ClockThứ Sáu, 09/09/2016 05:51

Nguyễn Đại Giang, đảo nghịch cuộc đời bằng hội họa

TTH - Họa sĩ người Mỹ gốc Việt Nguyễn Đại Giang là một cái tên còn khá mới lạ ở Việt Nam. Thế nhưng, trường phái hội họa vẽ theo “Trường phái đảo ngược” (Upsidedownism) do ông sáng lập được công nhận, không còn xa lạ ở Mỹ. Mới đây, triển lãm “Đảo ngược” với 15 tác phẩm của ông được trưng bày tại không gian Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật tỉnh (26 Lê Lợi, TP. Huế) đã gây ấn tượng mạnh, thu hút người xem từ những cái nhìn đầu tiên.

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang bên tác phẩm “Ca Huế” do mình vẽ. Tác phẩm này được ông tặng cho Bảo tàng Mỹ Thuật Huế sẽ xây dựng trong tương lai

Vẽ nghịch lý cuộc đời

Đây là triển lãm thứ 3, sau hai lần đem tranh “Đảo ngược” về giới thiệu công chúng ở quê nhà Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. 15 bức tranh triển lãm tại Huế lần này vẫn mang đậm phong cách mà họa sĩ Nguyễn Đại Giang khởi xướng từ năm 1994, khi ông vừa đặt chân lên đất Mỹ. Chính những bất hạnh trong cuộc đời cùng với những tháng năm mưu sinh nơi đất khách từng khiến ông từ bỏ giấc mơ vẽ. Ấy thế mà, niềm đam mê ấy không dứt khỏi cuộc đời chàng họa sĩ khóa đầu tiên của Trường ÐH Mỹ thuật công nghiệp (Hà Nội). Ông vẽ những lúc rỗi rãi. Nhưng vẽ gì ở Mỹ khi mà ở đây hội tụ quá nhiều bậc anh tài, đủ loại trường phái. “Và tôi đã làm khác. Những nghịch lý hàng ngày tôi nhìn thấy vẫn đang tồn tại đấy thôi. Upsidedown ra đời từ đấy”, họa sĩ Nguyễn Ðại Giang kể về trường phái hội họa do ông sáng lập.

Những bức tranh ông đem về Huế triển lãm lần này đã khiến người xem ấn tượng bởi sự phá cách táo bạo. Những khung cảnh làng quê, ca Huế, hay những nhân vật nghệ sĩ, như Trịnh Công Sơn, Bùi Xuân Phái…được Nguyễn Đại Giang đảo ngược hoàn toàn. Cha đẻ của trường phái này cho rằng, lý luận của trường phái Upsidedownism là vạn vật thay đổi. Cái khởi đầu và tận cùng giống nhau, trong tranh đảo ngược có sự thay đôi rất lớn ở vị trí mắt, mũi, mồm, tay, chân đằng trước ra đằng sau, cái bên ngoài thành cái bên trong, cái trên biến thành cái dưới, có to biến thành cái nhỏ… “Triết lý là vậy nhưng vẽ là vẽ thật. Tôi vẽ cái ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng họ không nói ra mà thôi”, họa sĩ Nguyễn Đại Giang, tâm sự.

Tặng tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang sinh năm 1944 tại Hà Nội. Ông có nhiều cuộc triển lãm cá nhân và tham gia nhiều triển lãm quốc gia trên nước Mỹ giành nhiều giải thưởng cao, như: Tác phẩm “Mẹ và con” đoạt giải 3 cuộc thi nghệ thuật quốc tế tại Tây Ban Nha. Tác phẩm “Vũ điệu Hawaii” đoạt giải cuộc thi top 50 vẽ nước Mỹ (Paint America - 2006); Giải thưởng danh dự: bằng xuất sắc cho tác phẩm “Ca trù” do trang web Artoteque.com, London trao tặng (2007). Ông có vị trí nhất định trong làng hội họa tại Mỹ vì có cách nhìn đa chiều độc đáo in đậm tư duy triết học âm dương của phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Cùng với đó, ông còn được ghi tên mình vào danh sách 500 người sáng lập của thế kỷ 21 do Hoàng gia Anh biên soạn. Trong hành trình trở về Việt Nam lần này, người họa sĩ quê gốc Hà thành thông qua Tạp chí Sông Hương cũng đã gửi tặng những bức tranh yêu thích của mình cho Huế, khi hay tin sẽ có Bảo tàng Mỹ thuật Huế xây dựng trong tương lai. Ngoài ra, một số sách do ông viết cũng sẽ được bán tại triển lãm để gây quỹ, giúp đỡ cho những họa sĩ có hoàn cảnh khó khăn.

Cuộc trở về lần này với ông như một cơ duyên kèm theo một chút ấp ủ bởi tình yêu với xứ Huế. Ông từng đến Huế, đi thăm Gác Trịnh, ngắm phố phường đậm không gian xanh mà ông yêu thích. Trong số 15 tác phẩm triển lãm lần này có một số bức ông vẽ từ sau chuyến thăm Huế năm 2014 như bức Trịnh Công Sơn, Ca Huế hay chỉ là một khoảnh khắc của Huế dưới ánh nắng vàng với bố cục, mảng màu và những thuận nghịch chứa trong từng bức.

Upsidedownism, nhìn từ văn hóa Việt

Giọng nói đậm chất Hà thành, họa sĩ Nguyễn Đại Giang tự nhìn nhận quá trình sáng tác các tác phẩm đã thắng được chính bản thân mình, tâm thức mình, óc mình và mắt mình. Với ông, trong Upsidedownism cái tư tưởng bao dung đã thắng và hòa hợp giữa cái đúng và cái sai, giữa cái thuận và nghịch, giữa có lý và vô lý. Và, những bức tranh của ông đã nói lên được tư tưởng, triết lý riêng mà ông theo đuổi hơn 22 năm qua.

Nhiều người đến với phòng tranh và khá hào hứng khi lần đầu tiên được xem triển lãm lạ…mà không lạ như vậy. Bạn Nguyễn Minh Tâm, một người trẻ yêu hội họa nói rằng, lâu nay chỉ quen nhìn xuôi, và không nghĩ có thể nhìn ngược. Giờ mới nhận ra ngược xuôi tùy theo cách nhìn. “Ví như bức tranh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nó được vẽ đảo ngược, và khi nhìn ngược mình thấy nó toát lên một điều gì đó sâu kín trong từng nét vẽ”, Tâm nhìn nhận.

Khi hỏi về Upsidedownism, họa sĩ Nguyễn Đại Giang nói rằng, nó không có gì xa lạ mà từng tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử văn hóa Việt Nam. Cách đây hàng ngàn năm, trên đất nước chúng ta đã xuất hiện loại hình tranh đảo ngược. Ví như, tranh dân gian Nam Bộ thế kỷ 17, bài chòi trong điêu khắc dân gian Bắc Bộ, dấu vết văn tự cổ trên đá ở Sa Pa… Họa sĩ Nguyễn Đại Giang thừa nhận, Upsidedownism mà ông sáng tạo ra và thành công cho đến ngày hôm nay ít nhiều có ảnh hưởng và kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc. “Tất cả cùng vì tình yêu quê hương. Đam mê, cống hiến của bản thân tôi không có gì ngoài mục đích đưa bản sắc văn hóa Việt đến gần hơn với bạn bè thế giới. Muốn vậy phải tạo ra cái riêng độc đáo, mới lạ ngay ở chính bản thân mình đầu tiên”.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu - Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá rằng, trường phái đảo ngược của họa sĩ Nguyễn Đại Giang đánh dấu một sự sáng tạo, tìm tòi riêng. Mỗi tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Đại Giang có một cái hay riêng, làm ngược, đảo lộn để người xem có góc nhìn trái chiều, từ thấy được tính tính, cái lạ của bức tranh.

PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hồn phố trong Khanh

Phố trong nét cọ của họa sĩ Hoàng Đăng Khanh như đưa người xem đắm chìm theo nhiều cảm xúc khác nhau: bình yên, lãng mạn, liêu xiêu, xa lạ, đâu đó là chơi vơi, cô đơn. Bao nhiêu năm theo đuổi đề tài phố, người họa sĩ xứ Huế này vẫn không hề mệt mỏi. Bởi với anh, chính những góc phố ấy đã nuôi dưỡng không chỉ tâm hồn mà còn cho anh những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn.

Hồn phố trong Khanh
Return to top