ClockChủ Nhật, 27/03/2022 05:24

Mây giăng cuối trời

Gió từ sông mát rượiBên nhau mãi mãi

Ông Phúc thắp nén nhang lên bàn thờ đặt giữa nhà. Giọng ông nghiêm khắc. “Mảnh vườn ở quê, là ông nội chia cho cha. Chú, bác, mỗi người đều có phần như nhau cả. Ông bà nội bây hồi xưa ăn bờ ngủ bụi, vỡ đất lập vườn, chỉ muốn con cháu sung túc, sum vầy. Đừng để vong linh ông bà nghĩ, đất đai mình để lại, là tai họa cho con cháu. Mấy đứa nhớ chưa?”. Hai đứa con ông Phúc ngước mắt nhìn cha, lại nhìn khói hương nghi ngút trên bàn thờ ông bà nội, lặng lẽ gật đầu.

Ông Phúc ngước nhìn khoảng trời xam xám màu mưa qua ô cửa nhỏ, thấy lòng trống trải. Chỉ cần khởi kiện thằng cháu ra tòa, ông chắc chắn sẽ lấy lại mảnh vườn hơn 1 ngàn mét đất. Ông nhìn lên bàn thờ. Thấy ánh mắt cha mẹ sáng quắc nhìn ông đăm đăm. Ông thấy lòng có chút buồn thương day dứt. “Thôi đừng nghĩ nữa mà nhọc lòng”. Bà Hằng đưa cho chồng tách trà ấm nóng. Là trà hoa lài thơm phức.

Bà Hằng thích nhất là uống trà hoa. Hoa mộc, hoa quế, hoa tường vy trước nhà bà đều hái xuống pha trà. Ông Phúc thích nhất là mỗi sớm ngồi trước hiên, nhấp ngụm trà ngan ngát hương hoa. Nghe tiếng đám chim sẻ nâu hót líu ríu trên cây me phía trước. Nhìn nắng sớm phủ màu trên những đóa hoa vừa nở. Cánh hoa lóng lánh còn đẫm sương đêm. “Hồi xưa, định cuối đời thì về quê sống đời điền viên. Chứ ai ngờ sẽ bó chặt đời mình trong bốn bức tường ở phố”. Ông Phúc ngậm ngùi. Mùa này ở quê chắc không còn đom đóm. Mùa hè đêm khuya ra vườn, đom đóm bay đầy trời. Đẹp lắm. Ông Phúc thì thầm với vợ.

Ông sống ở phố. Bàn thờ ở đây cũng chỉ thờ vọng. Mỗi năm chỉ khi giỗ, chạp hay tết nhất mới cùng các con lên quê tảo mộ. Vào nhà thờ thắp nén hương cho ông bà. Rồi đi chúc tết nhà các anh em ruột. Quê nhà là nơi thân thương mà ông muốn con cháu tìm về. Chứ không phải là những khởi nguồn tranh chấp. Đã đưa nhau ra tòa, ruột thịt cũng vứt hết. Dù thắng hay thua cũng đều thua cả. Chỉ mong các con hiểu được lòng ông.

Hiên ghé về phố trong một chiều mưa. Thành phố mùa mưa cũng buồn không thua chi ở làng. Những con đường ướt sũng nước. Chiếc xe phía trước phóng nhanh qua vũng nước đọng đen ngòm. Vạt nước hôi rình bắn lên mặt Hiên. May mà trời mưa. Vạt mưa quất vào mặt lạnh buốt. Chỉ một lát đã xóa sạch dấu vết bẩn thỉu trên mặt Hiên.

“Ba mẹ con già rồi. Có giành đất đai cũng chỉ để lại cho tụi con. Tụi con không nhận, đất đó cũng thuộc về các chú. Ông đừng giận. Để từ từ con khuyên ba mẹ”. Hiên nói với ông Phúc khi mưa tạt ngang qua khung cửa sổ ướt nhẹp. Ông nội Hiên là anh trai ông Phúc. Hồi đó, ông nội không bằng lòng để con trai lấy vợ ngược dòng sông. Con gái làng trên tính tình dữ lắm. Hiên nghe ông Thạch kể khi hai cha con cùng vác cuốc ra đồng trong một sáng nắng chang chang. Sau khi cưới, ông Thạch phải xuống mảnh đất hoang cuối làng dựng nhà. Năm Hiên ra đời, cơn lũ quét qua làng, cuốn phăng căn nhà Hiên ra biển. Ông Phúc về phố ở. Mảnh vườn có căn nhà ba gian để không. Ông gọi ba Hiên về cho ở nhờ. Nhà ông nội Hiên cũng rộng. Khi ông nội Hiên mất, vườn nhà để lại cho ba Hiên. Nhưng cả nhà Hiên sống ở vườn ông Phúc quen rồi, chẳng muốn dọn đi. Hiên lấy vợ, ra riêng thì lên rẫy dựng nhà. Rẫy nằm hơi xa làng. Là ông nội để dành riêng cho Hiên. Vì Hiên là cháu đích tôn. Đến lúc thằng Hải em Hiên lấy vợ, thì về vườn ông nội dựng nhà. Chị gái lấy chồng xa. “Tụi con đều có cuộc sống ổn định cả. Cũng không muốn tranh giành miếng đất ông bà cố để lại cho ông. Ông tin con”. Hiên khẳng định.

Hiên nhìn cơn mưa ngoài kia đã ngớt. Lần nào nhắc chuyện trả đất, mẹ Hiên cũng nhảy chồm chồm lên gắt gỏng. “Mày ngu lắm con. Đất mình ở mấy chục năm nay, trả là trả thế nào”. Ba Hiên nói, tau cũng muốn trả, mà mẹ tụi bây không chịu. Đành thôi. Hiên cười buồn hiu. Hôm ấy, cãi nhau xong với bà già, lúc ra khỏi nhà nghe gió từ sông thổi lên lạnh buốt. Lúc đến đây vậy mà quên mặc áo ấm. May trời có mưa. Khoác lên mình tấm áo mưa cũng đỡ lạnh.

Thành phố mở rộng. Sau một đêm ngủ dậy, người làng Hiên từ người nhà quê bỗng trở thành người thành phố. Hè này trời nắng gay gắt. Làng của Hiên nằm ngay bên con sông, mát rượt. Dạo này, dân thành phố về làng tìm mua đất rần rần. Giá đất bỗng tăng vọt, cao chót vót. Người làng giờ đều thành tỷ phú. Nhà càng nhiều đất càng giàu to. Người ta xẻ bớt đất đem bán, rồi xây nhà khang trang hơn. Bỏ nghề nông. Có tiền bán đất gửi ngân hàng lấy lời hàng tháng, làm gì cho khổ, giờ đến lúc dưỡng già rồi. Có người xót đất. Nhưng vẫn bán. Bán ăn cho đỡ cực. Họ nói với nhau.

Miếng đất ông Thạch đang ở cũng có giá tăng vọt. Đất nằm ngay mặt sông. Bên kia sông là núi. Bóng thông bên kia đồi xanh ngắt. Chiều mặt trời xuống núi, ngồi trước hiên nhà có thể thỏa thích ngắm hoàng hôn. Hồi trước, ba Hiên nói muốn giành hết cả ngàn mét đất. Sau lại bảo với con trai ông Phúc, thôi thì chia đôi, mỗi nhà một nửa. Hiên nghĩ, đợi khi cha không còn, nửa mảnh đất đó, anh em Hiên cũng trả lại cho mấy chú.

“Đất giờ có giá lắm. Chỉ cần bán, là khỏi một đời vất vả làm lụng gian nan”. Thằng  Hải nói. “Cha ở đây mấy chục năm. Công giữ đất xứng đáng được chia một nửa, đúng không mẹ”. “Chia chác gì. Của mình hết”. Mẹ Hiên gắt lên. “Không phải hôm bữa nhà mình đã thỏa thuận với nhà ông Phúc, mỗi nhà một nửa sao?”, Hiên nhắc mẹ. “Đó là chuyện hồi trước. Khi đó đất đâu có giá như bây giờ”.

Hôm trước nghe có người ở phố lên trả giá tiền tỷ. Hiên nghe mà hoảng hốt. Cả đời Hiên ở quê, quần quật với ruộng đồng. Cả năm làm lụng vất vả cũng chỉ đủ cái ăn. Chịu khó chắt chiu giữ lắm mới dư chút chút. Cái nhà làm ba bốn bận mới xong. Nhà xây xong không có tiền tô, quét, lót gạch nền đã dọn vào ở. Cửa nẻo cũng không có. Đợi mấy mùa lúa mới dư chút ít, thuê thợ mộc làm mấy liếp cửa gỗ. Cửa gỗ phải chắc, mới chắn gió chắn mưa được. Đã mấy năm rồi, nhà Hiên còn chưa dành dụm đủ tiền để tô quét. Vợ Hiên nói, mai mốt nhà phải sơn màu xanh. Sàn lót gạch màu gỗ cho ấm. Trong nhà phải sắm bộ sô pha nữa mới đẹp. Nói vậy chứ mấy mùa rồi vẫn chưa có đủ tiền. Hiên nghĩ đến mảnh vườn nhà ông Phúc. Mảnh vườn đó có giá cao gấp mấy lần mảnh vườn ông nội để lại cho ba Hiên

Chị gái Hiên bỏ chồng, ôm theo hai đứa con về quê. Hạ xin cha mẹ cho miếng đất, dựng cái nhà để ở. Ông Thạch dẫn Hạ sang chọn chỗ làm nhà. Dựng ở đây. Nhà nhìn ra sông tha hồ mát. Đất nhà ông Phúc, nhưng ông Phúc cũng chẳng nói gì. Chắc ông không biết. Hoặc ông mặc kệ, không thèm quản. Thằng Hải bảo, chỉ cho chị gái ở nhờ. Ở hết đời chị Hạ thì thôi. Đất này của họ Hoàng. Không chia cho con gái. “Mày đừng có ham”. Hạ nạt vào mặt Hải. “Chị lấy chồng thì thôi. Còn về chiếm đất của bọn tôi”. “Đất của mày hồi nào?”.

“Đằng nào chẳng phải của bọn tôi. Nhưng không có phần chị. Đây là đất hương hỏa. Nữ nhi ngoại tộc. Con gái không có phần”. “Mày đừng có mất dạy”. Hạ gào lên. Hải sấn tới.

Hôm đó Hải đi phát rẫy về. Ngang nhà hàng xóm ở cuối làng có tiệc cất đòn tay dựng nhà. Hải có ghé uống mấy ly rượu. Bước chân ngang qua nhà ông Thạch có chút choáng váng. Gặp chị gái đang đứng xem đất với cha liền gây sự. Hạ chỉ định đẩy em trai tránh ra một bên, khi Hải cứ sấn đến trước mặt Hạ. Hải ngà ngà say. Đứng không vững nên ngã lộn xuống biền đất. Biền đất cách mặt đường gần 2 mét. Đầu Hải đập vào viên đá nhô ra. Máu chảy mãi. Cả nhà hốt hoảng gọi xe taxi đưa đi bệnh viện. Xe chạy nhanh. Qua ngã ba giao với đường quốc lộ thì đụng phải xe khách.

Hai chị em Hạ nằm hồi sức cấp cứu suốt một năm trời. Ông Thạch bán mảnh vườn cha mình để lại, lấy tiền lo cho hai đứa con. Tiền hết mà vẫn không cứu được con. Cha mẹ Hiên vẫn ở trên mảnh vườn của ông Phúc. Mẹ Hiên ít nói hẳn. Bà hay ngồi nơi bậu cửa, ngơ ngác nhìn ảnh hai đứa con. Có khi bà ngồi ngơ ngẩn ngoài vườn, lặng lẽ rớt nước mắt.

Lúc Hiên ghé nhà thắp nhang cho em và chị, mặt trời đã khuất sau dãy núi phía bên kia sông. Đứng nơi hiên nhà, Hiên ngước nhìn từng đám mây đen cuồn cuộn nổi lên từ phía núi. Căn nhà chìm trong ánh sáng mờ mờ của ngày tàn. Bếp nhà lạnh tanh. Cha Hiên ngồi trước hiên đốt thuốc, còn mẹ ngồi bên cửa ngơ ngác nhìn mặt sông trước nhà đang chìm dần vào bóng tối. “Hút thuốc ít thôi cha”. Hiên nói với ông Thạch. Không ai trả lời Hiên. Hiên với tay bật ngọn đèn. Ánh sáng tỏa ra, phủ lên hai gương mặt già nua, hốt hoảng. Bóng tối đã phủ xuống sân nhà. Có tiếng chim réo lên từng hồi từ bụi tre ở mé sông. Nghe mà da diết.

NGỌC LINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”
Return to top