ClockThứ Bảy, 11/01/2020 22:32

Nhân rộng mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn ở Phú Lộc

TTH - Từ hiệu quả cánh đồng mẫu lớn (CĐML), huyện Phú Lộc đặt mục tiêu tiếp tục nhân rộng diện tích trong thời gian đến.

Góp ruộng cổ phầnGia tăng số lượng trang trại và mô hình cánh đồng mẫu lớn

Nông dân Phú Lộc thu hoạch lúa

Nhanh, hiệu quả

Nhớ lại hai vụ lúa đông xuân và hè thu năm 2019, ông Hoàng Chiến, Giám đốc HTX Đại Thành, xã Lộc An hồ hởi khi lần đầu tiên trong lịch sử của HTX, năng suất lúa đạt gần 80 tạ/ha (trước đó trung bình khoảng 65 – 68 tạ/ha).  

Theo ông Hoàng Chiến, trong nông nghiệp, nhất là trồng lúa, hiệu quả sản xuất luôn được chứng minh thông qua năng suất. Với HTX Đại Thành, có được năng suất đó chính là việc áp dụng mô hình sản xuất CĐML. Việc sử dụng cùng một loại giống (KH1), cùng một loại phân bón, thời gian gieo sạ cùng lúc nên giảm hẳn sâu bệnh, lúa phát triển đồng đều. Năm 2019, HTX sản xuất trên 130ha theo mô hình CĐML, nhờ áp dụng máy móc kỹ thuật, với hình thức “cuốn chiếu” nên khi gieo sạ và lúc thu hoạch chỉ diễn ra đúng trong 3 ngày. Nhờ vậy mà vụ hè thu 2019 có đợt lũ sớm, nhiều nơi bị thiệt hại, riêng ở Đại Thành đã kịp thời thu hoạch, đảm bảo năng suất cao.

Tại HTX An Nong II, xã Lộc Bổn, chỉ sau một năm áp dụng mô hình sản xuất CĐML, năng suất lúa cũng tăng từ 7 – 9 tạ/ha. Riêng với vụ hè thu ở Phú lộc, luôn bị ảnh hưởng bởi thời tiết và thiếu nước tưới, những năm trước năng suất chỉ đạt gần 60 tạ/ha, vụ hè thu năm 2019 đã đạt hơn 65 tạ/ha. Ông Võ Đại Khoa, Giám đốc HTX An Nong II chia sẻ, khi áp dụng mô hình CĐML đã tiết kiệm được công lao động. Điều hành, chăm sóc đều được tập trung nên kịp thời vụ, cho năng suất cao. HTX cũng được doanh nghiệp bao tiêu lúa tươi khi thu hoạch nên càng cho thấy hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc thông tin, năm 2019, toàn huyện đưa vào sản xuất tổng cộng 700ha lúa theo mô hình CĐML. Năng suất tăng trung bình 5 - 7 tạ/ha so với khi chưa áp dụng. Có nhiều HTX tăng gần 10 tạ/ha, như các HTX Đại Thành, Châu Thành, Tiến Lực (Lộc An), Nam Sơn, Bắc Sơn (Lộc Sơn), An Nong II, An Nong I (Lộc Bổn)…

Được biết, việc triển khai CĐML được huyện Phú Lộc đặt mục tiêu hướng đến vùng lúa trọng điểm và phát triển một số sản phẩm nông nghiệp sạch. Áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, giống, canh tác, cơ giới hóa, quản lý đồng ruộng và phòng trừ dịch bệnh, tạo chu trình sản xuất khép kín, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, sản phẩm sạch với giá trị cao, là tiền đề phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững ở Phú Lộc.

Theo các HTX nông nghiệp đã áp dụng mô hình CĐML ở Phú Lộc, với cách thức sản xuất nhanh, tiết kiệm, mang lại năng suất cao, CĐML gần như không vấp phải trở ngại gì trong phát triển, nhất là từ phía các xã viên. Trước đây, còn có những ý kiến về tính khả thi, nay tất cả đều đồng lòng và mong muốn mở rộng diện tích sản xuất.

Tiến đến bao tiêu

Ngành nông nghiệp huyện Phú Lộc cho biết, năm 2020, huyện tiếp tục mở rộng thêm 430ha theo mô hình CĐML trên địa bàn. Để có thể đạt được năng suất lúa cao, các giải pháp được đặt ra là tiếp tục thực hiện kế hoạch hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bằng việc mở các lớp tập huấn và phòng trừ sâu bệnh, bón phân, diệt cỏ dại... cho người dân; tổ chức thực hiện tốt các khâu dịch vụ, như thủy lợi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Một khâu được cho là còn yếu của cả tỉnh và riêng Phú Lộc khi áp dụng mô hình CĐML là việc tiêu thụ nông sản bằng hình thức bao tiêu sản phẩm cho người dân. Hiện ở Phú Lộc mới chỉ có một số HTX bao tiêu, hoặc bao tiêu một phần nhỏ, còn lại vẫn phải bán ra thị trường bằng hình thức truyền thống. Như ở HTX Đại Thành, vụ đông xuân năm 2020 đưa vào áp dụng 390ha, nhưng chỉ có 50ha được doanh nghiệp cam kết bao tiêu.

Ông Nguyễn Văn Thông cho biết, hiện huyện đang tìm kiếm và làm việc với các doanh nghiệp để hỗ trợ bao tiêu lúa cho người dân. Việc hợp tác bao tiêu cũng sẽ đặt ra cho người dân nâng cao hơn chất lượng của hạt lúa. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở hoàn thiện và nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.

Ông Hồ Trọng Cầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc khẳng định, việc xây dựng, sản xuất nông nghiệp theo mô hình CĐML là một giải pháp quan trọng, lâu dài, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất lúa gạo nói riêng và các loại cây trồng khác của Phú Lộc trong những năm tới. Đây cũng được xem là tiền đề để tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người nông dân; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và là một trong các giải pháp nhằm thực hiện tiêu chí phát triển kinh tế trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Phú Lộc.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Nhiều mô hình hay

Bằng những cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền đã huy động được sự vào cuộc, tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân xây dựng nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ, đỡ đầu cho trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội.

Nhiều mô hình hay

TIN MỚI

Return to top