ClockThứ Ba, 16/11/2021 14:31
HOÀNG GIÁP NGUYỄN TƯ GIẢN

Những chuyện còn ít người biết

TTH - (Nhân đọc “Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản – Ngoại giao đi sứ và khát vọng canh tân tự cường” – NXB Khoa học xã hội, 2021)

Đọc sách trong môi trường thân thiện

Bìa sách “Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản – Ngoại giao đi sứ và khát vọng canh tân tự cường”

Trong số các nhà khoa bảng và đại quan có vị thế đáng kể thời nhà Nguyễn, hình như Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản (1823-1890) còn được ít người biết đến, so với bạn “đồng liêu” thân thiết như Phạm Phú Thứ, mặc dù ông có học vị vào loại cao nhất thời đó và giữ nhiều chức trách quan trọng trong 40 năm dưới mấy đời vua.

 Nguyễn Tư Giản là tên do vua Tự Đức đặt (tên thật là Nguyễn Văn Phú) quê phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay là xã Mai Lâm, Đông Anh - Hà Nội), xuất thân từ dòng họ khoa bảng nổi tiếng. Ông nội Nguyễn Tư Giản là danh sĩ Nguyễn Án. Ông thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ (tức Hoàng giáp) năm 1844, lúc mới 22 tuổi, trải qua nhiều chức vụ và từng là Phó sứ đi Tàu (thời nhà Thanh) cho đến năm 1872 lên đến chức Thượng thư Bộ Lại, sung Cơ Mật viện…

Cuốn sách “Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản – Ngoại giao đi sứ và khát vọng canh tân tự cường” dày gần 500 trang, trong đó dành phần lớn số trang in nguyên bản chữ Hán và bản dịch “Yên thiều tập” và “Yên thiều bút lục” có thể xem như là du ký trong chuyến đi sứ năm 1868-1869, “mô tả hết sức tỉ mỉ, tái hiện lại các cuộc tiếp kiến và mọi hoàn cảnh, tình huống, như cung cấp cho người đọc được xem một cuốn phim quay chậm về triều đại phong kiến Trung Hoa đang suy tàn cách đây hơn 150 năm”. Nhân kỷ niệm 131 năm ngày mất của Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản, dòng họ Văn Lâm Nguyễn tộc đã mời TS. Nguyễn Quang Hà (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long -Hà Nội) dịch thuật, khảo cứu hai tác phẩm đi sứ đặc sắc được lưu trữ tại Viện Hán Nôm.

Tuy vậy, người bỏ nhiều công sức liên hệ, tổ chức để làm nên cuốn sách này là Nguyễn Hạc Đạm Thư, một hậu duệ của Nguyễn Tư Giản. Về cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản, trước năm 1945 đã được nhà văn Nguyễn Triệu Luật (1903-1946) là cháu nội Nguyễn Tư Giản thể hiện trong bộ tiểu thuyết lịch sử “Ngược đường trường thi” (năm 2020, NXB Kim Đồng vừa tái bản); Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây năm 2001 cũng đã xuất bản một cuốn sách về Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản, nhưng chưa có điều kiện in hai tập ký đi sứ của ông.

Với cuốn sách “Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản – Ngoại giao đi sứ và khát vọng canh tân tự cường”, giới nghiên cứu có thêm một tư liệu quý về lịch sử - văn hóa thời Nguyễn từ kho Hán Nôm được phiên dịch đầy đủ; với bạn đọc rộng rãi thì tấm gương một đại quan trung trực, giàu khát vọng canh tân như Nguyễn Tư Giản vẫn có ý nghĩa đến hôm nay.

Trong tạp chí Hán Nôm (số 3 năm 2002), PGS. Trần Nghĩa đã viết bài ca ngợi “Nguyễn Tư Giản, một trí thức lớn của nước ta”. Hai tập ký đi sứ mới chỉ là phần nhỏ trong di sản văn chương Nguyễn Tư Giản. Theo TS. Nguyễn Quang Hà, “Nguyễn Tư Giản để lại trước tác học thuật khá đồ sộ được tập hợp trong “Thạch Nông toàn tập” gồm 36 tập với nhiều chủ đề…”.

Trong phần tiểu luận của mình, bà Đạm Thư đặc biệt chú trọng mối quan hệ giữa hai đại thần Nguyễn Tư Giản và Phạm Phú Thứ với các nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện.

Nguyễn Tư Giản đỗ tiến sĩ sau Phạm Phú Thứ một khóa, nhưng cả hai được vua Thiệu Trị quý mến chọn vào Hàn lâm viện Biên tu và khi vua Tự Đức lên ngôi, cả hai đều là Giảng quan ở Tòa Kinh Diên. Hai vị đại khoa đều cùng được chọn đi sứ; chỉ khác, Phạm Phú Thứ đi Tây, nhưng cả hai, đi sứ về càng nung nấu khát vọng canh tân đất nước. Nhờ đi sứ, “Nguyễn Tư Giản hiểu được thực trạng triều đình nhà Thanh đang trên đà suy thoái trầm trọng, không chống đỡ nổi các thế lực hùng mạnh phương Tây đang nhòm ngó bành trướng sang vùng Viễn Đông... Thấy rõ ở nước mình vua Tự Đức và triều đình vẫn rập khuôn theo hình mẫu của triều đình nhà Thanh…”. Từ đó, “ông tận dụng sự tin cậy của vua Tự Đức, cố gắng thuyết phục vua Tự Đức đảm nhiệm trọng trách của vua như các vua Minh Trị ở Nhật và vua Chulalongkom ở Xiêm La (Thái Lan)…” hết lòng ủng hộ những kế sách canh tân đất nước mà Phạm Phú Thứ và Nguyễn Trường Tộ đã dâng lên nhà vua, mặc dù không ít đại thần khác ngăn trở.

Không e ngại sự ghen tị phản bác của các đại thần khác, khi “được vua Tự Đức tin cậy cất nhắc ông lên tới chức Thượng thư Bộ Lại, ông ra sức thuyết phục vua xóa bỏ định kiến gốc Công giáo của Nguyễn Trường Tộ mà khẳng định bằng những dẫn chứng thực tế những kế sách của Nguyễn Trường Tộ – Phạm Phú Thứ đã và đang thi hành đều làm cho dân giàu nước mạnh…”. Bà Đạm Thư đã nêu dẫn chứng Phạm Phú Thứ khi làm Tổng đốc Hải Yên (gồm 4 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Yên) đã khuyến khích Bùi Viện mở rộng cảng Ninh Hải (tiền thân cảng Hải Phòng hôm nay)… Đáng chú ý Bùi Viện (1839-1878) cũng là một nhà canh tân xuất sắc, được Nguyễn Tư Giản hết lòng ủng hộ .

Đáng tiếc là chuyến đi không kết quả, do “chậm bước” vì lúc đó Pháp đã “bắt tay” với Mỹ. Theo nhận định của bà Đạm Thư, cả Nguyễn Trường Tộ và Bùi Viện đều bị bọn thực dân Pháp đầu độc. Trong tình thế lúc đó, khát vọng canh tân của Nguyễn Tư Giản không đạt nhiều kết quả là điều khó tránh khỏi, nhưng hậu thế vẫn mãi quý trọng phẩm chất của một đại quan không ngại va vấp, thiệt thòi, kiên trì đấu tranh vì lợi ích của dân tộc đất nước.

Để có thể phần nào hoàn chỉnh “chân dung” Nguyễn Tư Giản, hẳn cũng nên biết thêm chuyện ông đã hai lần bị cách chức. Lần đầu, năm 1857, khi làm Hiệp lý đê chính lo về đê sông Hồng, sông Đuống, không may đê vỡ, bị điều về làm Tham biện quân vụ Hải Yên, rồi do thua trận nên bị cách chức. Đó có thể là “điểm trừ.”

Về kinh năm 1866 được phục chức Hàn Lâm viện Thị độc, nhưng sau khi đi sứ, lên chức Thượng thư Bộ Lại vẫn bị giáng 4 cấp, do sơ ý để cấp dưới làm chuyện giả mạo…

Đó là “điểm trừ” đối với Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản nhưng với hậu thế lại là bài học về sử dụng cán bộ: Không phải cứ học vị cao là có thể cử làm bất cứ chức vụ gì; mặt khác, dù thời phong kiến đang suy, xem ra phép nước vẫn… nghiêm!

Bài, ảnh: Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”

Bức “Long vân khế hội” là một tuyệt tác trên trần chánh điện cũ Diệu Đế quốc tự sau khi được dịch chuyển lùi phía sau hiện đang được bảo tồn khá tốt trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Bức tranh từng là đề tài được tranh luận sôi nổi nhiều năm về trước về việc giữ lại chánh điện cũ hay hạ giải. Việc hạ giải cũng đồng nghĩa xóa sổ tuyệt tác này.

Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”
Gieo thói quen đọc sách cho trẻ từ niềm hứng khởi

Hẳn nhiều cha mẹ đều biết lợi ích của việc đọc sách đối với con trẻ. Tuy nhiên làm sao để hình thành được thói quen đọc sách cho con từ nhỏ và làm sao để con hứng thú với việc đọc sách thay vì những trò chơi trên điện thoại thông minh, iPad… thì không phải ai cũng biết.

Gieo thói quen đọc sách cho trẻ từ niềm hứng khởi
Return to top