ClockChủ Nhật, 13/03/2022 14:43

Người phụ nữ có duyên với Huế

TTH - Hình như lần đầu tôi gặp chị Đạm Thư cũng là lần đầu chị lên A Luới. Vậy mà đã 20 năm. Nhắc đến thời gian vì chị vừa gửi cho tôi một chùm ảnh đẹp về Huế kèm lời nhắn: “Từ Canada gửi về... Với người xứ Huế thì quen quá rồi. Sáu năm tôi không về Huế”.

Nhạc sĩ Phạm Duy với Huế

Đạm Thư và chồng năm 1958

Những bức ảnh cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, Ngọ Môn… thật quen thuộc, nhưng với người có “duyên” sâu đậm với Huế như chị Đạm Thư, các phong cảnh, di tích văn hóa ấy gợi nhắc cả một trời thương nhớ. Mới đó thôi, sau khi Báo Thừa Thiên Huế đăng bài “Những chuyện còn ít người biết” về Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giản, chị gọi điện “bổ sung” các chi tiết mà chị không tiện viết trong tiểu luận mở đầu cuốn sách, rồi kể rất nhiều chuyện liên quan đến Huế; và thật ngạc nhiên khi nghe chị nói: “… Anh biết không, tôi đã lên A Lưới đến 7 lần!...”.

Ngạc nhiên và khâm phục vì một cây bút “bám trụ” Huế mấy chục năm như tôi, lại từng sống và chiến đấu ở Trường Sơn, chỉ mới thăm quê hương anh hùng Kan Lịch một lần. Vậy mà chị Đạm Thư, một phụ nữ sinh năm 1935, với vóc dáng mành nhỏ, cũng có thể gọi là “tiểu thư khuê các” liễu yếu đào tơ đất Hà thành, không chỉ đã lặn lội lên A Lưới nhiều lần mà còn có “bạn thân” ở vùng núi cao heo hút này.

Cuộc đời chị thật lắm chuyện lạ. Chỉ riêng cái “duyên” khiến chị Đạm Thư quan tâm đến các em nhỏ dân tộc A Lưới lại bắt nguồn từ một ông Tây. Năm 2001, ngay sau khi Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình kêu gọi các nước phương Tây chung tay giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm chất độc da cam (VNED) được thành lập tại Paris (Pháp). Tháng 4/2002, vợ chồng bác sĩ Bernard Doray, Phó Chủ tịch VNED “xung phong” đi A Lưới và chị Đạm Thư nhận làm “gạch nối” (phiên dịch, viết thư từ…) cho hội VNED với các gia đình nhiễm da cam. Thời điểm ấy, chị Đạm Thư đã 67 tuổi, đường lên A Lưới còn ngổn ngang đất đá, bà con các dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu còn rất nghèo khổ, nhưng chị và hai bác sĩ người Pháp đã lặn lội đến nhiều gia đình ở xã Hồng Vân, Đông Sơn… tìm hiểu tỉ mỉ hoàn cảnh đời sống, bệnh tật từng người.

Không phải ngẫu nhiên VNED chọn chị Đạm Thư làm “gạch nối” với trẻ em bất hạnh ở vùng cao Thừa Thiên Huế và chị đã hăng hái đảm nhận công việc rất nhiều gian khổ này. Trước hết, vì chị thông thạo Pháp ngữ; cả chị và chồng từng là Việt kiều Pháp, trước khi về nước tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và xây dựng đất nước. Hơn thế, nhiều bạn Pháp còn biết chị từng là phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam phụ trách chuyên mục “Vì tương lai con em chúng ta” và trong 10 năm (1980 -1990) phụ trách Tạp chí Phụ nữ Việt Nam tiếng Anh của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều khách quốc tế. Đặc biệt nữa, tuy chị không sinh trưởng ở Huế nhưng có “duyên” với Huế bởi nhiều lẽ. Thân mẫu của chị là cháu nội cụ Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giản - vị đại quan có nhiều năm gần gũi với vua Tự Đức và đã hết lòng ủng hộ hoạt động canh tân đất nước của Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Bùi Viện… Chồng của chị là kỹ sư Trần Đăng Nghi, sau Cách mạng Tháng 8 từng xung phong làm liên lạc cho Giải phóng quân Huế, lúc đang là học sinh Trường Quốc Học. Thân phụ anh gốc Hà Nội, thời gian vào làm việc ở Huế đã “phải lòng” một cô gái ở Bao Vinh. Ông từng mất một người con trai tại nhà tù Côn Đảo năm 1943, nên thấy Trần Đăng Nghi bị bắt, bị tra tấn, ông xin cho anh vào Sài Gòn, rồi du học Pháp. Song thân của anh đều mất tại Huế và hiện thờ ở chùa Vạn Phước…

Cặp đôi Trần Đăng Nghi - Đạm Thư có nét tương đồng như nhiều “cặp đôi hoàn hảo” Quốc Học - Đồng Khánh ở Huế, chỉ khác Đạm Thư là nữ sinh Trường Đồng Khánh - Hà Nội (năm 1948, đổi thành Trường Trưng Vương). Chị Đạm Thư cũng du học Pháp sau khi bị mật thám Pháp bắt năm 1952 khi đang học lớp tú tài 2, do chúng bắt được lá thư chị thay mặt nữ sinh Trưng Vương viết gửi các nữ sinh quân y duợc ở Việt Bắc… Chúng đánh đập và tra điện nhiều lần, nhưng chị chỉ khai là “viết đơn hộ” do chị từng giỏi môn văn, năm 1950 từng được thay mặt toàn Trường Trưng Vương nhận phần thưởng ưu đẳng tại Nhà hát lớn Hà Nội… Thấy chị bị tra tấn dã man, thân mẫu chị đã phải đơn từ nhờ xin cho chị tại ngoại. Bọn chúng đổi sách lược, cho người đến đe dọa và thuyết phục: “Sao cô dại thế? Con nhà được ăn học tử tế… Thật phí hoài cả tuổi thanh niên…”.

Sau mấy tháng bị giam, rút cục, cũng như Trần Đăng Nghi, cô cựu nữ sinh Đồng Khánh (Hà Nội) hăng hái chống thực dân Tây đã sang Pháp du học, nhờ người phụ trách học chính ở phủ Cao ủy Sài Gòn là bạn với thân phụ cô từ khi còn học tại Trường A. Sarraut Hà Nội can thiệp… Những người lo chạy cho Trần Đăng Nghi và Đạm Thư cũng như không ít thanh niên thuộc lớp “tinh  hoa” thời đó sang Pháp du học tưởng rằng cuộc sống sung túc ở một nước tư bản phát triển có thể làm nhụt chí và “cách ly” họ khỏi phong trào yêu nước; nhưng ngược lại, hầu như tất cả, họ đã trở về nước cống hiến tài sức cho kháng chiến và xây dựng Tổ quốc. Như Trần Đăng Nghi đã là một trong số người xây dựng bộ môn hóa học trại Trường đại học Bách khoa Hà Nội và một số xí nghiệp, đã tạo ra một chất làm lớp tráng vải bạt che mưa cho Bộ Quốc phòng… Còn chị Đạm Thư, sau nhiều năm làm “gạch nối” cho chuyên gia nước ngoài với các ngành, đã tập trung vào nghiên cứu tâm sinh lý trẻ em và là người giúp Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giao tiếp với nhiều đoàn khách quốc tế…

Một con người như thế được chọn làm “gạch nối” giữa Hội VNED với trẻ em A Lưới trong nhiều năm là điều đương nhiên. Công việc này các bạn Pháp đã viết thành một chương cuốn sách “Miền trung Việt Nam, sự hồi sinh của thung lũng A Lưới sau bom đạn Mỹ và chất độc da cam” xuất bản tại Paris năm 2013; riêng với chị Đạm Thư, có lẽ nên kể tiếp câu chuyện chị “kết bạn” với cô gái Pa Cô là Lê Thị Cam. Chị đã gặp Cam trong chuyến lên A Lưới năm 2003, biết Cam vừa thi rớt phổ thông trung học sau thời gian học nội trú ở Huế và nay chỉ ở nhà… nuôi gà vì hai bàn tay thiếu mấy ngón rất khó làm việc khác. Chị cũng biết lúc ấy, một học sinh tốt nghiệp trung học ở A Lưới là của hiếm, nên đã giúp cho cô học bổng và lệ phí đi thi ở Huế; cứ hai tháng, chị gửi tiền một lần và hẹn Cam hàng tháng gửi thư cho chị như một bài tập làm văn. Cam thực hiện “giao ước” nghiêm túc, viết thư rất tình cảm. “Khi cô nắm 2 bàn tay em một cách bình thường, em ngạc nhiên thấy cô không hề sợ hãi chi hết. Em cảm thấy như có phép lạ gắn lại cho em đôi bàn tay lành lặn… Cô biết không, trước đây khi em về Huế học, nhiều bạn cùng lớp khi thấy tay em mất ngón thì tránh xa em…”. Cuối năm học, Cam về Huế thi tốt nghiệp và được nhận vào làm văn thư - kế toán xã Hồng Thượng. Tháng 5/2005, chị lên A Lưới và gặp lại Cam - “một cô gái năng nổ đi xe đạp phóng nhanh, gương mặt hồng hào…” và ngôi nhà mẹ con cô được Nhà nước hỗ trợ sắp xây xong…

Chuyện chị Đạm Thư “kết bạn” với cô gái Pa Cô tuy chỉ là một “góc nhỏ” trong cuộc đời dài 87 năm của mình, nhưng là bằng chứng sinh động rằng người phụ nữ dù là xuất thân “tiểu thư khuê các” quen thân với nhiều “bạn Tây”, nhưng với thiên chức người mẹ, với lòng nhân ái, vẫn có thể gần gũi với những con người tưởng là rất khác biệt và giúp cho họ vượt qua bất hạnh, hòa nhập với cộng đồng…

Chuyện chị Đạm Thư có “duyên” với Huế còn nhiều nữa, ngay trước xuân Nhâm Dần, từ TP. Hồ Chí Minh, chị bỗng gọi điện thoại cho tôi kể rằng, chị qua Mỹ có gặp hai người trong một tổ chức từ thiện Mỹ từng được quân giải phóng cứu thoát ngay trong những ngày bom đạn Tết Mậu Thân… Xem ra người phụ nữ tuổi sắp chạm “cửu tuần”, vẫn đang muốn viết tiếp cuốn sách “Gặp gỡ trên đường đời” mà chị đã in 5 năm trước…

Bài: NGUYỄN KHẮC PHÊ - Ảnh: TL

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm giàu từ ruộng vườn

Mảnh vườn xanh tốt, cây trái trĩu quả; vườn lá dong ngút ngàn... đó là thành quả của chị Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1965, hội viên phụ nữ xã Hương Toàn, TX. Hương Trà có được để kinh tế gia đình ổn định, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn.

Làm giàu từ ruộng vườn
Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý

UBND TP. Huế vừa ban hành kế hoạch về thực hiện Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bình đẳng giới.

Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý
Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ

Phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế; vì thế việc trao cơ hội tiếp cận tín dụng cho phụ nữ cũng đồng nghĩa trao thêm cơ hội để phụ nữ tự khẳng định mình.

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ
Đồng hành cùng chi hội trưởng

Đề xuất tăng phụ cấp cho chi hội trưởng (CHT), đổi mới các phong trào để thu hút hội viên, cùng các CHT nắm bắt tình hình, hoàn cảnh chị em để có cách giúp đỡ hợp lý, kịp thời... là cách mà hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp và chính quyền địa phương đồng hành cùng các CHT trong việc xây dựng và phát triển phong trào phụ nữ trên toàn tỉnh.

Đồng hành cùng chi hội trưởng
Để phụ nữ an toàn trên không gian mạng

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế. Tuy nhiên, họ cũng chính là những nạn nhân của các vụ lừa đảo trên không gian mạng bởi chính sự nhẹ dạ, cả tin và thiếu kiến thức trong ứng dụng công nghệ số.

Để phụ nữ an toàn trên không gian mạng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top