ClockChủ Nhật, 18/04/2021 07:00

Nghĩ mới về “Chuyện cũ…”

TTH - Đó, có lẽ là ý “gan ruột” của nhà văn lão thành Nguyễn Khắc Phê muốn gửi gắm trong sách mới của ông: “Chuyện cũ nghĩ thêm - Trò cười nên bớt” (NXB Hội Nhà văn, tháng 4/2021) ra mắt bạn đọc trước thềm “Ngày sách Việt Nam” 21/4.

Huế trong bước ngoặt lịch sử 1945-1946“Tự bạch” của thầy giáo Trương Quang Đệ

Bìa sách của nhà văn Nguyễn Khắc Phê, NXB Hội Nhà văn, tháng 4/2021

Nói “nghĩ mới”, cũng là theo cách mà tác giả trình bày ngay phần đầu của cuốn sách: “Thêm một cách nhìn văn hoá xưa và nay”, tiếp đến “Bàn góp về thời cuộc và dân sinh”, “Không chỉ là chuyện cười”.

Đề cập đến những vấn đề cũ hay mới, lớn hay nhỏ, xưa hay nay, “cung đình” hay dân sinh; từ  chuyện vĩ mô “Nhân loại cần điều chỉnh cách sống sau đại dịch COVID - 19”, “Hãy cẩn trọng khi xâm phạm sự cân bằng của tự nhiên” đến vi mô “Chuyện mít nhà tôi”, “Suýt chết vì cây tầm gửi” và những “Trò cười nên bớt”… ông đều nhìn mới, viết mới, từ góc độ tiếp cận đến luận giải; kiến nghị chân thành, cởi mở trên tinh thần “Đổi mới của Đảng” và tiến bộ xã hội. Bởi vậy, “Chuyện cũ nghĩ thêm…” của Nguyễn Khắc Phê đã lần nữa “hâm nóng” những vấn đề thời sự nhân sinh ở Cố đô Huế, trong nước và không ít những vấn đề mang tính toàn cầu…

Có thể “cũ”, nhưng cũng rất mới, rất bất ngờ, thú vị khi tác giả ôn chuyện kỷ niệm lần đầu gặp các nghệ sĩ Huế: Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, lần ghé ngôi nhà 26 Lê Lợi - TP. Huế, tháng 5/1976. Lần ấy, “Trịnh Công Sơn cởi trần, chuyện trò cởi mở, uống rượu, nhắm thức ăn, chứ hình như không ăn cơm. Vừa ăn uống, vừa hút thuốc, Trịnh Công Sơn bảo: Trước còn hai tay hai điếu!”...(tr.51, sđd). Thế đấy, hồi trẻ, chàng Trịnh, nhạc sĩ “nhà ta” cũng “ngầu” phết. Có ai bảo tài giỏi thì không được… “ngầu”, hoặc đã “ngầu” thì không được… tài giỏi ?

Bạn đọc đến nhà nhận sách đặt mua qua Facebook Nguyễn Khắc Phê

Không cũ một chút nào, khi nhà văn trăn trở, luận giải và kiến nghị với những người đứng đầu các cơ quan chức năng sớm “chính danh” cho “Công trình kiến trúc đặc biệt bên sông Hương tròn thế kỷ tuổi thọ. Lại càng không cũ, không nhỏ, không thể không nghĩ, khi ông đề cập đến vấn đề sử dụng nhân tài theo tinh thần “Đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu gương thực hiện ngay từ thời đầu công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân, đặc biệt trong việc thành lập Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là CHXHCN Việt Nam), thời đầu lập quốc (1946).

Nhắc lại vấn đề “Đoàn kết” và “quy trình” phát hiện, khuyến khích, tiến cử người tài giỏi ở nước ta nói chung, văn tài nói riêng, “Chuyện cũ…” của Nguyễn Khắc Phê khiến nhiều người, nhất là những người có trách nhiệm cao trong công tác “nhân sự”  phải nghĩ thêm, nghĩ lại để làm cho trúng, cho hiệu quả hơn, vì sự nghiệp chung của nước, của dân.

Với lối viết rỉ rả “mưa dầm thấm lâu”, bút lực “gừng càng già càng cay”, Nguyễn Khắc Phê đã cung cấp cho bạn đọc hàm lượng thông tin phong phú, mang ý nghĩa giáo dục tích cực, gợi mở cách tiếp cận, ứng xử mới về những vấn đề được đề cập trong mỗi bài viết của mình. Những bài về 12 “con Giáp” Tí, Sửu, Dần, Mão....như một bộ sưu tập, thậm chí là một “kho” thành ngữ, tục ngữ, kinh nghiệm dân gian phong phú mà tác giả đã kỳ công khai thác, thể hiện… Qua đây, cũng phần nào hiểu được và càng nể trọng vốn sống, sức đọc, sức viết, kỹ năng khái quát, kết nối hợp lý, thể hiện hấp dẫn trong mỗi tiểu phẩm cười mà “Không chỉ là chuyện cười” của ông. Trong ấn phẩm mới này, có một số truyện, tiểu phẩm từng đăng "Tuổi trẻ cười", hơi bất ngờ thấy lão nhà văn vốn có tiếng “nghiêm trang” mà cũng khéo dựng các “trò cười” không chỉ giúp bạn đọc giải trí mà còn gợi nghĩ đến nhiều vấn nạn xã hội cần sớm ngăn chặn, loại trừ. “Chuyện cũ…” của Nguyễn Khắc Phê không cũ là vậy.

“Thử sức” theo cách tổ chức in ấn, “phát hành” sách của một số cây bút trẻ hiện nay, lần này, nhà văn lão thành cũng tự “chi” in ấn, tự “phát hành” sách của mình qua mạng, Facebook “Nguyễn Khắc Phê” và điện thoại di động 098 9965 409. Hy vọng, cũng hấp dẫn, nhất là với những tri âm, tri kỷ với sách, với nhà văn. “Đây không phải cuốn sách cuối cùng!”, nhà văn Nguyễn Khắc Phê cho biết. Nghĩa là, sau cuốn sách thứ 25 này, ông sẽ còn ra sách mới “hầu” bạn đọc.

Rất nhiều người còn “say” với “văn hoá đọc” để được cảm nhận và “đồng sáng tạo” cùng tác giả sẽ tìm đến với “Chuyện cũ nghĩ thêm…” và nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Khắc Phê, nhà văn lão thành đã 82 mùa xuân, trên hai phần ba số đó ông đã và đang “cày cấy” miệt mài trên trang giấy.

Bài, ảnh: BÙI NGỌC QUỲNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao tặng 94 tủ sách lớp học tại huyện Phú Lộc

Chiều 22/4, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lộc phối hợp Tổ chức Zhi Shan Foundation tại Việt Nam tổ chức chương trình hưởng ứng Ngày hội đọc sách với chủ đề “Sách hay cần bạn đọc” và trao tặng 94 tủ sách lớp học cho 13 trường học tại huyện Phú Lộc.

Trao tặng 94 tủ sách lớp học tại huyện Phú Lộc
Em và ngày hội đọc sách

So với các bạn cùng trang lứa TP. Huế và vùng đồng bằng, các bạn nhỏ ở huyện vùng núi, vùng xa Nam Đông và A Lưới thiệt thòi hơn nhiều về điều kiện để tiếp cận công nghệ thông tin...

Em và ngày hội đọc sách
Đọc sách là xây dựng xã hội tri thức

Đọc sách là một hành vi văn hóa của loài người đã mấy nghìn năm nay. Một trong những tiêu chí đã xác định một nền văn minh là phải có chữ viết và chữ viết tồn tại, phát huy, bảo tồn được các giá trị văn hóa của một quốc gia, dân tộc và rộng hơn nữa là nhân loại không nằm ngoài sách.

Đọc sách là xây dựng xã hội tri thức
Để sách luôn là người bạn thân thiện

“Cho dù thế giới phát triển đến mức độ nào thì việc đọc sách vẫn có giá trị của riêng nó và khó mà thay thế. Bởi vì, đọc sách là một trong những yếu tố quan trọng để định hình nhân cách và phát triển tư duy. Như lời Terfaut: "Một quyển sách có thể quyết định cuộc đời hay dở của một đứa trẻ’, ông Hoàng Trọng Thủy, Trưởng Văn phòng Dự án Tổ chức Zhi-Shan Foundation tại Việt Nam, người sáng lập Dự án “Làm bạn với sách” chia sẻ. Nói về ý tưởng hình thành dự án ý nghĩa này, ông Hoàng Trọng Thủy cho biết:

Để sách luôn là người bạn thân thiện
Return to top