ClockThứ Năm, 20/01/2022 14:45

Mô hình hiệu quả của phụ nữ Hồng Vân

TTH - Huy động được gần 500 triệu đồng vốn từ mô hình “Tiết kiệm tự nguyện làm theo lời Bác”, Hội LHPN xã Hồng Vân, huyện A Lưới đã giúp 10 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo theo chuẩn mới nhất.

Ý nghĩa từ những công trìnhChuyển biến trong phong trào

Mô hình tiết kiệm tự nguyện tại chỗ của Hội LHPN xã Hồng Vân đang tạo điều kiện cho nhiều hội viên thoát nghèo 

Trước đây không có vốn, dù nhà ở mặt tiền trên trục đường Hồ Chí Minh, chị Lê Thị Bé, ở thôn A Năm vẫn không tận dụng được lợi thế để buôn bán. Cuộc sống dựa vào công việc phát nương, làm rẫy thuê nên gia đình chị rơi vào hộ nghèo. Năm 2016, chị được chi hội phụ nữ thôn A Năm tạo điều kiện cho vay 10 triệu đồng từ mô hình tiết kiệm tự nguyện của chi hội, đồng thời được Hội LHPN xã giới thiệu tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn phát triển kinh tế do các cấp tổ chức, chị Bé mạnh dạn mở cửa hàng tạp hóa buôn bán. Quá trình bán hàng tạp hóa, chị Bé nhận thấy nhiều người dân có nhu cầu ăn uống nên chị mở thêm quán ăn. Không tốn tiền thuê mặt bằng, buôn bán lại uy tín nên cửa hàng ngày càng đông khách, thu nhập của chị Bé được cải thiện. Không chỉ có tiền trả vốn vay, chị còn tích cóp được tiền tiết kiệm tham gia mô hình tiết kiệm tự nguyện của chi hội. Sau 3 năm chị Bé đã thoát nghèo. “Vừa rồi xã rà soát lại hộ nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2021 - 2025, tôi không rơi vào hộ tái nghèo”, chị Bé phấn khởi.

Chị Bé là một trong hơn 126 hội viên phụ nữ được tiếp cận vốn từ mô hình tiết kiệm tự nguyện tại chỗ của Hội LHPN xã để phát triển kinh tế. Trong đó, có 10 chị đã vươn lên thoát nghèo.

Theo chị Hồ Thị Thỉ, Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Vân, mô hình tiết kiệm tự nguyện tại chỗ được Hội LHPN xã triển khai từ nhiều năm trước, nhưng để thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững phải tính từ năm 2016. “Thay vì tiết kiệm nhỏ lẻ và cho vay với số vốn ít như trước, hội đã mạnh dạn tăng số tiền tiết kiệm và cho vay với số tiền lớn hơn để các chị có đủ điều kiện đầu tư buôn bán”, chị Thỉ cho hay.

Theo chị Thỉ, lúc mới triển khai mô hình, hội gặp không ít khó khăn, do nhận thức của chị em hội viên còn hạn chế, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, lại chưa có thói quen tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày. Không nản, ban chấp hành Hội LHPN xã tìm mọi biện pháp, khai thác thế mạnh của từng chi hội để tuyên truyền, vận động, phân tích cái hay cái lợi khi tham gia mô hình.

Đầu tiên, Hội LHPN xã Hồng Vân làm thí điểm tại chi hội thôn Ka Cú 1, với 22 thành viên tham gia, mức đóng góp mỗi hội viên tối thiểu 100.000 đồng, định kỳ góp quỹ một lần vào một ngày cố định theo quy chế nhóm đề ra. Để quản lý, vận hành nguồn quỹ có hiệu quả, Hội LHPN xã hướng dẫn các chi hội thành lập ban quản lý và xây dựng quy chế hoạt động và sử dụng quỹ rõ ràng, minh bạch. Mỗi tháng sinh hoạt 1 lần vào ngày cố định, mỗi thành viên được vay giao động từ 1 triệu đến 10 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi. Để tạo sự tin tưởng, hình thức bình xét cho vay, mượn được công khai, minh bạch. Bên cạnh có vốn, Hội LHPN xã còn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, giao lưu tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế có hiệu quả, giúp chị em biết tận dụng thế mạnh của gia đình và địa phương để sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Được vay vốn từ quỹ tiết kiệm, các chị em đã đầu tư vào việc chăn nuôi, trồng rừng, bán hàng tạp hóa… Nguồn vốn được sử dụng hiệu quả mang lại kinh tế đáng kể, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Thấy hiệu quả, ý nghĩa, mô hình tiết kiệm tự nguyện ngày càng nhiều chị em tham gia. Từ năm 2016 đến nay, Hội LHPN xã Hồng Vân đã thành lập được 7 nhóm tiết kiệm tự nguyện, với số tiền quỹ tiết kiệm thu được tính đến nay là gần 500 triệu đồng với 197 thành viên, giải ngân cho 126 lượt hộ vay. Trong đó, nhiều chị đã tự nguyện tiết kiệm mỗi tháng từ 500 đến 1 triệu đồng.

Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới đánh giá, mô hình này không chỉ giúp chị em có vốn làm ăn mà ý nghĩa hơn là tạo được ý thức tiết kiệm, biết hoạch toán chi tiêu trong hội viên phụ nữ. Hiện, Hội LHPN huyện đang nhân rộng cách làm của phụ nữ xã Hồng Vân cho toàn bộ các cơ sở hội trên địa bàn toàn huyện.

Bài, ảnh: Tuấn  Khoa

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Làm giàu từ ruộng vườn

Mảnh vườn xanh tốt, cây trái trĩu quả; vườn lá dong ngút ngàn... đó là thành quả của chị Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1965, hội viên phụ nữ xã Hương Toàn, TX. Hương Trà có được để kinh tế gia đình ổn định, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn.

Làm giàu từ ruộng vườn
Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024, vào các ngày 26, 27, 28, 29 tháng 6. Như vậy, chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, các em học sinh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng đánh dấu ngưỡng cửa bước vào tương lai.

Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả
Trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em”

Ngày 14/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp chính quyền xã Hải Dương (TP. Huế) và mạnh thường quân tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em” với số lượng 600 con gà giống đến 20 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có con em trong độ tuổi đến trường.

Trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em”
Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý

UBND TP. Huế vừa ban hành kế hoạch về thực hiện Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bình đẳng giới.

Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý

TIN MỚI

Return to top