ClockChủ Nhật, 12/01/2020 13:54

Nghe kể chuyện bài thơ “đây thôn Vỹ Dạ”

TTH - Vùng đất Vỹ Dạ nằm soi bóng bên dòng Hương thơ mộng nổi tiếng với mật độ dày đặt vương phủ dinh thự thời vua chúa. Nhưng trên hết, khi nhắc đến vùng đất này, người đời sẽ ngay lập tức nhớ đến bài thơ bất hủ “Đây thôn Vỹ Dạ” của chàng thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử.

Nẻo về nhà vườn thôn Vỹ

Từ đường Hoàng tộc, nơi còn lưu lại rất nhiều dấu tích về bà Hoàng Thị Kim Cúc

“Không có cô gái nào khác ngoài cô chèo đò”

Qua một số mối liên kết, chúng tôi tìm về ngôi từ đường họ Hoàng tộc nằm gần cuối hẻm 162 đường Nguyễn Sinh Cung thuộc phường Vỹ Dạ, TP. Huế. Một ngôi nhà theo lối kiến trúc cổ kính pha nét Á – Âu hiện ra trước mắt, một khóm trúc vàng lất phất khiến chúng tôi liên tưởng ngay câu thơ “lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Biết chúng tôi đến tìm hiểu về giai thoại của nàng thơ Kim Cúc, ông Hoàng Phước Thiện – người hương khói cho từ đường và cũng là người gọi bà bằng cô (người Huế gọi o) sau một hồi đắn đo mới quyết định trò chuyện.

Dẫn chúng tôi thăm không gian lưu niệm với bức ảnh, ghi chép của con cháu về cô mình được đặt trang trọng một góc trong gian thờ, ông Thiện kể: “Kể ra đọc thơ Hàn Mặc Tử rất hay, nhắc tới ông tôi chỉ nhớ bài “Đây thôn Vỹ Dạ”. Và cũng từ đó, có rất nhiều giai thoại đồn thổi về ông ấy và cô tôi không chính xác”. Trước khi qua đời (1989), bà Kim Cúc đã nhiều lần biên thư gửi những tác giả liên quan đề nghị đính chính những chi tiết không chính xác khi viết về bà và Hàn Mặc Tử.

Theo tư liệu gia đình, năm 1932 nàng thơ Kim Cúc 19 tuổi khi ấy theo cha mình vào Quy Nhơn. Hàn Mặc Tử gặp nàng ở đây bởi vừa gần nhà, vừa thông qua một người bạn là Hoàng Tùng Ngâm – người bà con với Kim Cúc. Thế rồi hai năm sau Hàn Mặc Tử vào Sài Gòn làm báo, làm thơ, cho đến năm 1936 khi quay lại Quy Nhơn không bao lâu thì Kim Cúc quy hồi cố hương về lại Huế.

Năm 1939, khi hay tin nhà thơ bệnh nặng đang điều trị bệnh phong ở Quy Nhơn, bà Kim Cúc đã gửi một tấm ảnh kèm lời hỏi thăm sức khỏe nhưng không ký tên, nhờ một người gửi tặng nhà thơ. Vì xúc động, Hàn Mặc Tử đã viết bài “Đây thôn Vỹ Dạ” để tặng lại. Ban đầu bài thơ có tựa đề “Ở đây thôn Vỹ Giạ” nhưng sau đó đã được chỉnh sửa lại, bỏ đi chữ “Ở” và thay chữ “Giạ” thành “Dạ”, nghe vừa văn nghệ, vừa đúng chính xác địa danh.

Tuy nhiên, chỉ vì dựa vào câu thơ đầu tiên “Sao anh không về chơi thôn Vỹ?”, nhà thơ Quách Tấn cho rằng, Kim Cúc gửi vào một phiến ảnh của bà cùng lời cô mời nhà thơ ra thăm thôn Vỹ, tạ lòng tri kỷ Hàn Mặc Tử đã tặng lại bài thơ. Còn Nguyễn Bá Tín – em trai Hàn Mặc Tử thì khẳng định: “Cho tới khi anh đau nặng rồi 1939, chị Cúc còn cho anh một phiến ảnh cỡ 6x9, chị Cúc mặc áo dài lụa trắng như những cô gái Huế thời bấy giờ đứng trong vòm cây xanh mát. Anh làm ngay bài “Đây thôn Vỹ Dạ”.

Thế nhưng, tư liệu gia đình khẳng định, vào tháng 4/1971, bà Kim Cúc đã biên thư gửi Quách Tấn để nói rõ: “Thưa ông, bức ảnh đó chỉ là bức ảnh phong cảnh, chụp ảnh hoàng hôn mua ở phố. Trong ảnh không có cô gái nào khác ngoài cô chèo đò. Cô gái mà ông hỏi đó là do sức tưởng tượng của thi nhân... Ngoài trừ bức ảnh phong cảnh đó và bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” thì Tử và tôi không có thư từ gì cho nhau nữa cả”.

Một góc lưu niệm bà Hoàng Thị Kim Cúc

Nhiều tình tiết hư cấu

Từ những tư liệu đó, ông Hoàng Phước Thiện kể tiếp, vì những điều chưa rõ ràng, khiến người yêu văn chương xa gần hiểu nhầm nên người chị họ của ông là bà Hoàng Thị Quỳnh Hoa sống ở Mỹ, đã quyết định làm một cuốn sách, với rất nhiều tư liệu mới xoay quanh bài thơ để “giải oan” cho cô mình.

Theo bà Hoa, câu chuyện ngày xưa ấy không có gì ly kỳ, bí ẩn nhưng nhiều nhà văn, nghệ sĩ đã quyết tâm “tiểu thuyết hóa” mối tình của thi nhân với cô gái đất Thần kinh xinh đẹp. Họ đặt nhiều tình tiết hư cấu, ly kỳ, éo le để dệt nên một trang tình sử bi ai, sầu thảm với mục đích kích thích trí tò mò độc giả. Chỉ đến khi Hàn Mặc Tử qua đời, thông qua một vài người, bà Kim Cúc tỏ lòng cảm kích, ngậm ngùi nhưng cũng khẳng định bằng những câu cảm tác: “Anh để cho đời nguồn cảm hứng/ Người người truyền tụng mãi hăng say”.

“Cô tôi rất trân trọng mối chân tình của thi sĩ. Cô cất kỹ những gì Hàn Mặc Tử gửi lại cho cô. Cô thu thập những tài liệu về thi sĩ, và trân trọng gìn giữ…”, bà Hoa nhớ về người cô của mình và cho biết, năm 1988 cô Kim Cúc đã viết thư cho người anh trai (ba bà Hoa), đại ý rằng: “Câu chuyện đã xảy ra trên 1/2 thế kỷ rồi, em cũng tưởng cứ im lặng cho nó qua đi, vì câu chuyện đã thuộc về dĩ vãng. Không ngờ mấy năm sau, những mẩu chuyện không đúng sự thật vẫn được nhắc lại…”.

Cần tôn dựng bia kỷ niệm thi nhân Hàn Mặc Tử ở Vỹ Dạ

Theo nhà thơ Đông Hà (Hội Nhà văn tỉnh), có thể thấy được rằng, bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người. Qua bài thơ, tên tuổi Hàn Mặc Tử gắn liền với thôn Vỹ, thôn Vỹ gắn liền với Cố đô, tất cả gắn liền làm một... Hàn Mặc Tử tả “Huế đẹp, Huế thơ” qua thôn Vỹ Dạ. Dưới ngòi bút của ông, Vỹ Dạ trở nên đẹp đẽ thơ mộng lạ thường... Dưới cái nhìn của Hàn Mặc Tử, cảnh vật dù có tầm thường nhỏ bé đến đâu, cũng trở nên có hồn, sinh động, lớn lao mang sắc hương diệu kỳ như một phép lạ, đẹp và thơ mộng đến nỗi ai cũng muốn về thăm một lần... “Đây thôn Vỹ Dạ” đầy ngập tình yêu, ánh sáng.

Có những nhà thơ định danh bằng sự nghiệp đồ sộ, có những nhà thơ chỉ cần một tác phẩm đã đủ ghi tên tuổi mình vào bảng vàng lịch sử văn học. Hàn Mặc Tử là người hội tụ đủ hai yếu tố đó. Ông lại là người gắn bó với đất Huế, vinh danh Huế. Như vậy, một điểm di tích kỷ niệm tên tuổi Hàn Mặc Tử sẽ làm cho không gian văn hóa Thôn Vỹ càng thêm sang trọng và giàu ý nghĩa. Trong đó, việc nghiên cứu đề xuất tôn dựng bia kỷ niệm thi nhân Hàn Mặc Tử để tạo thành một không gian văn hóa Vỹ Dạ là điều đáng quan tâm.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cổ ngọc kể chuyện trăm năm

Những món cổ ngọc quý hiếm được chế tác điêu luyện nằm trong bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn lần đầu tiên được trưng bày, giới thiệu đến công chúng khiến mọi người ngỡ ngàng, thích thú. Nhiều món đồ trong số đó, theo lời của chủ nhân, được thừa hưởng lại từ gia đình, một phần được ông cất công sưu tập từ hàng chục năm theo đuổi niềm đam mê cổ vật.

Cổ ngọc kể chuyện trăm năm
Ruộng lúa kể chuyện nghệ thuật

Một ruộng lúa được gieo trên cánh đồng kể lại câu chuyện lịch sử, sự hàn gắn nỗi đau quá khứ và nhắc nhở người trẻ về sự quan trọng của lương thực trong đời sống hiện đại. Quá trình từ khi gieo sạ cho đến thu gặt đã được các nghệ sĩ tạo nên một tác phẩm nghệ thuật bằng video art trên nền âm nhạc đồng quê.

Ruộng lúa kể chuyện nghệ thuật
Kể chuyện di sản trên nền áo dài

Những công trình kiến trúc cổ kính, những cây cầu gắn liền với lịch sử vùng đất Cố đô, những điệu múa cung đình truyền thống, hay đơn giản là chiếc thuyền rồng, hoa đăng… đã được các em nhỏ đặc tả một cách hồn nhiên mà duyên dáng, tỉ mỉ nhưng vô cùng ngộ nghĩnh trên tà áo dài.

Kể chuyện di sản trên nền áo dài
Kể chuyện Mỹ Thủy anh hùng

Cái tên Mỹ Thủy năm nào vẫn được nhắc đến như một hoài niệm và một ký ức hào hùng, đặc biệt là những ngày tháng Tư lịch sử này khi cách nay 48 năm, quê hương được giải phóng và đất nước được vẹn toàn.

Kể chuyện Mỹ Thủy anh hùng
Return to top