ClockChủ Nhật, 11/10/2020 10:49

Ngôi nhà của “Người tình”

TTH - Tôi chưa đọc tiểu thuyết Người tình (tiếng Pháp là L’ Amant) của nữ văn sĩ Pháp Margueritte Duras (M. Duras), dựa trên mối tình có thật của bà với ông Huỳnh Thủy Lê, một người Trung Hoa ở Việt Nam, được dịch ra 43 thứ tiếng và đoạt giải thưởng văn học danh giá Pháp - giải Goncourt. Thế nhưng, tôi đã bị hút hồn khi xem nhưng thước phim chuyển thể cùng tên từ tiểu thuyết của đạo diễn Jean – Jacques Annaud. Vẻ đẹp mơ màng của diễn viên Jane March; câu chuyện tình M. Duras - Huỳnh Thủy Lê (tài tử Lương Gia Huy thủ vai) được nuôi dưỡng bởi yêu thương và kết thúc trong nước mắt và cả bối cảnh miền Tây Nam bộ nữa đã thực sự hấp dẫn tôi.

“Mắt biếc” sẽ giúp Huế thu hút khách trong dịp Tết Dương lịch 2020Đoàn làm phim “Mắt biếc” trở lại Huế sau doanh thu lớn

Chuyến phà Mỹ Thuận năm nào, nơi mà chàng trai Trung Hoa Huỳnh Thủy Lê gặp gỡ cô gái Pháp M. Duras mới 15 tuổi và rồi cô đồng ý cùng lên xe Limousine sang trọng, khởi đầu cho mối tình lãng mạn và ngang trái không còn, bởi đã có chiếc cầu dây văng Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền. Thế nhưng, cảnh xưa vẫn còn đó, đặc biệt là ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở tại số 255A, Nguyễn Huệ, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp). Ngoài vị trí thuận lợi “nhất cận thị, nhị cận giang”, ngôi nhà được xem là giao thoa giữa 3 nền văn hóa. Thoạt nhìn, bề ngoài là lối kiến trúc La Mã phục hưng. Bên trong còn giữ được kiểu ba gian truyền thống người Việt. Riêng lối bài trí của các bao lam sơn son thếp vàng trong nhà lại là các chủ đề trong mỹ thuật Trung Hoa.

Giật mình khi được biết từ khi bộ phim Người tình của Jean - Jacques Annaud công chiếu vào năm 1992, ngôi nhà Huỳnh Thủy Lê mỗi năm có khoảng 30.000 du khách quốc tế tìm đến tìm hiểu thêm về người tình của nhà văn nổi tiếng thế kỷ 20, bà M.Duras. Nhà có 2 phòng ngủ và để du khách có thêm những trải nghiệm, những người làm du lịch Đồng Tháp đã có sáng kiến mở dịch vụ ngủ lại đêm ở đây với giá 1 triệu đồng/phòng/ đêm. Để rồi, lại có thêm nhiều tiếp nối thú vị nơi này. Năm 2013, nhà cổ đón tiếp một du khách và phải đến hôm sau, khi trò chuyện mọi người mới “té ngửa” khi biết ông là con ruột của nữ văn sĩ M. Duras.

Tuy rằng chưa có ngôi nhà gắn liền với cuộc tình đẫm lệ, được lan tỏa và hấp dẫn bởi văn chương và điện ảnh mang tầm vóc quốc tế như của Huỳnh Thủy Lê, nhưng Huế tự hào có hàng trăm nhà cổ với bao câu chuyện bí ẩn và hấp dẫn ẩn chứa bên trong. Tôi nhớ năm 2017, khi Nhật hoàng ghé thăm khu lưu niệm Phan Bội Châu, trong đó có ngôi nhà tranh nơi “ông già Bến Ngự” sinh sống, đã có một chia sẻ đầy phấn khích, rằng “nếu không có Nhật Hoàng ghé thăm, mình cũng không biết Huế có một địa điểm lịch sử thật tự hào và trang nghiêm như vậy”. Được biết, sau sự kiện lịch sử này, đã có nhiều du khách, đặc biệt là người Nhật, ghé thăm khu lưu niệm.

Gần đây, dư luận như “phát sốt” với phim Mắt biếc của Victor Vũ có nhiều cảnh quay tại Huế. Ngay sau khi bộ phim ra mắt, bên cạnh cây cô đơn hay đồi Thiên An, Huế đã có quán cà phê Mắt biếc, ở 66 Huỳnh Thúc Kháng, vốn là ngôi nhà được mượn để làm nhà của nhân vật Hà Lan, trở thành điểm đến của nhiều du khách, đặc biệt là giới trẻ. Khó có thể so sánh ngôi nhà của Hà Lan nơi phổ cổ Bao Vinh với nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc.  Thế nhưng, điều cảm nhận được là cả hai đã trở nên nổi tiếng nhờ có Mắt biếc và Người tình. Tôi nghĩ, đó là cách văn chương và điện ảnh góp phần lan tỏa, tạo nên những sản phẩm du lịch lay động lòng người.

Đan Duy

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top