ClockThứ Bảy, 18/06/2022 15:21

Một thời “Để nhớ, để thương”

Ra mắt tập sách “Đưa em về nhận mặt quê hương” của nhà thơ Lê Viết Tường

Câu chuyện về cuộc đời của một thầy giáo người Huế được kể một cách chân thực, sinh động, lôi cuốn, với thời gian dài khoảng 45 năm (từ lúc 5 tuổi đến tuổi 50), không gian trải rộng từ làng Kim Long (Huế) đến Thanh Hóa, Hà Nội… sang tít tận trời Tây.  Đó là hồi ức "Để nhớ, để thương" của PGS. TS. Lê Văn Truyền (nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế) vừa được Nhà xuất bản Thuận Hóa cho ra mắt bạn đọc.

Mở đầu cuốn sách, tác giả bộc bạch “Năm 2002, ở tuổi ngoài 60, khi được trở thành “người hưu trí”, những lúc có được phần nào sự tĩnh tại trong tâm trí, tôi bắt tay viết những trang đầu tiên của cuốn sách này. Cho đến nay, sau gần 20 năm, bản thảo mới có thể hoàn thành”. Điều đó cho thấy, sự cẩn trọng, cân nhắc và chắt lọc kỹ càng của ông khi kể về mình với những sự kiện và con người có liên quan.

Hồi ức được cấu trúc theo chương (ứng với thời gian - trục dọc), đan xen hiện tại (trục ngang), với giọng văn nhẹ nhàng nhưng lắng đọng; sâu đậm và ấn tượng nhất là những trang viết về quê hương và tuổi ấu thơ gắn với những mái trường  yêu dấu. Với ngôi nhà quê nội ở xóm Cối, làng Chiết Bi “được bao bọc bởi một mảnh vườn khoảng hai mẫu đất, trồng cây ăn trái. Tôi nhớ, trước nhà có hai cây măng cụt, đến nay vẫn còn một cây, chắc đã hơn trăm tuổi, ba cây vải, nhãn, vài cây khế, cam, đào (mận), vú sữa…và rất nhiều chuối; xung quanh vườn là lũy tre, nơi trú ẩn của chim cuốc, bìm bịp, chào mào, sáo sậu, cò… và cả một thế giới bí ẩn các loài hoa cỏ dại, dây leo, dây bìm bìm dương xỉ… cùng nhiều loại côn trùng, sâu bọ với những con sâu róm hung dữ và rực rỡ, những con sâu chiếu màu nâu, uyển chuyện, e thẹn, dịu hiền như những cô gái quê thời đó”.

Với làng Kim Long quê ngoại, cách chùa Thiên Mụ không xa, nên tuổi ấu thơ của ông thấm đẫm tiếng chuông chùa; “ngôi nhà rường cổ và mảnh vườn xanh mát của bà ngoại là “ốc đảo” thanh bình với nếp sống điển hình của người dân xứ Huế, nhất là không khí rộn ràng của “một xưởng thủ công mênh mông làm bánh mứt tết…, hương thơm của bánh mứt và tiếng rì rầm chuyện trò của người lớn” thỉnh thoảng lại hiện về trong giấc mơ của ông. Phải có một tình yêu sâu đậm về mảnh đất và con người của quê hương, mới “rứt ruột” viết ra những dòng như thế.

Sau 30 năm học tập và công tác ở miền Bắc, đầu năm 1986, ông được cấp trên điều động trở về quê hương thân yêu, đảm nhận nhiệm vụ mới là Phó Giám đốc Xí nghiệp Liên hợp Dược Bình Trị Thiên (năm 1989, là Giám đốc Xí nghiệp Liên hợp dược Thừa Thiên Huế), đây là thời kỳ chuyển đổi cơ chế đầy cam go, thử thách của đất nước (trong đó, có ngành dược); cũng là những tháng năm lặn lội, trăn trở từ thực tế ở cơ sở, cho ông nhiều kinh nghiệm và bài học quý, là thời "Để nhớ, để thương" đọng lại trong ông đậm sâu nhất.

Với trách nhiệm của một người phụ trách chuyên môn, ông đã cùng Ban Giám đốc xí nghiệp toàn tâm, toàn ý, tìm tòi, sáng tạo ra những sản phẩm mới có tiếng lúc bấy giờ, như: thuốc mỡ Tetracycline 1%, ngậm ho“Kẹo Diệp Hà”, cao Sao Vàng, rượu Minh Mạng, kem đánh răng, dầu gội đầu, phấn rôm mang nhãn hiệu “Hương Giang”… Những sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong tỉnh mà còn cung cấp cho thị trường trong nước, xuất khẩu ra nước ngoài. Nhờ vậy, đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống công nhân và người lao động; đặt nền móng vững chắc, và tạo tiền đề gợi mở cho những bước phát triển sau này của xí nghiệp.

“Cuốn sách được viết bằng trí nhớ rất mẫn tiệp của một giảng viên đại học, với những sự việc, thông tin phong phú, trung thực, cùng biết bao tâm huyết của người đã từng là một cán bộ lãnh đạo trong ngành y tế. Ngoài những sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời của tác giả, gắn liền với những giai đoạn phát triển của ngành y tế nói chung và ngành dược nói riêng; "Để nhớ, để thương" còn cuốn hút tôi bằng lời hành văn nhẹ nhàng, trong sáng, khiêm nhường của một người con xứ Huế”. Tôi tin nhiều người sau khi đọc xong cuốn sách, sẽ đồng cảm với nhận xét của GS.TS. Nguyễn Anh Trí...

Lê Viết Xuân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Theo đường xuất bản theo đường văn

Với gần 300 trang sách, tập bút ký “Theo đường xuất bản theo đường văn” (NXB Thuận Hóa, 2023) được tác giả Nguyễn Duy Tờ “nhớ, biết và viết” trong suốt thời gian một năm, kể từ tháng 10/2022 - tháng 10/2023. Cuốn sách ghi lại những kỷ niệm, tình cảm đặc biệt của ông dành cho những con người tài hoa mà nhờ “theo con đường xuất bản nhiều năm”, ông đã có cơ duyên gặp gỡ.

Theo đường xuất bản theo đường văn
Độc đáo “Lục bát món Huế”

Tháng 1 năm 2024, anh Lê Tân - người thực hành văn hóa ẩm thực Huế cho xuất bản một cuốn sách hết sức độc đáo “Lục bát món Huế” do Nxb Hội Nhà văn ấn hành. Sách dày 285 trang, in màu rất đẹp, bìa do họa sĩ Đặng Mậu Tựu trình bày. Đúng như tên gọi, “Lục bát món Huế” gồm 480 cặp (960 câu) lục bát, giới thiệu và dạy các món ăn và gia vị đặc trưng Huế. Mỗi món ăn được giới thiệu, ngoài bài thơ lục bát, còn có hình ảnh minh họa, và ghi rõ tên nghệ nhân trao truyền công thức chế biến. Điều đó cho thấy tác giả hết sức nghiêm túc khi ấn hành cuốn sách ẩm thực độc đáo này.

Độc đáo “Lục bát món Huế”
Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”

Bức “Long vân khế hội” là một tuyệt tác trên trần chánh điện cũ Diệu Đế quốc tự sau khi được dịch chuyển lùi phía sau hiện đang được bảo tồn khá tốt trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Bức tranh từng là đề tài được tranh luận sôi nổi nhiều năm về trước về việc giữ lại chánh điện cũ hay hạ giải. Việc hạ giải cũng đồng nghĩa xóa sổ tuyệt tác này.

Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”
Return to top