách viết về cuộc đời của những cựu chiến binh, với bút pháp giản dị mà gây xúc động khôn cùng vì sự thật khốc liệt được diễn tả bởi người trong cuộc…

Đây là một chi tiết trong chuyện “Những ngày ở A Lưới” (Sách “Đừng kể tên tôi”) do ông Lê Quốc Tuyển, Đại đội 20, Trung đoàn 9, Sư đoàn 968 kể: “…Trung đoàn 9 mất sức chiến đấu, lệnh trên đem trung đoàn 8 đang ở ngoài Quảng Bình vào thay ở địa bàn Tây Huế. Nghe tin đó, ba thằng còn lại ở điểm cao yên tâm chờ đợi. Chờ bảy ngày rồi vẫn không thấy trung đoàn 8 vào… Tôi nói với đại đội trưởng, mấy người phải đưa liệt sĩ này ra… Địch phát hiện ra nã súng liên tục. Lại quay vào. Thấy ba người vẫn chưa đưa được liệt sĩ ra… Đầu ngoi lên là trúng đạn ngay lập tức… Tôi nằm sau liệt sĩ. Hai tay nắm chặt vào xác và dùng đầu ủi ra từng mi li mét…” 

Những tác phẩm của cây bút nữ Phan Thúy Hà

Có lẽ cũng cần nói thêm là 25 bài trong cuốn “Đừng kể tên tôi” không chỉ toàn kể chuyện chết chóc; ví như “Chuyện của bốn người” do ông Nguyễn Đình Lập kể là một… chuyện tình “tay tư” vui vẻ và rất cảm động, mặc dù lúc kể lại chuyện ngày xưa, họ cũng nói đến hơn mười cái chết xung quanh! Vắn tắt chuyện tình đặc biệt này một chút, tạo “không khí” để bạn đọc “giải lao”: Bà Tiến chờ ông Lập 12 năm, vừa lấy chồng thì ông Lập từ Tây Nguyên về; thế là bà Tiến sang khóc lóc bày tỏ “em muốn quay lại với anh có được không?”. Còn đây là lời ông Lập: “Tôi rối bời. Chồng của em cũng là bộ đội. Tôi là một đảng viên đạo đức sáng ngời suốt tám năm qua… Tôi tiếc đứt gan đứt ruột em có biết không? Tôi càng nói, Tiến càng khóc. Thôi, giờ chỉ còn cách này cho đỡ tiếc em ạ. Em sinh con em, anh sinh con anh rồi sau này ta gả chồng gả vợ cho chúng nó. Ta không lấy được nhau thì các con của chúng ta lấy nhau…” Người vợ mới của ông Lập là bà Mậu; bà cũng 6 năm đợi chồng. Chồng cũ của bà là thầy Liêu dạy văn cấp hai, hy sinh ở Kon Tum năm 1972…

* * *

Đặc biệt, trong cuốn sách thứ 5: “Những trích đoạn của các anh”, tác giả dành 1 chương với tiêu đề “K8” ghi lại lời kể của 5 cựu chiến binh sống sót sau cuộc chiến bi tráng từ ngày 28/3/1968, tại làng Thanh Lương và Phước Yên (Quảng Thọ), trong đó có ông Võ Chót, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4. Sau một tháng bị vây hãm, gần 500 chiến sĩ K8 (mật danh Tiểu đoàn Bộ binh số 8, Trung đoàn 90, Sư đoàn 324) đã hy sinh ở đây. Một bia tưởng niệm đã được dựng ở làng Phước Yên, nhưng “từ năm 2014 đến nay họ kiên trì theo đuổi một việc: Làm hồ sơ đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho K8”.  Họ “kiên trì” vì như Chính trị viên đại đội 2 Nguyễn Trọng Lượng nhớ lại vị cán bộ cấp trung đoàn khi giao nhiệm vụ đã nói: “Mặt trận giao cho K8 một nhiệm vụ nặng nề. Ta phải hy sinh một bộ phận nhỏ để giành thắng lợi toàn cục. K8 về đồng bằng để thu hút lực lượng địch trong Đà Nẵng, Quảng Nam ra, từ đường 12 về tạo điều kiện cho việc chuyển quân và hàng từ miền Bắc vào Nam, bảo vệ căn cứ địa phía Tây Thừa Thiên…”.

Như vậy, K8 chưa được phong Anh hùng, có lẽ vì sự kiện “Phước Yên” là một trường hợp “ngoại lệ”. Đơn vị K8 không có chiến thắng theo nghĩa thông thường, mà chưa vào trận đã biết mình phải hy sinh vì “thắng lợi toàn cục”. “Tất cả cấp phó giữ lại hậu cứ để đơn vị không bị mất phiên hiệu… Tất cả tư trang bỏ lại hậu cứ…” (Lời kể của cựu binh Nguyễn Trọng Lượng). 500 chỉ huy và chiến sĩ đã chấp nhận cái chết biết trước vì “thắng lợi toàn cục”. Sự hy sinh cao cả có khi hơn nhiều anh hùng khác. Theo lời ông Võ Chót, cả số thoát được vòng vây, đơn vị chỉ còn 46 người. 

Người còn sống như Đỗ Xuân Cường - chiến sĩ đầu tiên xung phong vào đội cảm tử mở đường máu hy vọng tìm lối thoát cho đồng đội, bắn hết loạt đạn B41, tai điếc không còn nghe gì nữa thì trúng M79 vào đầu, ai cũng tưởng đã chết - anh bị bắt rồi bị giam ở Phú Quốc. Một số khác, “bám trụ” khi đã hết đạn, hết lương thực, phải nhai đến tận gốc mía cầm hơi; cho đến “chiều  28/4, trực thăng thả những luồng khói trắng như sương mù. Chúng tôi ngạt thở, quay cuồng, lăn lộn, mê man. Tất cả bị nhặt lên trực thăng…” 

Hơn nửa thế kỷ đã qua từ những ngày đau thương đó!

Những trang sách in chưa “ráo mực”, đêm 1/7/2021, nhà phê bình - Đại tá Ngô Thảo đã chia sẻ với tác giả với những lời trân trọng:

“Nếu những tác phẩm thành công về chiến tranh và cách mạng đã làm nên một đại lộ lớn hoành tráng, như những bản giao hưởng, thì bằng những mẩu chuyện ghi chép nhỏ, mà tính chân thực được bảo đảm, bằng những cuộc đời cụ thể, Phan Thúy Hà đã tạo nên những khúc bolero đằm thắm tình người…”.

Cuộc đời những cựu chiến binh ấy qua “trích đoạn” lời kể của các anh, giúp bạn đọc hiểu thêm dân tộc chúng ta đã giành chiến thắng với cái “giá” như thế nào, để càng biết ơn hàng triệu liệt sĩ, thương binh đã hiến dâng quãng đời đẹp nhất cho Tổ quốc! Lòng biết ơn cần phải được thể hiện bằng việc làm cụ thể, bằng cách sống đẹp sẽ góp phần làm dịu nỗi thương đau…

Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ

(Nhân đọc truyện “phi hư cấu” của Phan Thúy Hà)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Theo đường xuất bản theo đường văn

Với gần 300 trang sách, tập bút ký “Theo đường xuất bản theo đường văn” (NXB Thuận Hóa, 2023) được tác giả Nguyễn Duy Tờ “nhớ, biết và viết” trong suốt thời gian một năm, kể từ tháng 10/2022 - tháng 10/2023. Cuốn sách ghi lại những kỷ niệm, tình cảm đặc biệt của ông dành cho những con người tài hoa mà nhờ “theo con đường xuất bản nhiều năm”, ông đã có cơ duyên gặp gỡ.

Theo đường xuất bản theo đường văn
Độc đáo “Lục bát món Huế”

Tháng 1 năm 2024, anh Lê Tân - người thực hành văn hóa ẩm thực Huế cho xuất bản một cuốn sách hết sức độc đáo “Lục bát món Huế” do Nxb Hội Nhà văn ấn hành. Sách dày 285 trang, in màu rất đẹp, bìa do họa sĩ Đặng Mậu Tựu trình bày. Đúng như tên gọi, “Lục bát món Huế” gồm 480 cặp (960 câu) lục bát, giới thiệu và dạy các món ăn và gia vị đặc trưng Huế. Mỗi món ăn được giới thiệu, ngoài bài thơ lục bát, còn có hình ảnh minh họa, và ghi rõ tên nghệ nhân trao truyền công thức chế biến. Điều đó cho thấy tác giả hết sức nghiêm túc khi ấn hành cuốn sách ẩm thực độc đáo này.

Độc đáo “Lục bát món Huế”
Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”

Bức “Long vân khế hội” là một tuyệt tác trên trần chánh điện cũ Diệu Đế quốc tự sau khi được dịch chuyển lùi phía sau hiện đang được bảo tồn khá tốt trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Bức tranh từng là đề tài được tranh luận sôi nổi nhiều năm về trước về việc giữ lại chánh điện cũ hay hạ giải. Việc hạ giải cũng đồng nghĩa xóa sổ tuyệt tác này.

Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”
Return to top