ClockThứ Sáu, 05/03/2021 15:58

Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản độc đáo triều Nguyễn

TTH - Vương triều Nguyễn, đặc biệt là giai đoạn vua Gia Long và vua Minh Mạng trị vì, đã để lại cho Huế những di sản văn hóa vô cùng phong phú, có giá trị đặc biệt. Tiếp tục nghiên cứu bảo tồn, phát huy để những di sản ấy tiếp tục tỏa sáng là nhiệm vụ được đặt ra trong những năm tới.

Sông Phổ Lợi qua Mộc bản triều NguyễnSông Phổ Lợi qua Mộc bản triều NguyễnTriều Nguyễn với công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc thế kỷ XIX

Tái hiện lễ Nguyên đán triều Nguyễn

Hội tụ tinh hoa

Nhân kỷ niệm 200 năm hoàng đế Gia Long băng hà và hoàng đế Minh Mạng lên ngôi, một tọa đàm khoa học với chủ đề “Vương triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX (1802-1840) với những dấu ấn lịch sử và di sản văn hóa” đã được Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam và Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế tổ chức cuối tháng 1 vừa rồi. Các nhà khoa học, nhà sử học, nhà nghiên cứu đã ghi nhận, tri ân những đóng góp, chia sẻ những nghiên cứu về giá trị lịch sử, văn hóa vương triều Nguyễn đã để lại, đáng chú ý là kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, hàm chứa nhiều giá trị nổi bật về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, giáo dục… dưới triều Nguyễn.

Vương triều Nguyễn, đặc biệt là giai đoạn vua Gia Long, vua Minh Mạng trị vì đã để lại cho Huế những di sản văn hóa phong phú, có giá trị đặc biệt. Vua Gia Long cho xây dựng Hoàng thành, Kinh thành cùng các công trình kiến trúc liên quan. Vua Minh Mạng quy hoạch lại Hoàng thành và Tử cấm thành, xây dựng Ngọ Môn, hoàn chỉnh việc xây tường gạch cho Kinh thành, xây dựng các vọng lâu trên cửa thành, đào hoàn chỉnh sông Ngự Hà bên trong Kinh thành cùng hệ thống hào, sông hộ thành và thủy hệ bên ngoài…

Quần thể Di tích Cố đô Huế là minh chứng, điểm hội tụ tinh hoa của triều đại quân chủ nhà Nguyễn. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, tính toàn vẹn của quy hoạch đô thị và thiết kế xây dựng đưa Huế trở thành một mẫu mực hiếm có về quy hoạch đô thị vào cuối thời phong kiến. Đồng thời, Quần thể Di tích Cố đô Huế cũng được xem là một ví dụ nổi bật về một loại công trình xây dựng, một quần thể kiến trúc hoặc cảnh quan minh chứng cho giai đoạn trong lịch sử nhân loại theo hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới.

Bên cạnh kho tàng di sản văn hóa vật thể đồ sộ với tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm, Huế còn là một tụ điểm về di sản văn hoá tinh thần phong phú. Văn hóa cung đình Huế với cội nguồn từ triều Lý, trải qua các triều đại Trần, Lê rồi lan tỏa hội tụ và kết hợp với truyền thống văn hóa vùng đất miền Trung và phía Nam của Tổ quốc đã được manh nha từ thời các chúa Nguyễn và phát triển đến đỉnh cao, hoàn chỉnh dưới thời các vua Nguyễn, để ngày nay tạo nên những giá trị văn hóa phi vật thể và truyền khẩu được cả nhân loại thừa nhận. Trong kho tàng di sản văn hóa tinh thần còn có sinh hoạt cung đình, lễ hội cung đình và các ngành nghề truyền thống đã được hình thành và phát triển trong quá trình xây dựng kinh đô, như: nghề mộc, nề, ngõa, pháp lam, sơn thếp, thêu ren, khảm chạm...

Theo đánh giá của TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, những di sản lịch sử và văn hóa do triều Nguyễn để lại cho chúng ta là rất lớn. Trong đó, nhiều di sản đã được các thế hệ hiện nay tôn vinh, khai thác và phát huy giá trị rất hiệu quả trong phạm vi quốc gia, khu vực và trên thế giới, như: các bảo vật quốc gia triều Nguyễn, Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc, mộc bản, châu bản, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Xây dựng trung tâm nghiên cứu Huế và triều Nguyễn

Mấy mươi năm qua, Thừa Thiên Huế đã rất nỗ lực trùng tu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản cung đình triều Nguyễn. Quần thể Di tích Cố đô Huế kể từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993 đến nay đã trải qua 2 giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị: “cứu vãn di tích” và “phục hồi và phát huy giá trị (bước đầu)”. Tiếp nối những thành tựu của hai giai đoạn này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa xây dựng nhiệm vụ Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được xác định là giai đoạn 3 với mục tiêu chủ đạo là “tôn vinh và tạo động lực tăng trưởng mới”, thực hiện chiến lược phát triển đô thị di sản Thừa Thiên Huế theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, mục tiêu hướng đến của quy hoạch giai đoạn tới là phục hồi và làm sống lại các không gian di sản, tạo sinh lực mới để Huế trở lại vị thế đã từng có trong lịch sử; chuyển hóa Quần thể Di tích Cố đô Huế thành hạt nhân, động lực chủ yếu trong chiến lược phát triển đô thị di sản Thừa Thiên Huế; phát huy mọi giá trị quý giá của di sản văn hóa Cố đô Huế, giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn bền vững, đưa di sản gắn kết và mang lại lợi ích cho cộng đồng...

Về những giá trị di sản phi vật thể, nhà nghiên cứu Phan Đăng đề nghị, cần xây dựng một trung tâm văn hóa Huế, nơi lưu trữ đầy đủ tư liệu di sản văn hóa Huế, làm nơi nghiên cứu Huế và triều Nguyễn tốt nhất. Đồng thời, tiếp tục sưu tầm, dịch thuật, chú giải và giới thiệu những công trình lớn của triều Nguyễn, tái bản hoặc in mới các bộ lịch sử, địa chí quan trọng; sưu tầm, thẩm định, in ấn tác phẩm văn học, triết học của vua quan nhà Nguyễn, những công trình nghiên cứu của nước ngoài viết về Huế và triều Nguyễn.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang

Công tác đoàn và phong trào thanh niên trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã có bước phát triển toàn diện cả chiều rộng, lẫn chiều sâu; thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang
Học sinh nghiên cứu khoa học

Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Học sinh nghiên cứu khoa học
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn
Độc đáo “Lục bát món Huế”

Tháng 1 năm 2024, anh Lê Tân - người thực hành văn hóa ẩm thực Huế cho xuất bản một cuốn sách hết sức độc đáo “Lục bát món Huế” do Nxb Hội Nhà văn ấn hành. Sách dày 285 trang, in màu rất đẹp, bìa do họa sĩ Đặng Mậu Tựu trình bày. Đúng như tên gọi, “Lục bát món Huế” gồm 480 cặp (960 câu) lục bát, giới thiệu và dạy các món ăn và gia vị đặc trưng Huế. Mỗi món ăn được giới thiệu, ngoài bài thơ lục bát, còn có hình ảnh minh họa, và ghi rõ tên nghệ nhân trao truyền công thức chế biến. Điều đó cho thấy tác giả hết sức nghiêm túc khi ấn hành cuốn sách ẩm thực độc đáo này.

Độc đáo “Lục bát món Huế”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top